Vấn đề hạt nhân Iran: Được hay thua, các bên đều thiệt
Cuối tuần qua, Iran lại đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng, nước này sẽ tiếp tục bỏ qua các giới hạn về làm giàu uranium được thiết lập vào bốn năm trước, trong thỏa thuận được ký với Mỹ và một số nước châu Âu. Các nước phương Tây coi đây là động thái mới nhất đưa Iran tiến gần hơn tới khả năng có thể sản xuất bom nguyên tử.
Con đường cứng rắn của Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm ngoái. Tháng 5 vừa qua, ông Trump tiếp tục giáng một đòn trừng phạt chí mạng vào nền kinh tế Iran bằng cách thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm cắt đứt doanh số bán dầu của họ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Để trả đũa, trong những tuần gần đây, Tehran đã thực hiện các hành vi vi phạm có chủ ý như một phần của chiến dịch gây áp lực cho phương Tây trong việc loại bỏ các lệnh trừng phạt đã cắt giảm xuất khẩu dầu và làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Tuần trước, Iran đã có động thái vượt qua các giới hạn về lượng nhiên liệu hạt nhân mà nước này có thể dự trữ. Tuy nhiên, động thái mới mà Iran ra chỉ dấu rằng với các nước phương Tây, họ đang thực hiện việc cần làm nhằm tăng mức độ làm giàu uranium vượt quá độ tinh khiết 3,67%, mức trần theo thỏa thuận. Đây thực sự mới là mối lo ngại lớn nhất mà một số nước châu Âu đặt ra sau khi Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/7 tại Tehran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi cho biết, Iran sẽ thực hiện các bước bổ sung vượt quá giới hạn của Hiệp định trong khoảng thời gian 60 ngày, nếu phương Tây không loại bỏ biện pháp trừng phạt như trong thỏa thuận.
Các chuyên gia cho rằng, dù vi phạm các giới hạn về làm giàu uranium, Tehran vẫn còn lâu mới có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Theo các chuyên gia, sẽ cần một sự đột biến lớn về sản xuất và làm giàu đến mức cao hơn nhiều để Iran phát triển một loại bom uranium hàm lượng cao. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để chế tạo vật liệu đó thành vũ khí hạt nhân.
Khi ranh giới đỏ không còn
Nhưng đối với nhà lãnh đạo Iran Hassan Rouhani, người đã cảnh báo vào tháng 5 rằng, ông sẽ ra lệnh cho các kỹ sư Iran vượt qua cả hai ngưỡng nếu châu Âu không có biện pháp cụ thể nhằm giúp Iran giải tỏa các lệnh trừng phạt của Mỹ, việc vi phạm giới hạn làm giàu sẽ là một bước ngoặt. Ông đang đặt cược rằng hoặc Mỹ sẽ rút lại các lệnh trừng phạt, hoặc ông có thể tách các quốc gia châu Âu khỏi chính quyền Trump, bởi châu Âu vẫn đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng này.
Nếu ông Hassan Rouhani đi nước cờ sai, thì viễn cảnh đối đầu quân sự sẽ tăng dần sau mỗi lần căng thẳng leo thang. Đây cũng là thời điểm gợi lại một câu hỏi “khó nhằn” mà các nhà hoạch định chính sách đã phải vật lộn trong hơn một thập kỷ: Có cách nào để ngăn Iran phát triển khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân không?
Tại Israel, nơi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí như vậy. Một thành viên trong nội các an ninh của Thủ tướng Netanyahu cho biết, thông báo của Tehran có nghĩa sự xóa bỏ ranh giới đỏ đã được thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao của Đức và Anh, hai nước tham gia ký kết thỏa thuận, cũng từng bày tỏ sự quan ngại cực độ và kêu gọi Iran đảo ngược tình thế, tuy nhiên, hai nước này chưa đưa ra bất kỳ kêu gọi nào về các hình phạt cụ thể đối với Iran.
Có còn hy vọng đàm phán?
Theo một nhà ngoại giao cao cấp châu Âu, chiến lược của EU là kéo dài thời gian để xoa dịu cuộc khủng hoảng. Theo nguồn tin này, châu Âu sẽ không đòi hỏi thực hiện ngay lập tức các điều khoản trừng phạt Iran như thỏa thuận, hay nhanh chóng khôi phục các hình phạt đã hết hiệu lực. Các quan chức châu Âu, dẫn đầu là Tổng thống Pháp, hy vọng sẽ bắt đầu quá trình đàm phán để hình phạt sẽ không còn cần thiết nữa. Thực tế, châu Âu vẫn cho rằng vì hành xử của ông Trump mà Iran đã có những phản ứng mạnh mẽ như vậy.
Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại vào cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất với ông Rouhani một cuộc đàm phán vào ngày 15/7 và được ông Rouhani đồng ý. Tuy nhiên, ông Rouhani cũng nhấn mạnh rằng, việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt mới là khởi đầu thuận lợi cho động thái giữa Iran và 6 cường quốc.
Cho đến nay, ông Trump và các trợ lý vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng áp lực tối đa để buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán và chấp nhận những hạn chế nghiêm ngặt hơn. Theo ông Rob Malley, cựu thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, người đã tham gia công tác tổ chức đàm phán Thỏa thuận Iran 2015, chính quyền Tổng thống Trump đã làm mất uy tín của các cuộc đàm phán và mang lại lợi thế cho hành động cực đoan từ Iran - những người cho rằng không thể tin tưởng người Mỹ. Chính vì thế, việc đạt được một thỏa thuận mới sẽ khó khăn hơn nhiều.