Vấn đề hình sự hóa và thực thi pháp luật

Công ước năm 2003 về chống tham nhũng là một trong 19 điều ước quốc tế trực tiếp về các vấn đề hình sự (Penal Matters) được đăng ký lưu chiểu tại Liên Hợp quốc...

Hội nghị bổ sung Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước) lần thứ 7

Hội nghị bổ sung Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước) lần thứ 7

Về vấn đề hình sự hóa và thực thi pháp luật, Công ước quy định:

a. Hình sự hóa: Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải hình sự hóa các hành vi quy định từ Điều 15 đến Điều 25 của Công ước, gồm: hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế công; tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức; Lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; Lạm dụng chức năng; Hối lộ trong khu vực tư; Biển thủ tài sản trong khu vực tư; Che dấu tài sản; Cản trở hoạt động tư pháp. Đối với việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20) và hành vi tẩy rửa tiền và tài sản do phạm tội mà có (Điều 23), các quốc gia thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia.

b, Phong tỏa, tạm giữ, tịch thu: Trên nguyên tắc mọi tài sản do hành vi tham nhũng mà có đều phải bị thu hồi, Công ước đã quy định các quốc gia thành viên, trong phạm vi rộng nhất được pháp luật quốc gia cho phép, ban hành các quy định cần thiết cho phép tịch thu tất cả tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội theo quy định tại Công ước, kể cả tài sản đó đã bị biến đổi, lẫn lộn với tài sản khác và các lợi ích, thu nhập phát sinh từ tài sản tham nhũng; tài sản, trang thiết bị hay công cụ khác đã hoặc sẽ sử dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, để đảm bảo mục đích tịch thu, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp phong tỏa và tạm giữ cần thiết.

c, Trách nhiệm của pháp nhân: Các quốc gia thành viên, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc gia, cần quy định trách nhiệm của pháp nhân khi tham gia các tội phạm quy định tại Công ước. Hình thức trách nhiệm cụ thể do các quốc gia tự quyết định, có thể là trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc dân sự, miễn là hình thức trách nhiệm được áp dụng tương xứng, thích đáng và có tác dụng ngăn ngừa. Ngoài ra, trách nhiệm của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

d, Bảo vệ nhân chứng, chuyên gia giám định và nạn nhân: Công ước quy định các quốc gia, căn cứ pháp luật quốc gia và khả năng có thể, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ nhân chứng, chuyên gia giám định, nạn nhân trước nguy cơ bị trả thù. Ngoài các biện pháp cụ thể nêu tại Khoản 2 Điều 32, Công ước cũng khuyến nghị các quốc gia xem xét việc ký hiệp định hoặc thỏa thuận nhằm tái định cư những người nhắc đến tại Khoản 1 Điều 32. Đồng thời, tại Điều 33, Công ước cũng quy định việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ người tố giác trước những đối xử bất công khi tố giác hành vi tham nhũng.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/van-de-hinh-su-hoa-va-thuc-thi-phap-luat-154530.html