Vấn đề ngũ cốc Ukraine: G7 lo đánh cắp, Liên hợp quốc quan ngại về Nga
Vấn đề bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine không bị gián đoạn do xung đột tại quốc gia này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước và cộng đồng quốc tế.
Ngày 12/6, phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) ở London (Anh), nhận định về về trợ cấp của Ba Lan cho ngũ cốc, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Taras Kachka tuyên bố: “Những trợ cấp này vượt xa hạn mức được phép theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). (Chúng) có thể là một bước phát triển nhỏ nhưng có thể dẫn đến xáo trộn (thương mại) toàn cầu".
Trước đó, đầu năm nay, Warsaw thông qua trợ cấp giúp nông dân nước này cạnh tranh với tình trạng dư thừa ngũ cốc nhập từ Ukraine, vốn đã tồn đọng tại đây và các nước Đông Âu khác. Trước đó, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi ngày 24/2/2022, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia đã trở thành các tuyến đường trung chuyển thay thế cho ngũ cốc Ukraine để giúp bù đắp cho hoạt động xuất khẩu bị chậm lại qua các cảng Biển Đen của nước này.
* Cùng ngày, tại Hội nghị nêu trên, Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Anh Mark Spencer nhận định Anh đang Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thực hiện kế hoạch chống lại hành vi bị nghi là đánh cắp ngũ cốc Ukraine. Quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng (nhận dạng bằng hóa chất) sẽ là phương tiện hiệu quả để ngăn chặn hành vi trộm cắp ngũ cốc Ukraine”.
Tháng trước, Anh đã công bố trừng phạt mới với “các cá nhân và tổ chức mờ ám” của Nga liên quan đến vụ việc nghi là đánh cắp ngũ cốc Ukraine. Việc nhắm đến các thực thể tham gia buôn bán ngũ cốc là bất thường, bởi hoạt động này thường được miễn trừ trừng phạt với lý do nhân đạo. Cả Nga và Ukraine đều là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn sang các nước đang phát triển ở châu Phi và Trung Đông.
* Trong một tin liên quan, phát biểu ngày 12/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại rằng, Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine an toàn từ ba cảng bên bờ Biển Đen vào tháng Bảy tới.
Trước đó hai ngày, Nga tuyên bố nước này chưa hài lòng với cách thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và dọa từ bỏ thỏa thuận này ngày 17/7 tới nếu yêu cầu cải thiện xuất khẩu lương thực và phân bón của Moscow không được đáp ứng.