Vận động 100% nhà dân mở 'chuồng cọp' làm cửa thoát hiểm tại các nhà tập thể cũ
Quận Thanh Xuân, Hà Nội là địa bàn có nhiều nhà tập thể cũ, các gia đình thường gia cố thêm các phần lồng sắt, 'chuồng cọp' để tăng công năng, diện tích sử dụng. Điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi bất ngờ xảy ra cháy. Chính vì vậy, Công an quận Thanh Xuân đã chủ động xây dựng chuyên đề, kế hoạch vận động các hộ gia đình ở khu tập thể cũ cắt mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm, trang bị bình chữa cháy....
Trong thời gian vừa qua, quận Thanh Xuân đã thí điểm tại 2 địa bàn phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam. Quá trình triển khai đã nắm, rút nhiều kinh nghiệm, dần hoàn thiện và tiến tới nhân rộng trên toàn địa bàn có nhà tập thể cũ.
Nguy cơ tiềm ẩn khi xảy cháy ở tập thể cũ
Các nhà tập thể cũ trên địa bàn quận Thanh Xuân tập trung chủ yếu tại 6 phường, trong đó, Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam chiếm phần đa. Các nhà tập thể cũ có đặc điểm chung đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chắp vá, thiết bị điện nước… thiếu đồng bộ. Hầu hết, chưa được trang bị các thiết bị báo cháy hiện đại.
Cùng với đó, trên thực tế, các căn hộ trong nhà tập thể cũ thường có diện tích nhỏ hẹp, vì vậy, nhiều gia đình đã gia cố thêm phần ‘chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng, cũng như phòng ngừa trộm cắp. Tuy nhiên, chính việc gia cố tùy ý như vậy lại dẫn đến nhiều nguy cơ khi bất ngờ xảy ra cháy, nổ.
Các bình cứu hỏa được trang bị ngay tại khu vực cầu thang bộ của các nhà tập thể
Các “chuồng cọp” hầu hết được hàn chắc, kiên cố, không có các cửa thoát hiểm, khiến ngôi nhà trở thành một lồng kín, tử huyệt không lối thoát.
Hiện nay, thực trạng công tác PCCC&CNCH tại các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang là một vấn đề rất nhức nhối, được chính quyền các cấp nói chung và Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội hết sức quan tâm nhưng sự chuyển biến chưa hiệu quả.
Ngoài ra, phần lớn các căn hộ từ tầng 2 trở lên tại các khu tập thể đều diễn ra tình trạng chủ hộ tự ý cơi nới thêm các “chuồng cọp” để mở rộng diện tích sử dụng và chống trộm. Tuy nhiên, việc lấn chiếm khoảng không để làm “chuồng cọp” sẽ vô tình kéo nhà gần sát với đường dây điện, thậm chí có những hộ gia đình còn làm “chuồng cọp” lồng vào cả đường dây điện; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới việc thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ tại các căn hộ này, lực lượng phòng cháy chữa cháy sẽ rất khó có thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát hiểm duy nhất bằng cầu thang bộ xuống tầng 1.
Theo Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, ngay sau khi rà soát, khảo sát, nắm tình hình địa bàn, Công an quận đã chỉ đạo Công an các phường phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và Đội Xây dựng phong trào khẩn trương xây dựng các kế hoạch, đề ra các biện pháp để khắc phục các “lỗ hổng”, không để xảy ra cháy tại nhà tập thể cũ.
Vận động người dân mở cửa chuồng cọp, trang bị các thiết bị PCCC
Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng CAQ Thanh Xuân, trước những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC, Công an quận Thanh Xuân đã rà soát lập danh sách cụ thể có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân khắc phục. Đồng thời phối hợp với UBND các phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam tiến hành trao đổi, kiểm tra từng căn hộ để có giải pháp tối ưu về PCCC.
Tại phường Thanh Xuân Bắc, có 61 nhà tập thể 5 tầng với 3.893 hộ dân sinh sống. Trên cơ sở đặc điểm tình hình địa bàn, Ban chỉ đạo 138 phường đã huy động sức mạnh của các ban ngành đoàn thể, tổ dân phố tham gia vận động các hộ gia đình mở lồng sát làm cửa thoát hiểm, trang bị 100% bình chữa cháy tại gia đình, lắp đặt hệ thống viễn thông cảnh báo cháy tại các chân cầu thang nhà tập thể cũ.
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát khu vực phối hợp với Cảnh sát PCCC đi từng nhà, nghiên cứu, tư vấn cho người dân các vị trí mở cửa thoát hiểm cho phù hợp và thuận tiện. Đồng thời, Công an phường và Đội Cảnh sát PCCC, Đội Xây dựng phong trào thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn cho người dân các kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn khi có cháy, mở cửa thoát nạn tại “chuồng cọp”....
Theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC, vị trí cửa khóa nhưng phải treo chìa khóa ở gần cửa, dễ nhìn để mọi thành viên trong gia đình đều biết. Qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát PCCC, ý thức của người dân đối với công tác PCCC được nâng cao, điển hình là các hộ dân sinh sống trong khu nhà tập thể H2A, phường Thanh Xuân Nam đã có chuyển biến tích cực về nhận thức PCCC là rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Đông – Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố dân cư số 4 cho biết trên địa bàn có 6 tòa nhà tập thể cũ với gần 200 hộ, từ năm 2019, phường đã vận động người dân chủ động trang bị 100% bình chữa cháy tại khu vực chân cầu thang của các nhà tập thể, mở cửa thoát hiểm. Đến nay đã có hơn 70% các hộ dân mở cửa thoát hiểm, mở cửa chuồng cọp.
Ông Phạm Gia Nam lắp cửa thoát hiểm trong nhà để đảm bảo an toàn
Trao đổi với PV, ông Phạm Gia Nam (SN 1952, trú tại H2A Thanh Xuân Nam) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 vợ chồng sinh sống tại tầng 4 của nhà tập thể. Do để phòng ngừa trộm cắp nên chúng tôi đã gia cố thêm chuồng cọp, hàn kín các cửa sổ. Ngay sau khi được Công an phường, quận tập huấn, tư vấn, vận động về việc nên mở cửa thoát hiểm, chúng tôi nhận thấy đó là việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình nên đã mở các cửa thoát hiểm tại các vị trí phù hợp. Tôi đã mở cửa chuồng cọp, dùng khóa để đảm bảo an toàn, đồng thời treo khóa ở vị trí gần nhất, tiện lấy nhất. Ngoài ra, tại phòng ngủ của gia đình, tôi cũng lắp đặt cửa thoát hiểm có thể dễ dàng mở khi có sự cố bất ngờ”.
Với những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động từ chính người dân, trong thời gian tới, Công an quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình này tại các phường còn lại có nhà tập thể cũ để đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống trên địa bàn.