Vẫn đề xuất phạt chủ xe máy không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an vẫn quy định xử phạt đối với lỗi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Phạt chủ xe không có bảo hiểm bắt buộc
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Nghị định này vẫn quy định xử phạt lỗi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Cụ thể, trong Điều 19 dự thảo nghị định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới có quy định:
Phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Như vậy, mức phạt theo dự thảo nghị định này đang được để bằng với mức quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân
Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc xóa bỏ hoặc điều chỉnh quy định cho phù hợp khi loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới, nhất là với xe máy có tỷ lệ bồi thường nhỏ, mức chi bồi thường thấp, thủ tục bồi thường rườm rà, phức tạp...
Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (đoàn Long An) phản ánh, thời gian qua, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba còn mang tính hình thức.
"Nhiều trường hợp mua, bán bảo hiểm trên vỉa hè, lề đường, giấy chứng nhận bảo hiểm viết tay khó cất giữ, bảo quản. Khi xảy ra sự cố, công tác thanh quyết toán phức tạp, gây phiền hà cho người mua bảo hiểm… Vậy có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện, thay vì bắt buộc hay không? Có thể số hóa được loại bảo hiểm này không?", đại biểu Song An nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thời gian qua, tỷ lệ tai nạn liên quan tới xe máy rất cao, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn.
Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, mức phí người tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy phải đóng ở mức thấp, chỉ 55.000 đồng/năm, trong khi số tiền bảo hiểm được hưởng khi rủi ro xảy ra cao, tối đa 150 triệu đồng/người/vụ, tức là chính sách này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; bồi thường đạt 9.315 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 52,5%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, giảm 0,6%; bồi thường đạt 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng, giảm 2,4%; bồi thường đạt 8.366 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,4%.
Đối với việc bồi thường của loại hình bảo hiểm này, theo Bộ trưởng, khi chi trả, chỉ trường hợp có người tử vong mới cần hồ sơ công an, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ 2 bên thiết lập bằng điện tử.
Đối với công tác chuyển đổi số các quy trình để thuận tiện hơn cho người dân khi mua bảo hiểm bắt buộc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung làm cơ sở dữ liệu, tiến hành số hóa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập và gửi hồ sơ qua điện tử… phù hợp với xu thế trong tương lai.
"Cơ sở dữ liệu dân cư là một hệ thống dữ liệu khổng lồ chúng ta đã làm được thì những vấn đề như số hóa dữ liệu bảo hiểm xe máy cũng sẽ làm nhanh thôi", Bộ trưởng Tài chính nói.