Vấn đề của Barcelona không chỉ riêng Koeman

Barcelona tiếp đón Bayern Munich với mong muốn trả lại mối hận thua 2-8 cách đây hơn một năm, nhưng Lewandowski và đồng đội đã đưa họ trở lại với hiện thực.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Barcelona thua 3 trận liên tiếp trên sân nhà tại các cúp châu Âu. Trong cả 3 trận đấu, cách biệt đều là 3 bàn và đều dưới thời của Ronald Koeman.

Trong bảng đấu chỉ có Bayern là đối trọng, trận thua này xét về lý thuyết không phải là thảm họa bởi nếu thắng các đối thủ dưới cơ, đội bóng vẫn có thể đi tiếp vào vòng knock-out. Vấn đề ở đây, với trận thua nặng nề như thế trước đội bóng từng “đồng cân, đồng lạng”, niềm tin của các cule với CLB ngày càng suy giảm và đi cùng với đó là niềm tin vào Ronald Koeman.

Lỗi không hẳn ở Koeman

Ngay sau khi Bayern rời khỏi Camp Nou, cuộc họp của ban lãnh đạo Barca với sự tham dự của Phó chủ tịch Rafael Yuste và Giám đốc Bóng đá Mateu Alemany được Chủ tịch Joan Laporta triệu tập để xem xét về trách nhiệm của vị HLV người Hà Lan.

Một lần nữa, Ronald Koeman bị đem ra đong đếm rằng liệu ông có nên rời khỏi cương vị hiện tại hay không. Nhưng rốt cục, Koeman có phải là vấn đề duy nhất cho thành tích của Barca?

Koeman là cái tên mà cổ động viên của Barcelona từng yêu mến. Chính ông đã ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết cách đây gần 30 năm để đem về chiếc Cup C1 đầu tiên cho câu lạc bộ (CLB).

 Koeman hiểu rõ tình hình Barca lúc này. Ảnh: Reuters.

Koeman hiểu rõ tình hình Barca lúc này. Ảnh: Reuters.

Năm ngoái, Koeman trở lại với Camp Nou trên vai trò khác và cũng nhận nhiều sự ủng hộ. Barca không giành được La Liga, song họ đã đua tranh tới những vòng đấu cuối cùng, đồng thời đoạt cúp Nhà vua cho thấy Koeman xứng đáng với vai trò thuyền trưởng của đội bóng.

Thất bại trước Bayern quá mạnh cũng hoàn toàn có thể thông cảm được. Barcelona bây giờ không còn là Barcelona của 6 năm trước. Họ đã mất đi những tinh túy nhất, từ Xavi, Iniesta, Messi, Suarez tới Neymar, trong khi Busquets và Pique đã không còn ở phong độ đỉnh cao từ rất lâu.

Mọi niềm hy vọng tấn công của Barca phải đổ dồn vào Memphis Depay, cầu thủ miễn phí và chưa bao giờ được coi là tiền đạo hàng đầu, cùng Martin Braithwaite, tiền đạo mới có 5 bàn tại La Liga cho Barca qua gần 2 mùa giải, đủ cho thấy đội bóng đang gặp khó khăn đến cỡ nào.

Chúng ta đã nói quá nhiều đến vấn đề tài chính của Barca và cho đây là lý do chính cho sự sa sút của họ. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Thượng tầng của Barca đang gặp nhiều bất đồng. Bất đồng trong trong chiến lược phát triển ở tương lai và bất đồng trong cả cung cách quản lý CLB và đội bóng mà tiêu biểu chính là sự rạn nứt rất lớn giữa Koeman với Chủ tịch Joan Laporta.

Tờ Deportes đã mô tả mối quan hệ giữa hai nhân vật quan trọng nhất của Barcelona là “hai sợi dây kéo Koeman về phía này và kéo Laporta về phía kia”. Kể từ ngày lên nắm quyền lãnh đạo CLB, Laporta chưa bao giờ tỏ ra ưng ý với sự lựa chọn HLV của người tiền nhiệm.

