Vấn đề nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính
Ngày 20-9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho biết, nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3 đến 0,5% dân số.
Thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam là Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37), trong đó quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Tuy nhiên, theo ông Trí, do chưa có văn bản quy định cụ thể về việc chuyển đổi giới tính nên cơ quan, tổ chức có liên quan và cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính, nhu cầu công nhận việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có bộ tiêu chí thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến khó khăn khi thu thập số liệu tại Việt Nam về người chuyển giới, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Những người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. Cơ quan quản lý Nhà nước không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc thay đổi các giấy tờ hộ tịch, căn cước công dân cho người đã chuyển đổi giới tính.
Bên cạnh đó, hiện không có quy định pháp lý về cơ sở y tế được phép can thiệp để chuyển đổi giới tính, quy trình can thiệp y học, phác đồ điều trị, thuốc… để thực hiện thay đổi cơ thể theo bản dạng giới của công dân.
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, Việt Nam tập trung xây dựng, ban hành thể chế bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, công dân trên nhiều lĩnh vực và dành những kết quả to lớn. Tuy nhiên, quá trình phát triển các quan hệ xã hội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có thực tế cá nhân chuyển đổi giới tính, nhu cầu được công nhận về việc chuyển đổi giới tính. Do đó, việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế về chuyển đổi giới tính là hết sức cần thiết. Kết hợp với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; nghiên cứu đặc thù văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế của Việt Nam để thể lựa chọn cách thức tiếp cận phù hợp.
Tin, ảnh: LA DUY
Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.