Vận động bầu cử phải công bằng giữa các ứng cử viên

Sắp tới ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam thì càng phải tăng cường giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam cũng như các tổ chức thành viên, phát huy vai trò của từng cử tri, người dân để phát hiện ra những trường hợp không xứng đáng.

Ông Nguyễn Viết Chức.

Ông Nguyễn Viết Chức.

PV: Thưa ông, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Cá nhân ông có lưu ý gì đối với công tác bầu cử trong thời điểm “nước rút” này?

Ông Nguyễn Viết Chức: Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đến nay chúng ta đã có kinh nghiệm, làm khá bài bản, trải qua từng giai đoạn, từng thời kỳ. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, yếu tố công khai minh bạch được quan tâm nhiều hơn, bởi công khai minh bạch mới tạo ra dân chủ. Đặc biệt đây cũng là lúc các đối tượng, thế lực thù địch đưa thông tin không đúng, xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử nhiều nhất.

Bên cạnh đó, phát sinh tình trạng khiếu nại tố cáo, rồi có người vì thù hằn cá nhân gửi đơn thư tố cáo đi khắp các nơi. Đây là vấn đề thời kỳ nào, ở đâu cũng có nhưng tôi tin rằng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, dân chủ từ trên xuống dưới, vì một Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thì những vấn đề trên chỉ là khó khăn nhất định. Không phải vì chuyện đó mà chúng ta giảm đi tính công khai, minh bạch.

Cần phải thông tin để cho toàn dân biết được thông tin về những ứng cử viên của mình, vì thông tin về các ứng cử viên càng nhiều thì người dân mới đủ thông tin để đánh giá, lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy.

Chính vì thế trong giai đoạn này cần thiết nhất là khâu giám sát và lắng nghe. Qua đó càng thể hiện vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam. Không phải sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là xong; mà Mặt trận có vai trò rất lớn. Bởi Mặt trận có các ban công tác Mặt trận xuống tận tổ dân phố, thôn, làng, khu dân cư. Nếu lắng nghe ý kiến của ban công tác Mặt trận tại khu dân cư sẽ giúp ích rất lớn cho các ủy ban, ban bầu cử của địa phương và chắc chắn sẽ góp phần để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công thắng lợi. Tại thời điểm này tôi cũng muốn lưu ý tinh thần đoàn kết cộng đồng trong giai đoạn này càng ngày càng phải cao hơn nữa, cảnh giác trước các âm mưu phá hoại của một số người cố chấp và các thế lực thù địch phản động.

Yếu tố công khai minh bạch được đề cao trong giai đoạn này. Nhưng theo ông làm sao để tránh việc công khai để rồi tố cáo không đúng?

- Chúng ta càng minh bạch, càng công khai càng không sợ các thế lực thù địch. Phát huy tính dân chủ, vì dân chủ càng cao thì hiệu quả càng cao. Lúc đó không ngại bất kỳ thế lực nào vì chúng ta đã làm một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên trong minh bạch và công khai cần phải đảm bảo yếu tố công bằng và dân chủ. Bởi không cẩn thận sẽ không có công bằng giữa các ứng cử viên. Thời kỳ này phải đảm bảo làm sao vận động bầu cử phải công bằng, tránh hiện tượng “người này, người kia” lợi dụng tiền bạc, quyền chức để hứa hẹn với người dân những điều không đúng, hứa nhưng không thực hiện được, hoặc là thực hiện những việc trái với quy định của bầu cử.

Đó là những cái chúng ta thận trọng để đảm bảo trong minh bạch, công khai còn có ý nữa là đảm bảo sự công bằng giữa các ứng viên. Càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian khó, nhưng tôi tin với cách chuẩn bị như hiện nay chúng ta sẽ thành công.

Vừa rồi tôi có đi giám sát về vấn đề bầu cử tại tỉnh Thái Nguyên thấy rằng cử tri bây giờ trình độ rất cao và chúng ta phải có niềm tin, tin rằng cử tri hiểu được quyền và trách hiệm của mình. Cho nên bây giờ làm sao để cho cử tri hiểu được đi bầu cử cần chọn đúng người đúng việc. Đây vừa là trách nhiệm nhưng vừa là quyền lợi.

Chọn được đúng người mới có lợi và có người đại diện cho mình, nếu không chính cử tri đó lại thiệt thòi. Vì thế công tác tuyên truyền, vận động phổ biến, kiểm tra và giám sát bầu cử càng phải được tăng cường trong thời điểm này.

Thưa ông, thực tế trong quá trình vận động bầu cử có việc người ứng cử hứa quá lên nhằm lấy phiếu của cử tri. Vậy chúng ta giám sát lời hứa của người ứng cử như thế nào?

- Cử tri rất tinh, nếu anh hứa suông sẽ mất phiếu. Nhưng tôi chỉ sợ có những lời hứa có thể thành hiện thực nhưng không hay lắm. Ví dụ một người là tổng giám đốc doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, hay là một doanh nghiệp lớn có thể hứa sẽ làm cho người dân con đường, hay nhận người dân địa phương nơi người đó ứng cử vào làm công nhân. Lời hứa đó rất hấp dẫn đối với người dân và những người này đủ thẩm quyền để thực hiện lời hứa.

Trong khi đó, những ứng cử viên vốn là cán bộ công chức thì họ không thể hứa như vậy được, họ không đủ thẩm quyền thực hiện. Vì thế, vệc hứa hẹn có làm lệch lạc sự nhận thức của các cử tri hay không là chuyện rất tinh tế. Có lẽ trong quá trình vận động bầu cử, các ban, tổ bầu cử phải tính toán để vận động bầu cử công bằng giữa các ứng cử viên. Làm sao để bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, minh bạch, công khai, chọn được người tài.

Ông có cho rằng giai đoạn này cử tri càng phải phát huy quyền của mình cao hơn nữa khi danh sách chính thức các ứng cử viên được dán công khai?

- Thông tin về người ứng cử đã được lấy ý kiến tại nơi người đó cư trú. Bây giờ khi bắt đầu công khai danh sách, người dân tại nơi cư trú, hay người dân ở địa bàn khác cũng có quyền nêu ý kiến nếu phát hiện những vấn đề không đúng của người ứng cử để cung cấp cho Ủy ban Bầu cử để họ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy chúng ta mới chọn ra được những đại biểu xứng đáng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-dong-bau-cu-phai-cong-bang-giua-cac-ung-cu-vien-559809.html