Vấn đề 'nhức nhối' của Lục địa già
Các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại trong việc giải quyết bất đồng về cải cách các thỏa thuận di cư, sau khi Ba Lan và Hungary từ chối lùi bước trong cuộc 'đối đầu' với 25 nhà lãnh đạo của khối trong hai ngày họp hội nghị thượng đỉnh. Động thái này được coi như cuộc 'binh biến' về di cư và là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà Lục địa già chưa thể đạt được sự đồng thuận.
Người di cư tiếp tục vượt biển trên những con tàu đầy nguy hiểm từ Libya đến châu Âu.
Lý do cơ bản sau sự phản đối của Hungary và Ba Lan là thỏa thuận mà các nước EU đã thông qua hồi tháng trước để tái định cư người di cư trên khắp châu Âu. Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU đã bỏ phiếu với đa số nhất trí chia sẻ việc tiếp nhận lượng người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung để chăm sóc người di cư. Theo đó, nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở châu Âu sẽ bị trả về ngay lập tức và các đơn xin tị nạn đều được xử lý trong vòng 6 tháng. Những quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn sẽ đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/ người vào một quỹ do EU quản lý nhằm hỗ trợ người di cư.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Nội vụ là “một bước ngoặt”. Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussel (Bỉ) cuối tuần qua, Ba Lan và Hungary đã lập luận rằng bất kỳ hệ thống nào của EU về tái định cư phải là tự nguyện và họ từ chối trả khoản tiền 20.000 euro/người. Warsaw và Budapest không ủng hộ thỏa thuận này vì lo ngại về hạn ngạch di cư được đề xuất và chi phí tài chính liên quan; đồng thời cho rằng, điều khoản này chỉ khuyến khích các làn sóng người di cư đến châu Âu cũng như tạo điều kiện cho vấn nạn buôn người.
Trên thực tế, Ba Lan đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi nước này xảy ra cuộc xung đột với Nga vào tháng 2-2022. Trước hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cam kết phủ quyết bất kỳ kế hoạch nào có thể buộc các nước tiếp nhận người tị nạn, đồng thời đề xuất kế hoạch “biên giới an toàn của châu Âu” mà yếu tố quan trọng nhất là tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài EU.
Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, quan điểm của Ba Lan và Hungary đã được ghi nhận, nhưng nhấn mạnh rằng “vấn đề di cư là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có một phản ứng chung”. Theo quy định của EU, người tị nạn phải nộp đơn tại quốc gia họ đặt chân đến đầu tiên. Hy Lạp và các quốc gia "tiền tuyến" khác ở Địa Trung Hải từ lâu đã tìm kiếm một cơ chế đoàn kết buộc các quốc gia trong khối phải chia sẻ gánh nặng từ những người xin tị nạn.
Các chuyên gia nhận định, bước đột phá về thỏa thuận di cư của Lục địa già khó có thể ngăn chặn dòng người xin tị nạn băng qua biển Địa Trung Hải. Nguy cơ đó trở nên rõ ràng hơn hồi giữa tháng 6 vừa qua, khi hơn 500 người tị nạn được cho là đã thiệt mạng sau vụ đắm tàu đánh cá cách bờ biển phía tây của Hy Lạp 75km. Con tàu xuất phát từ Libya và đang trên đường đến Italia. Vụ việc xảy ra một tuần trước khi các chính phủ EU đạt được thỏa thuận ban đầu về các quy tắc xử lý đơn xin tị nạn và chia sẻ gánh nặng tị nạn trong liên minh. Đây là những nội dung chính của thỏa thuận được bàn thảo trong 8 năm qua, nhưng văn bản chỉ đề cập đến cách thức các quốc gia chia sẻ trách nhiệm khi ai đó đã vượt qua biên giới bên ngoài mà không đề cập đến vấn đề làm thế nào để ngăn chặn những cuộc vượt biên từ các quốc gia giáp với EU. Về lý thuyết, một chính sách an toàn cho các nước thứ 3 sẽ được áp dụng vào năm 2026, khi hiệp ước di cư có hiệu lực. Các chuyên gia cho rằng, cho đến khi EU phối hợp với các nước thứ 3 để đàm phán các điều khoản hoàn trả, khối này sẽ có rất ít lựa chọn, ngoài việc giải cứu những người vượt biển.
Kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, cựu Lục địa đã nỗ lực nhưng vẫn thất bại trong việc cải cách quy định đối với những người xin tị nạn. Với việc người di cư tiếp tục đến châu Âu qua các tuyến đường Địa Trung Hải nguy hiểm và để xảy ra những thảm kịch khủng khiếp như vụ chìm thuyền di cư ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, vấn đề này sẽ vẫn hiện hữu. Các nhà lãnh đạo EU sẽ còn phải tiếp tục bàn thảo lâu dài cho đến khi nào đạt được thỏa hiệp.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-de-nhuc-nhoi-cua-luc-dia-gia-634187.html