Một trong những nguyên nhân là Laporta nhận định mức lương hiện tại của Koeman quá cao so với trình độ của HLV người Hà Lan và thành tích mà Barca nhận được. Trong bối cảnh Barca đang chịu gánh nặng tài chính, thì vấn đề này càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, Koeman đã đi đầu làm gương trong việc giảm lương, kéo theo đó là các cầu thủ khác, để góp phần giảm bớt khó khăn cho CLB. Rõ ràng, Koeman không phải là người không biết điều.

Song Laporta muốn nhiều hơn thế. Vị chủ tịch của Barca từng có ý định sa thải Koeman mùa trước và chỉ có mức bồi thường lớn cộng chiến thắng tại cúp Nhà vua mới giữ chân được HLV người Hà Lan đến tận giờ. Có những lý do biện minh cho ý định của Laporta.

Dưới thời Koeman, Barca chưa bao giờ thể hiện được mình trong những trận cầu lớn, kể cả khi còn Messi trong đội hình. Cho đến tận trận thua Bayern Munich, Barca của Koeman mới thắng được Sevilla, đối thủ tạm coi là lớn. Còn lại, họ lần lượt đối mặt với Real, Atletico, PSG hay Juventus mà toàn từ hòa đến thua, thậm chí thua thảm. Điều này, với người từng trải qua quãng thời gian cùng Barca ở đỉnh cao thế giới như Laporta, thực sự khó để chấp nhận.

Koeman hiểu rõ vị thế bấp bênh của mình. Ông nói sự tin tưởng mà Laporta dành cho ông “chưa bao giờ tồn tại”. Vào đầu hè, chủ tịch Barca đã đưa Jordi Cruyff về Camp Nou để giữ vai trò giám sát thể thao. Nó được cho là động thái Laporta sẵn sàng thay Koeman bằng Cruyff ở bất cứ thời điểm nào phù hợp. Chính việc này đã làm tổn thương tới sự tự ái của Koeman và lời ông nói “Mọi thứ xảy ra khiến tôi khó chịu, bởi họ không hề thể hiện sự ủng hộ đối với HLV” rõ ràng không phải vô căn cứ.

Hợp đồng hiện tại của Koeman với Barca có thời hạn đến tháng 6/2022, tức là sau đây có hơn 9 tháng nữa nhưng tất nhiên, sẽ chẳng có lời đề nghị gia hạn nào được đưa ra. Ngay từ bây giờ, Laporta đã nhận định mùa giải này chỉ là mùa bản lề để chuyển giao giữa “thời đại Messi” sang chu kỳ mới.

Koeman trở thành người vá víu chứ không hẳn được coi như vị thuyền trưởng thực sự. Rất có thể, đó là lý do khiến Laporta đã nhiều lần phủ quyết những yêu cầu của ông.

 Barca trở nên tầm thường tại Champions League. Ảnh: Reuters.

Barca trở nên tầm thường tại Champions League. Ảnh: Reuters.

Đội hình thiếu chiều sâu của Barca

Chúng ta trở lại mùa hè vừa qua. Đây được xem như một trong những kỳ chuyển nhượng biến động nhất lịch sử của Barca. Messi ra đi vào tháng 8 (dù thực tế anh không còn là cầu thủ của Barca từ cuối tháng 6). Kế đến, Antoine Griezmann, cầu thủ đắt giá thứ nhì trong lịch sử CLB, cũng lên đường trở về chốn cũ chỉ để giúp tiết kiệm một khoản lương khổng lồ.

Barca mất đi một lúc hai cầu thủ tấn công tốt nhất của mình. Để thay thế cho họ, Koeman có ai? Câu trả lời đó là Kun Aguero, cầu thủ đã qua thời kỳ đỉnh cao và Memphis Depay, tiền đạo mới chỉ chứng tỏ bản thân ở Ligue 1, tất cả đều dưới dạng miễn phí.

Không chỉ có thế, để xoay xở trả nợ, Laporta tiếp tục bán cầu thủ. Barca đã bán tổng cộng 7 ngôi sao trong kỳ chuyển nhượng mùa hè để cải thiện vấn đề tài chính. CLB cũng đẩy đi 2 cầu thủ lương cao khác là Griezmann và Pjanic để giảm bớt quỹ lương. Lực lượng của Koeman coi như mới khởi đầu đã bị tổn thất nghiêm trọng.

