'Văn đàm mùa thu' - Sợi dây kết nối giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Hà Nội FM, Magic of Color, Phố Hàng kết hợp cùng Vietnam Sightseeing và Chuyện của Hà Nội đồng tổ chức 'Văn đàm mùa thu', chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào đón mùa thu. Chuỗi sự kiện được bảo trợ bởi Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Văn đàm mùa thu” là sự kiện thứ hai trong chuỗi dự án “Hợp đồng mùa thu”, diễn ra tại không gian Thư Quán, khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thị Thúy Hạnh - một cây bút nhất quán và công khai tư duy về chữ, “di chữ”, “sống lời”, mà ở đó, chị đã xác lập một quan niệm về thơ lấy chữ/ngôn ngữ làm trung tâm. Tại “Văn đàm mùa thu”, khán giả sẽ cùng thưởng thức âm nhạc và trò chuyện văn học về mùa thu Hà Nội.

Toàn cảnh chương trình "Văn đàm mùa thu"

Toàn cảnh chương trình "Văn đàm mùa thu"

Mở đầu sự kiện là giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc "Mùa thu cho em", đưa khán giả đến những thanh âm đầu tiên của mùa thu. Từ sau tiết Lập thu, có lẽ tất cả những trái tim yêu văn học nghệ thuật đều rung động trước vẻ đẹp của mùa màng, nhất khi chúng ta đang ở trong những ngày rất đẹp của mùa thu Hà Nội, trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Có thể nói, mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận cho những người yêu thích văn chương.

Đan xen giữa những cuộc trò chuyện về thơ là giai điệu sâu lắng của những ca khúc về mùa thu như "Có phải em mùa thu Hà Nội"; "Nhìn những mùa thu đi"; "Nồng nàn Hà Nội"... Khán giả cũng được lắng nghe những vần thơ của trích đoạn bài thơ "Có phải em mùa thu Hà Nội" hay "Sang thu".

Chia sẻ cảm nhận về sự kiện "Văn đàm mùa thu", ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho biết: "Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo. Trước kia, trường Quốc Tử Giám có những cuộc bình văn, bình thơ rất thú vị. Nối tiếp mạch văn hóa, các bạn trẻ đã tổ chức chương trình Văn đàm mùa thu. Tôi thấy chương trình này rất nhiều cảm xúc bởi đây là sự kết nối giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, là sự tiếp nối dòng chảy văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, khán giả tham gia đều là các bạn trẻ. Điều này sẽ tạo ra niềm hy vọng về những người trẻ sẽ phát huy truyền thống văn hóa. Các bạn trẻ sẽ là những người sáng tạo ra cái đẹp, làm cho mạch nguồn văn hóa của dân tộc tiếp tục lan tỏa tới thế hệ sau".

Đến với sự kiện "Văn đàm mùa thu", Nguyễn Minh Anh cho biết: "Chương trình đã thể hiện được sự giao thoa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Tôi cho rằng việc đưa các yếu tố văn hóa vào chương trình không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm của khán giả mà còn giúp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. "Văn đàm mùa thu" đã thành công trong việc kết nối khán giả qua các hoạt động và tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa, từ âm nhạc, ẩm thực đến nghệ thuật. Tôi tin rằng đây chính là cách hiệu quả để mọi người hiểu và trân trọng hơn những giá trị văn hóa đa dạng, đồng thời cũng góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của cộng đồng".

Khán giả tham dự "Văn đàm mùa thu" đều là các bạn trẻ

Khán giả tham dự "Văn đàm mùa thu" đều là các bạn trẻ

Chia sẻ về mong muốn khi tổ chức chuỗi sự kiện về mùa thu tại Hà Nội, Nguyễn Hoàng Kiên - người sáng lập Dự án, cho biết: "Chuỗi sự kiện gồm các hoạt động văn hóa, giải trí kết hợp giữa những thú ăn chơi của người Hà Nội cùng một số loại hình trải nghiệm hiện đại, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của công chúng. Qua đó, dự án hy vọng mang tới "mâm cỗ chơi mùa" hấp dẫn dành tặng người dân và du khách khi ghé thăm Thủ đô trong những ngày mùa thu ý nghĩa. Ban tổ chức hy vọng thông qua mỗi trải nghiệm, người tham dự sẽ cảm thấy yêu thích hơn các giá trị văn hóa văn nghệ, tận hưởng trọn vẹn mùa thu Hà Nội hơn và yêu Hà Nội hơn".

Thông qua chuỗi sự kiện, Ban Tổ chức cũng hy vọng góp phần lan tỏa hơn nữa tình yêu Hà Nội, vẻ đẹp các giá trị văn hóa truyền thống tới nhiều tầng lớp xã hội, đồng thời, cổ vũ tinh thần yêu nghệ thuật của mỗi người. Từ đó, dự án mong muốn tạo ra phong trào thưởng thức, trải nghiệm các sự kiện văn hóa văn nghệ, làm giàu có thêm đời sống tinh thần của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Mai Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-dam-mua-thu-soi-day-ket-noi-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-va-hien-dai-post1118397.vov