Vấn đề mấu chốt của các Chương trình mục tiêu quốc gia là tập trung giải ngân
Đối với triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, văn bản hướng dẫn, giao vốn, các vấn đề vướng mắc, bất cập cơ bản đã được giải quyết; vấn đề mấu chốt hiện nay là tập trung giải ngân.
Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều nay (30/10) về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao kết quả làm việc của Đoàn giám sát và Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong cả ngày hôm nay và 3 ý kiến của 3 bộ trưởng chủ trì 3 chương trình này.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
“Qua giám sát này, các bộ, các ngành sẽ nhận thấy rất nhiều điều bổ ích từ những kết quả đạt được cho đến những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng thêm một số chương trình mục tiêu quốc gia như chấn hưng văn hóa… “Cách tiếp cận, cách thiết kế chương trình phải thay đổi, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm từ 3 chương trình này để xây dựng hiệu quả, triển khai thực hiện tốt hơn”, ông nói.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, các ngành rất tích cực trong quá trình xây dựng thiết kế chương trình, thẩm định chương trình, giúp cho Ban chỉ đạo điều hành chương trình này, đặc biệt là tổng hợp và báo cáo Chính phủ để trình với cả Quốc hội Tờ trình 557 về một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình.
Đến nay, Ban chỉ đạo của Trung ương và cấp tỉnh, đến nay đã được kiện toàn. Cách vận hành đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện, giải quyết vướng những vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát và kiện toàn lại các Ban chỉ đạo, nhất là ở các cấp, làm sao cho đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, kể cả các tổ giúp việc.
Về các văn bản hướng dẫn, hiện đã cơ bản hoàn thành tất cả các báo văn bản hướng dẫn của Trung ương, bao gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Dũng cũng rút kinh nghiệm về ban hành các văn bản còn chậm, trong đó có 1 văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng cũng mong các đại biểu chia sẻ, bởi khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực. “Riêng chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chúng ta tích hợp từ 118 chính sách trước đây”, ông dẫn chứng.
Về giao vốn, vốn trung hạn của ngân sách Trung ương và địa phương đã hoàn thành và bảo đảm theo quy định. Hiện nay, văn bản hướng dẫn, giao vốn, các vấn đề vướng mắc, bất cập cơ bản đã được giải quyết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề mấu chốt của các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay là tập trung vào thực hiện giải ngân.
"Lần này, khi được Quốc hội cho phép cơ chế thí điểm để giải quyết tất cả vướng mắc thì tôi tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ đạt mục tiêu đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.