Vận động viên dù lượn tử vong, cần thận trọng với thể thao mạo hiểm
Ngày 23/3, một vận động viên dù lượn đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum khi tham gia giải dù lượn 'Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024'
Giải dù lượn "Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024" là sự kiện nằm trong hoạt động Tuần văn hóa, du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2024. Có 127 phi công tham gia, trong đó có 41 vận động viên đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Vận động viên dù lượn tử vong
Theo hình ảnh clip người dân ghi lại, khi vận động viên đang thực hành bay dù lượn, đột nhiên chiếc dù bay lật trên không trung khiến vận động viên cũng lộn nhào và rơi thẳng xuống đất...
Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, bệnh nhân nhập viện vào khoảng 10 giờ ngày 23/3, trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương ngực, vỡ xương chậu… Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nhưng do vết thương quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau khoảng 3 giờ vào viện.
Cẩn trọng với các môn thể thao mới, mạo hiểm
Dù lượn là một môn thể thao mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm. Trường hợp vận động viên tham gia các môn thể thao mạo hiểm gặp nạn là không ít, vì vậy, công dân cần chú ý cẩn trọng, bảo đảm an toàn khi tham gia các trò chơi mạo hiểm, đặc biệt là các trò chơi mạo hiểm mới xuất hiện như bay dù lượn tại Việt Nam.
Được biết, việc chơi dù lượn có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và bản thân người phi công điều khiển. Vì vậy, trong khi tập luyện và chơi, đòi hỏi người chơi phải tập trung, nghiêm túc, nắm vững mọi kỹ thuật và tâm lý vững vàng để đối phó với những bất ngờ xảy ra.
Khi tham gia các môn thể thao mạo hiểm, đặc biệt là dù lượn, việc kiểm tra an ninh, an toàn các thiết bị chuẩn bị cho quá trình là vô cùng quan trọng. Owr bước này, rất cần có huấn luyện viên hoặc những người có chuyên môn kiểm tra toàn bộ các thiết bị có liên quan để chắc chắn rằng những thiết bị ấy sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình bay.
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng rất quan trọng quyết định sự an toàn của việc bay hay không. Nhiệt độ ngoài trời, tốc độ gió là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn của buổi bay.
Theo chuyên gia, các vòm dù hiện nay đều được thiết kế phù hợp với tốc độ cao nhất là 40 km/h, nếu tốc độ gió đạt khoảng 30 km/h, bạn nên thu dù đợi đến ngày khác thời tiết thuận lợi hơn. Ở địa hình đồi núi, tốc độ gió còn ảnh hưởng đến độ an toàn hơn gấp nhiều lần và bạn phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro cao hơn.
Dù lượn được 2 phi công người Pháp là Stephane và Didier du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 ở Đà Lạt. Câu lạc bộ dù lượn đầu tiên của người Việt được Phạm Duy Long thành lập năm 2002 lấy tên là Vietwings. Hiện nay, bộ môn này đã trở nên khá phổ biến và đặc biệt được nhiều vận động viên thể thao mạo hiểm ưa thích tại Việt Nam.