Vấn đề dân tộc và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch - Bài 1:
>> “Phủi bụi” vào lịch sử là trọng tội
>> Đôi điều cần biết về tổ chức Việt Tân
>> Cảnh giác, không để tổ chức phản động lôi kéo
LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC ĐỂ CHỐNG PHÁ
BP - Lợi dụng khó khăn về đời sống, chênh lệch giàu nghèo giữa người dân tộc thiểu số (DTTS), một số khuyết điểm trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta. Các tổ chức hội, nhóm phản động người DTTS lợi dụng các diễn đàn, hội nghị, viết bài vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc để thực hiện ý đồ đen tối của chúng là chống phá cách mạng nước ta.
Thời gian qua, một số phần tử cực đoan ở hải ngoại đã tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành nghị quyết xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở các vùng DTTS Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức như Bộ Ngoại giao, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI) đã tổ chức nhiều đoàn lâm thời, thường trú vào Việt Nam đi các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nắm tình hình về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại các vùng đồng bào DTTS.
Trong báo cáo hằng năm, tuy đều thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực, nhưng các tổ chức này luôn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; đòi đưa Việt Nam vào diện “những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” vì họ cho rằng, Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong những vùng DTTS”, trấn áp “các chiến sĩ bảo vệ nhân quyền”, “còn đàn áp người Thượng biểu tình ở Tây Nguyên”.
Cá nhân, tổ chức DTTS lưu vong với sự hỗ trợ của nước ngoài tiếp tục có nhiều hoạt động “đấu tranh” nhân quyền đối với Việt Nam, tăng cường thực hiện âm mưu quốc tế hóa vấn đề quyền của người bản địa gắn với vấn đề dân chủ, nhân quyền để tạo sức ép từ bên ngoài và kích động bên trong chống đối Nhà nước ta. Chúng tập trung vào các vấn đề về lịch sử, đất đai, những sai sót trong thực hiện các chính sách dân tộc, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc (nhất là vấn đề chữ viết, tôn giáo) và sự khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận DTTS để kích động, lôi kéo đồng bào DTTS, biểu tình, bạo loạn, trốn ra nước ngoài, vu cáo Việt Nam đàn áp đồng bào nhẹ dạ, cả tin, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng.
Từ đó, thu hút sự chú ý và tạo sức ép quốc tế từ các quốc gia, tổ chức dân chủ, nhân quyền đối với Việt Nam. Các tổ chức này còn đang tìm cách móc nối, phát triển tổ chức vào trong nước, câu kết, hỗ trợ số đối tượng chống đối trong nước bằng cách tuyên truyền phương pháp chống Việt Nam; vận động số nghị sĩ cực đoan trong Hạ viện Mỹ, Nghị viện châu Âu... đệ trình các “dự luật”, “nghị quyết”, “báo cáo” tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chống phá Việt Nam và hợp thức hóa sự ủng hộ đối với số chống đối; thu thập thông tin về những sơ hở, thiếu sót của ta trong chính sách tôn giáo, dân tộc ở cơ sở để tạo cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Bọn phản động lưu vong ở nước ngoài đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, mít-tinh ủng hộ cái gọi là “tiếng nói đấu tranh đòi dân chủ”, một số phần tử cơ hội chính trị trong nước liên kết với “đảng cấp tiến xuyên quốc gia” (TRP) đưa tổ chức “Quỹ người Thượng” của Ksor Kok vu cáo Việt Nam tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, phản đối “đàn áp người Thượng”.
Đáng chú ý, thời gian qua, những tổ chức DTTS lưu vong sau đây thường xuyên có hoạt động xuyên tạc, bôi nhọ nhân quyền ở Việt Nam như: Bọn phản động người Thái, Mông, Dao lưu vong ở Mỹ, Pháp, hình thành tổ chức “Hội người Mông thế giới”, “Hội văn hóa cổ truyền người Mông”, “Liên hiệp người Dao Mỹ”, “Trung tâm nghiên cứu Thái học”... Bọn phản động lưu vong ở Mỹ lập các tổ chức “Hội người Thượng Đề-ga” (MDA), “Hội những người miền núi” (MFI), “Hội bảo vệ nhân quyền”, “Nhà nước Đề-ga độc lập”, “Tin lành Đề-ga”... thành phần là những ngụy quân, ngụy quyền của chế độ Sài Gòn cũ, trí thức có tư tưởng cực đoan mà nòng cốt là số FULRO lưu vong. Bọn phản động người Chăm lưu vong lập tổ chức “Văn phòng Chămpa quốc tế - IOC”, “Hội bảo tồn văn hóa Chămpa tại Hoa Kỳ”, “Liên minh người Chăm tỵ nạn tại Hoa Kỳ”, “Hội văn hóa truyền thống Chămpa”, “Cộng đồng Muslim Chămpa” tại Hoa Kỳ và Pháp... thành phần chủ yếu là số phần tử chống đối cũ, gồm cả ngụy quân, ngụy quyền cũ, FULRO, trí thức, chức sắc bất mãn. Bọn phản động người Khơme Nam bộ lưu vong ở Campuchia, Mỹ, Canada lập các hội, nhóm: “Liên đoàn Khmer Krôm”, “Hội người Khmer”, “Quốc hội Khmer Krôm hải ngoại”, “Hội ái hữu”, “Hội bảo vệ nhân quyền”, “Hội Phật học”...
Gần đây, các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng DTTS Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài đang ra sức lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các DTTS trong nước đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, lập “Nhà nước Khmer Krôm”, “Nhà nước Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông” nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.
Chúng cố ý đánh đồng “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của quốc gia, dân tộc - với tư cách là chủ thể của luật quốc tế với “quyền của người bản địa” là những quyền của các DTTS hoặc nhóm sắc tộc, thường là những quyền về văn hóa, xã hội của một bộ phận dân cư trong lòng một quốc gia - dân tộc. Thực chất, “quyền tự quyết” của dân tộc, sắc tộc trong một quốc gia không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ “quyền dân tộc tự quyết”, không được xâm phạm quyền của cả quốc gia - dân tộc.
Đây là ý đồ thâm độc, nguy hiểm mà chúng đã, đang rất quyết tâm thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là với sự ra đời Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007, đã tạo cớ để xuyên tạc, lợi dụng. Vậy, thực chất tình hình đồng bào DTTS và công tác dân tộc ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Có đúng như những gì mà bọn phản động, cực đoan thường rêu rao?
Mời độc giả đón đọc kỳ sau: “Công tác dân tộc - Điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam hiện nay”.
Văn Hiệu (Bộ CHQS tỉnh)