Vấn đề việc làm cho người dân về quê tránh dịch
Theo số liệu từ Sở Y tế Ninh Bình, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 11 nghìn người trở về từ các địa phương có yếu tố dịch tễ phức tạp như thành phố HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam..., trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%. Sau khi thực hiện cách ly y tế theo quy định, trăn trở của những người lao động này là đi hay ở, tìm việc tại quê hương hay quay trở lại nơi đã làm việc trước đó...
Cách đây 5 tháng, vợ chồng anh Hoàng Gia Long, xã Văn Phong (huyện Nho Quan) đã có cuộc sống khá ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị cùng làm trong ngành du lịch và truyền thông, công việc có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp, vợ anh Long lại đang mang bầu, nên giải pháp về quê tránh dịch là lựa chọn tốt nhất thời điểm bấy giờ.
Anh Long cho biết, mặc dù có thể tìm được công việc phù hợp tại quê hương, song vợ chồng anh vẫn quyết định quay trở lại miền Nam sau khi sinh con đầu lòng, bởi đã quen với cuộc sống sôi động trong đó.
Dịch bệnh COVID-19 khiến công việc làm tóc của anh Nguyễn Văn Sung, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) tại Hà Nội bị giảm mạnh và có thời điểm phải tạm dừng. Trước thực tế đó, anh Sung quyết định trở về quê hương và mở một cửa hàng làm tóc của riêng mình. Mặc dù mới mở cửa hàng được gần 2 tháng nay, song với tay nghề vững, đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của khách, nên cửa hàng thường xuyên đông khách, mang lại cho anh nguồn thu nhập cao không kém gì khi đi làm thuê ở Hà Nội.
Cửa hàng tóc của anh Nguyễn Văn Sung, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) mới mở tại quê nhà mang lại nguồn thu khá cao.
Đối với anh Quách Văn Lượng, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) thì lại có cách lựa chọn khác. Đầu năm 2021, anh Lượng vào Bình Dương làm công nhân cho một công ty sản xuất gỗ, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nhưng mới làm được 3 tháng thì phải nghỉ vì dịch. Sau khi được nới lỏng giãn cách, anh đã có hành trình đi xe máy vượt hàng nghìn cây số trở về quê hương. Nghĩ lại những tháng ngày dịch bệnh xa nhà, anh Lượng thấy thấm mệt, nên dự định tìm một công việc phù hợp gần nhà để gây dựng tương lai.
Dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã dẫn đến nhiều cuộc hành trình trở về quê của người dân các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Tìm kiếm việc làm, một công việc phù hợp sau khi hết thời gian cách ly phòng dịch là nỗi trăn trở, băn khoăn, suy tư, lựa chọn... của những công dân này.
Hiện chưa thống kê được số công dân trở về quê tránh dịch có nhu cầu ở lại hay tiếp tục quay lại nơi trước đó họ đã từng làm việc, nhưng có một thực tế là, hầu hết người dân nếu có nguồn thu nhập ổn định, công việc phù hợp và cuộc sống tương đối ổn định trước đó, họ luôn có nhu cầu và tiếp tục "ly hương".
Cùng với đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn đang kêu gọi và có chính sách đón người lao động trở lại làm việc, không để đứt gãy chuỗi sản xuất sau dịch.
Trước thực tế nhu cầu việc làm của công dân trở về quê, các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền các địa phương cũng như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có các phương án tạo điều kiện, như khảo sát nhu cầu của công dân trở về địa phương, lên kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, cho vay vốn và tuyển dụng lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm cho những lao động muốn ở lại địa phương làm việc.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đang từng bước phục hồi, lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động để mở rộng và nâng quy mô sản xuất.
Ông Tăng Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH VIENERGY, KCN Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hiện nay, Công ty đang trên đà khôi phục sản xuất, với nhiều đơn hàng mới xuất khẩu đi các nước châu Âu. Nguồn lao động dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 5.000 công nhân, với mức lương từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng. Yêu cầu đặt ra là lao động cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, như được tiêm phòng vắc xin, là người dân địa phương....
Cùng với đó, chính quyền các địa phương có người trở về quê, với trách nhiệm của mình cũng nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện để công dân có hướng lựa chọn việc làm, ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) cho biết, để đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa lao động, sản xuất, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", UBND xã đã rà soát các trường hợp từ tỉnh ngoài trở về, nắm bắt nhu cầu việc làm của họ để có phương án giúp đỡ, hỗ trợ.
"Các biện pháp trợ giúp, hỗ trợ được UBND xã xây dựng như liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nhu cầu tuyển thêm lao động nhằm liên kết tạo việc làm. Đề nghị với Ngân hàng CSXH huyện cho những trường hợp có nhu cầu vay vốn để tạo lập cuộc sống...
Đồng thời, khuyến khích người dân, trong thời gian chờ dịch ổn định, với những gia đình có diện tích đất nông nghiệp, tích cực lao động, sản xuất, tìm kiếm những công việc phù hợp để có thu nhập duy trì cuộc sống..." - ông Phạm Văn Dương chia sẻ.
Thực tế hiện nay, nhu cầu lao động tại các tỉnh phía Nam cũng đang rất cần thiết, bởi nguồn lao động trở về quê thời gian qua khá lớn. Do đó, đối với những lao động có nhu cầu trở lại miền Nam làm việc, cũng là sự cần thiết trong việc cân đối nguồn lao động giữa các địa phương.
Các cấp, các ngành và địa phương tùy vào điều kiện, nhu cầu của người dân để có các phương án hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần cân đối nguồn nhân lực giữa các địa phương, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.