Ý đồ của Laporta là muốn sử dụng những cầu thủ cây nhà lá vườn để bổ sung cho đội 1, thay vì chiêu mộ các tân binh đắt tiền. Nhưng rõ ràng, trình độ của Nico, Gavi hay Alejandro Balde còn xa mới sánh nổi với những người đã ra đi. Koeman thấy mình bị đẩy vào tình thế khó và buộc phải giật gấu, vá vai.

Khi đội hình thiếu thốn đủ thứ, Koeman đã yêu cầu Laporta mang về cho mình thêm vài nhân tố mới ở hàng công. Thế nhưng, đáp ứng của vị chủ tịch chỉ là cái tên Luuk de Jong, cầu thủ đã 31 tuổi và chưa từng thể hiện được trình độ ở những giải đấu chất lượng cao hơn giải Hà Lan. Cộng với việc Ansu Fati, Dembele và Aguero vẫn đang chấn thương chưa hẹn ngày trở lại, Koeman chẳng có sự lựa chọn nào khác.

Barca vẫn thi đấu không đến nỗi nào trước các đối thủ trung bình ở La Liga nhưng khi ra “biển lớn” Champions League, mọi thứ đúng như những gì mà Koeman phán đoán. Trước Bayern, hàng công “cùn” của Barca chẳng tạo ra chút nguy hiểm nào cho Neuer và lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, họ không sút trúng khung thành 1 lần nào suốt 90 phút.

 Hàng công thiếu sức sống của Barca. Ảnh: Reuters.

Hàng công thiếu sức sống của Barca. Ảnh: Reuters.

Quá dễ dàng để trút giận lên đầu HLV sau mỗi trận thua nhưng rõ ràng, Laporta đang yêu cầu Koeman làm quá sức của mình. Nếu ban lãnh đạo Barca không cung cấp được những cầu thủ mà vị HLV Hà Lan yêu cầu và chỉ cho những cầu thủ trẻ ít kinh nghiệm, họ phải để ông có thời gian xây dựng đội hình và chấp nhận những thất bại trong thời gian ấy.

Còn nếu muốn có thành tích, Laporta phải giữ chân được những trụ cột và đem về cầu thủ thực sự có khả năng chứ không phải những “thương binh” hay cầu thủ ở hạng trung bình khá. Nhưng thay vì thông cảm, vị chủ tịch của Barca lại đang hướng sự chỉ trích tới Koeman như thể ông là nguyên nhân chính và duy nhất tạo nên sự hoảng loạn ở Camp Nou lúc này.

Tối hậu thư mà ban lãnh đạo Barca đã đưa ra, nếu Koeman không cải thiện được lối chơi và thành tích trong những trận đấu tới, ông có thể tự đi kiếm tìm công việc khác.

Thậm chí, tờ Diariogol còn đưa hẳn ra cái tên cụ thể cho sự thay thế, đó là Erik Ten Hag, người đã đưa Sergino Dest và Frenkie de Jong ra ánh sáng (Jordi Cruyff sẽ chỉ nắm quyền trong giai đoạn chuyển giao). Chính 2 cầu thủ trẻ này vẫn thường xuyên ca ngợi phong cách huấn luyện “hoàn hảo” của Ten Hag thay vì tuân phục Koeman. Rõ ràng, không chỉ Laporta mà ở Barca, không ít người muốn Koeman ra đi.

Trước khi Barcelona bước vào mùa giải mới, Joan Laporta đã đến tận nơi luyện tập của đội 1 và bắt tay Koeman để thể hiện sự tin tưởng. Hai người cùng nở nụ cười để chụp ảnh lưu niệm, nhưng đó chỉ là những nụ cười đầy gượng gạo.

Chưa đầy 1 tháng sau ngày ấy, cả hai đã ở hai đầu chiến tuyến. Không ai hoàn toàn sai hoặc đúng nhưng trong cuộc chiến giữa hai nhân vật quan trọng nhất của đội bóng ấy, chỉ có Barcelona là thất bại.

Highlights Champions League: Barca 0-3 Bayern Muller mở tỷ số trước khi Lewandowski lập cú đúp bàn thắng, giúp Bayern hạ Barca 3-0 ngay trên sân Camp Nou ở bảng E Champions League rạng sáng 15/9 (giờ Hà Nội).

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-de-cua-barcelona-khong-chi-rieng-koeman-post1264263.html