Vấn đề đặt ra khi sáp nhập trường học ở Bảo Yên

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo, huyện Bảo Yên đã sáp nhập, tinh giản đầu mối, thu gọn bộ máy hoạt động. Nhiều điểm trường và trường có quy mô nhỏ ở cấp học mầm non, phổ thông được tổ chức lại để phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, gắn với giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng khi sáp nhập xuất hiện những khó khăn.

Sau khi sáp nhập, mọi hoạt động của hai cấp học vẫn diễn ra như cũ.

Năm 2016, Trường Tiểu học và THCS xã Việt Tiến thực hiện sáp nhập. Điều dễ nhận thấy là bức tường ngăn cách giữa 2 ngôi trường được thay thế bằng vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để trường có thêm không gian tổ chức các hoạt động ngoài trời cho học sinh. Theo thầy giáo Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng nhà trường, thuận lợi khi sáp nhập là đội ngũ quản lý, nhân viên văn thư, văn phòng giảm, đầu mối thu gọn hơn và một số giáo viên chuyên biệt như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật có thể dạy được cả 2 cấp, giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên trước đây. Các phòng chức năng được sắp xếp lại, sử dụng chung cho cả 2 cấp học.

Thầy giáo Phạm Duy Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách tiểu học cho biết: Điểm thuận lợi nữa khi thực hiện sáp nhập là giáo viên ở 2 cấp có sự trao đổi thường xuyên, có thể theo dõi học sinh trong cả thời gian học từ cấp tiểu học lên THCS, từ đó bồi dưỡng học sinh tốt hơn.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, từ năm 2015 đến nay, huyện đã sáp nhập 8 trường thành 4 trường, trong đó có 1 trường mầm non, 3 trường liên cấp tiểu học và THCS. Phòng ưu tiên sáp nhập những trường có vị trí giáp nhau, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ sáp nhập hoặc 1 trong 2 trường không thể mở rộng quỹ đất để xây dựng bổ sung cơ sở vật chất.

Lợi ích cơ bản dễ nhìn thấy nhất khi sáp nhập là giảm được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ thư viện, kế toán. Tuy nhiên, việc sáp nhập xuất hiện những khó khăn nhất định, trường tiểu học và THCS chỉ thay đổi được tên trường, còn mọi hoạt động của 2 cấp học vẫn diễn ra như cũ, trường tiểu học hoạt động theo tiêu chí, mục tiêu, phương pháp riêng và trường THCS cũng vậy. Hai cấp học hoàn toàn khác nhau, nay sáp nhập thì việc hỗ trợ chuyên môn cho nhau không nhiều.

Thầy Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Việt Tiến cho biết: Có những khó khăn tưởng rất giản đơn nhưng khá bất tiện. Như giờ lên lớp ở 2 cấp học khác nhau, thời gian đầu học sinh tiểu học chưa quen trống hết tiết của học sinh THCS nên đôi khi xảy ra việc vừa vào lớp đã ra chơi vì nhầm trống hiệu. Một số giáo viên phải dạy cả 2 cấp học chưa quen với đối tượng học sinh. Thầy cô giáo cả 2 cấp học chưa hiểu hết công việc của nhau nên công tác phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Hiện trường đã khắc phục sự khác nhau về trống hiệu ở 2 cấp bằng việc bố trí thời gian ra chơi giữa buổi của học sinh tiểu học trùng với giờ hết tiết thứ 2 của học sinh THCS. Tuy nhiên, còn những khó khăn về chuyên môn phải thêm một thời gian nữa mới khắc phục triệt để.

Dự kiến năm 2019, huyện Bảo Yên tiếp tục sáp nhập thêm 10 trường thành 5 trường, gồm: Tiểu học Hồng Sơn và Tiểu học số 1 Bảo Hà; Tiểu học Yên Sơn và THCS Yên Sơn; Tiểu học Long Phúc và THCS Long Phúc; Tiểu học số 1 Kim Sơn và THCS số 1 Kim Sơn; Tiểu học số 1 Xuân Thượng và PTDT bán trú THCS Xuân Thượng. Song song với đó, năm học 2019 - 2020, huyện thành lập thêm 3 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học trên cơ sở các trường Tiểu học số 1 Cam Cọn, Tiểu học số 2 Vĩnh Yên, Tiểu học số 2 Xuân Thượng.

Tại Trường THCS Yên Sơn, để chuẩn bị cho việc sáp nhập, trường đã được đầu tư thêm một dãy 6 phòng học để đưa học sinh tiểu học sang. Cơ sở vật chất của trường tiểu học sẽ được bàn giao lại một phần cho chính quyền địa phương. Cô giáo Lê Quỳnh Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn cho biết: Trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đưa vào lộ trình sáp nhập, vì thế đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã chuẩn bị từ những năm học trước. Hiện chỉ có một vấn đề là trường tiểu học chưa đạt chuẩn, trong khi Trường THCS đã đạt chuẩn. Như vậy, sau khi sáp nhập sẽ phải thực hiện lại lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn, thêm một thời gian nhất định.

Ônh Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết: Thuận lợi khi thực hiện việc sáp nhập là cơ sở vật chất, trang - thiết bị các trường có thể sử dụng chung, tiết kiệm kinh phí xây dựng; sử dụng đội ngũ hiệu quả hơn, giảm cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên môn chuyên biệt; giảm đầu mối quản lý các cơ sở giáo dục, đồng thời đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh thuận lợi thì có những khó khăn phát sinh, đó là hiệu trưởng phải quản lý thêm cấp học, khác chuyên môn, từ đó đặt ra yêu cầu của công tác quản lý phải được nâng cao hơn. Với những khó khăn phát sinh ở các trường đã sáp nhập, Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để cán bộ quản lý các trường thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý các trường liên cấp.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/van-de-dat-ra-khi-sap-nhap-truong-hoc-o-bao-yen-z5n20190630080854527.htm