Vấn đề cần giải quyết

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết. Tại phiên họp bàn tròn nhóm '1+6' của các nhà lãnh đạo sáu thể chế quốc tế lớn giữa tuần này, Phó Tổng Giám đốc WTO A.Uôn-phơ đã kêu gọi các nước thúc đẩy tiến trình cải cách WTO.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết. Tại phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” của các nhà lãnh đạo sáu thể chế quốc tế lớn giữa tuần này, Phó Tổng Giám đốc WTO A.Uôn-phơ đã kêu gọi các nước thúc đẩy tiến trình cải cách WTO.

Phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” của các nhà lãnh đạo sáu thể chế quốc tế bao gồm WTO, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), và Cơ quan giám sát ngân hàng toàn cầu FSB, đã diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra hàng loạt thách thức cho kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong khi đó, sự bất đồng giữa các nước lớn và bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang khiến vai trò của WTO suy giảm nghiêm trọng. Cải cách WTO đang ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp bách. Tại cuộc họp nói trên, Phó Tổng Giám đốc WTO A.Uôn-phơ nhấn mạnh rằng “cải cách WTO là một việc cần thiết và khả thi” nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay.

Theo dự báo mới nhất của WTO, thương mại toàn cầu bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, sẽ suy giảm 12,9% trong năm 2020. Bên cạnh đó, các thành viên WTO đang đối mặt với các thách thức như: sử dụng thương mại để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông các sản phẩm thiết yếu ứng phó Covid-19 và cải cách các thể chế chi phối thương mại toàn cầu. Trong khi đó, vai trò của WTO trong việc dẫn dắt thương mại thế giới đang ngày càng suy yếu, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay, sau khi các căng thẳng thương mại leo thang thành cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và một loạt đối tác khác. Vai trò của WTO bị thách thức khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cho rằng WTO đã nghiêng “sân chơi” về phía các đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Ông nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ ngăn chặn WTO bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của tổ chức này đã chính thức “châm ngòi cho cuộc khủng hoảng của WTO”. Theo đó, kể từ ngày 11-12-2019, nghĩa là trong gần một năm qua, cơ quan phúc thẩm WTO đã rơi vào tình trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần ít nhất ba thẩm phán để duy trì hoạt động và giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu. Khi WTO không thể giải quyết các tranh chấp thương mại, tổ chức này đã đánh mất vai trò “cầm cân nảy mực” giải quyết tranh chấp thương mại, dẫn đến tình trạng các nước tự đơn phương đáp trả lẫn nhau.

Đánh giá về những yêu cầu cải tổ đặt ra với WTO hiện nay, giới phân tích cho rằng có ba vấn đề căn bản tổ chức này phải giải quyết. Một là, phải hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp trong bối cảnh WTO vừa qua hầu như thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công. Hai là, các quy tắc WTO hiện chưa bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không thương mại. Ba là, giải quyết các bất đồng với Mỹ. Thời gian qua, phía Mỹ luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Trong khi đó, tại phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” nói trên, Phó Tổng Giám đốc WTO chỉ ra rằng, các vấn đề cơ bản WTO đang đối mặt xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao. Bốn thành viên lớn nhất của WTO là EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - vốn chiếm hơn 50% thương mại thế giới - có những “bất đồng địa chính trị” sâu sắc. Theo ông, nếu bốn thành viên lớn kể trên tìm được “tiếng nói chung” sẽ giúp tạo đồng thuận chung. Bởi vậy, để cải cách WTO và nâng cao vai trò, hiệu quả của tổ chức này, việc gắn kết các thành viên lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trước khi các nhà lãnh đạo nhấn mạnh yêu cầu cải tổ WTO tại Phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” nêu trên, tại các diễn đàn quốc tế, lãnh đạo nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… cũng đã lên tiếng khẩn thiết kêu gọi hợp tác cải cách WTO. Các vị lãnh đạo và nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu WTO bị “xóa sổ” thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” trong quan hệ thương mại quốc tế. Trên thực tế, tổ chức này vẫn là nhân tố chủ chốt duy trì hệ thống đa phương được đa số các quốc gia ủng hộ. Bởi vậy, cải cách để WTO nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động là vấn đề ngày càng trở nên cấp thiết.

BẠCH DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/van-de-can-giai-quyet-626098/