Vấn đề Brexit: Lãnh đạo DUP ở Anh ủng hộ Thủ tướng Johnson
Chủ tịch Hạ viện Anh Ree-Mogg nhận định nhiều khả năng các nghị sỹ đảng Bảo thủ và phe đối lập sẽ thông qua được một thỏa thuận Brexit nếu Thủ tướng Boris Johnson có được sự ủng hộ của DUP.
Lãnh đạo đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (DUP), bà Arlene Foster đã bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Anh Boris Johnson, song nhấn mạnh sẽ không chấp nhận rời Liên minh châu Âu (EU) với những điều kiện khác với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Phát biểu ngày 29/9 tại đại hội thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở thành phố Manchester, bà Foster khẳng định: "Không ai muốn thấy những hạ tầng khổng lồ ở khu vực biên giới... Cần một sự mềm dẻo, sáng tạo, và phải thừa nhận vai trò hợp hiến của Bắc Ireland."
Bà cũng bày tỏ lạc quan và hy vọng rằng Thủ tướng Johnson có thể thương lượng được một thỏa thuận mới với EU, điều mà bà tin là sẽ bảo vệ hoạt động thương mại của Bắc Ireland, đặc biệt là nông sản.
Trong khi đó, ngày mở đầu hội nghị hằng năm của đảng Bảo thủ cầm quyền đã bao trùm bằng những bài phát biểu từ các bộ trưởng cấp cao, trong đó ủng hộ quyết tâm của ông Johnson về việc chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong EU vào ngày 31/10.
Quốc vụ khanh Vương quốc Anh về Brexit, Stephen Barclay, Chủ tịch Hạ viện Jacob Rees-Mogg, người ủng hộ nhiệt tình đối với Brexit, và Bộ trưởng phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận Michael Gove đều cảnh báo về tác động đối với đời sống chính trị nếu không tôn trọng ý kiến của 17,4 triệu người dân đã bỏ phiếu yêu cầu đưa nước Anh rời khỏi EU.
Chủ tịch Hạ viện Anh Ree-Mogg nhận định nhiều khả năng các nghị sỹ đảng Bảo thủ và phe đối lập sẽ thông qua được một thỏa thuận Brexit nếu Thủ tướng Johnson có được sự ủng hộ của DUP.
Phát biểu tại đại hội đảng Bảo thủ, ông Rees-Mogg nói: "Nếu DUP hài lòng với thỏa thuận, thì sẽ có rất ít nghị sỹ Bảo thủ chống lại văn kiện này, và khi đó nhiều người ở các đảng khác (cũng ủng hộ) vì nghĩ rằng đã đến lúc phải kết thúc điều này."
Ông Rees-Mogg khẳng định: "Không khí nhìn chung đã thay đổi tại Anh, theo đó mọi người muốn rời đi và khởi động đàm phán về những việc khác, trong Hạ viện cũng vậy."
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng bày tỏ tin tưởng rằng quốc hội sẽ thông qua một thỏa thuận Brexit.
Lý giải tại sao Thủ tướng Johnson quyết ra đi đúng hạn chót, tại hội nghị Bộ trưởng Truss cho biết lý do không có thêm nhượng bộ trước ngày 29/3 là vì khi đó, thời hạn chót chưa thực sự tới gần.
Trong khi đó, Thủ tướng Johnson đã kích hoạt cuộc tranh luận về vấn đề Brexit hôm 29/9 với tuyên bố nước Anh sẽ rời EU vào tháng tới bất chấp một dự luật ở quốc hội ép ông phải tìm kiếm quyết định gia hạn từ Brussels nếu không đạt được thỏa thuận.
Ông Johnson đã đưa ra cam kết trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ở Manchester khi hàng nghìn thành viên của đảng Bảo thủ tới đây để tham dự phiên khai mạc hội nghị cuối cùng của chính đảng này trong năm.
Sự ủng hộ của DUP, đảng liên minh với đảng Bảo thủ cầm quyền, được xem là "chìa khóa" để Thủ tướng Johnson có thể thông qua được một thỏa thuận Brexit tại quốc hội.
Tuy nhiên, việc Bắc Ireland muốn được đối xử như phần còn lại của Vương quốc Anh là trở ngại chính của nỗ lực đạt thỏa thuận.
Điều khoản "rào chắn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với các lãnh đạo EU cuối năm 2018.
Những người có quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Thủ tướng Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này.
Sau một tuần vấp phải những chướng ngại mới từ cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp, Thủ tướng Johnson vẫn cam kết thực hiện Brexit bằng mọi giá, vào ngày 31/10 tới dù có hay không một thỏa thuận với Brussels.
Quan điểm cứng rắn này đã khiến ông ở vị trí đối đầu với nhiều nghị sỹ tại Hạ viện, những người đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận, kịch bản mà họ lo ngại sẽ gây ra những xáo trộn lớn./.