Vấn đề pháp lý xung quanh vụ ô tô lao trúng người uống trà đá vỉa hè

Luật sư cho biết, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người điều khiển chiếc xe ô tô còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh sưu tầm trên internet)

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh sưu tầm trên internet)

Liên quan vụ ô tô Camry lao lên vỉa hè đâm vào nhiều người đang ngồi uống trà đá ven đường, khiến một người tử vong, Giám đốc CA TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của CA TP phối hợp CA quận Cầu Giấy khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin từ CA TP Hà Nội, khoảng 20h55 ngày 26/7, ông N.T.V., SN 1963, trú tại quận Tây Hồ lái ô tô mang BKS 29A - 68.010 trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Thăng Long về cầu Mai Dịch.

Khi qua ngã 3 Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, ô tô va chạm với một số phương tiện rồi lao lên vỉa hè đâm vào 3 người ở trước số nhà 165 Phạm Văn Đồng. Vụ tai nạn khiến 3 người bị thương, được đưa đi cấp cứu Bệnh viện E. Một nạn nhân sau đó không qua khỏi.

Sau khi vụ việc xảy ra, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT CA TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra người điều khiển phương tiện. Qua kiểm tra, lái xe không có chất ma túy, nồng độ cồn trong cơ thể. Lực lượng CSGT đã phối hợp với CA quận Cầu Giấy, VKSND quận khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Bước đầu, ông V. khai nhận, điều khiển ô tô chở theo vợ đi phía Phạm Văn Đồng về Mai Dịch. Sau khi dừng đèn đỏ ở ngã ba, ông V. quay đầu về phía cầu Thăng Long thì xe bị “mất lái” lao về phía trước.

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được làm rõ.

Luận bàn về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến một người chết và nhiều người bị thương, gây thiệt hại cả về tài sản, vì vậy CQĐT sẽ nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý.

Cơ quan chức năng làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của tài xế cũng như làm rõ các yếu tố kĩ thuật để xác định nguyên nhân vụ tai nạn, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Thái, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy tài xế đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, có lỗi dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, BLHS năm 2015.

Nếu kết quả xác minh cho thấy người điều khiển phương tiện này đã có lỗi không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra và vụ tai nạn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% hoặc chết 2 người trở lên thì người điều khiển phương tiện này sẽ phải chịu khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 260, BLHS nêu trên.

Theo quy định của pháp luật, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, xe cơ giới chỉ được đi dưới lòng đường, bởi vậy nếu chiếc xe ô tô di chuyển dưới lòng đường có dấu hiệu mất kiểm soát về tốc độ và lao lên vỉa hè gây tai nạn, rất có thể lỗi thuộc về người lái chiếc xe ô tô, trừ trường hợp là do lỗi kỹ thuật.

Hậu quả của vụ tai nạn giao thông như trên là rất nghiêm trọng, vì thế, nếu kết quả xác minh là có lỗi của người điều khiển phương tiện, là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, CQĐT sẽ khởi tố hình sự để xử lý.

“Ngoài việc có thể bị xử lý hình sự, người điều khiển chiếc xe ô tô còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và tiền tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ bản đối với mỗi nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Với nạn nhân tử vong phải bồi thường tiền chi phí mai táng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng cho thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.

Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể yêu cầu tòa án giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trong trường hợp này, nạn nhân không có lỗi nên người điều khiển phương tiện giao thông là chiếc xe ô tô này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả trong trường hợp không có lỗi” - luật sư Thái nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/van-de-phap-ly-xung-quanh-vu-o-to-lao-trung-nguoi-uong-tra-da-via-he-346092.html