Ngày 26/1, tức mùng 5 Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, khoảng ba vạn du khách thập phương đã đổ về chùa Khai Nguyên ở thôn Tây Ninh (Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội) để du xuân, dâng lễ đầu năm
Chùa Khai Nguyên (hay còn được gọi là Cổ Liêu Tự). Theo lịch sử bia ký, ngôi chùa này được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 16. Qua nhiều thế kỷ, chùa Khai Nguyên xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích. Năm 2003, được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom và từ đó tu bổ, cải tạo, xây dựng lại chùa Khai Nguyên để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, cũng như tín đồ phật tử, du khách thập phương
Năm 2015, đại đức Thích Đạo Thịnh bắt đầu cho dựng pho đại tượng phật A Di Đà, với thông điệp vì hòa bình thế giới. Theo đại diện phòng truyền thông chùa Khai Nguyên, pho đại tượng phật A Di Đà vì hòa bình thế giới cao khoảng 72m (Dự kiến khi hoàn thiện, pho đại tượng này sẽ lập kỷ lục là một trong những pho tượng dáng ngồi cao bậc nhất Đông Nam Á), phần đế rộng hơn 1.200m2, được xử lý bằng công nghệ ép cọc bê tông dự ứng lực nên rất vững chắc
Những năm trở lại đây, ngôi chùa thu hút rất đông phật tử, du khách thập phương mỗi dịp lễ, Tết. Tết Nguyên đán Quý Mão, chùa tổ chức lễ hội hoa nhằm tạo ra một không gian tâm linh trang nghiêm, rực rỡ sắc màu đón chào du khách, phật tử tới chiêm bái lễ Phật, cầu nguyện năm mới an lành, hạnh phúc. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 4 Tết và được duy trì cảnh quan đến hết tháng Giêng Âm lịch
Từ sáng sớm, bãi xe rộng lớn của chùa đã chật kín. Dòng xe nối đuôi di chuyển vào khuôn viên chùa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, với sự hỗ trợ phân làn của đội an ninh, tại đây không diễn ra cảnh tắc nghẽn, chen lấn. Phật tử và du khách được trông giữ xe miễn phí
Các khu vực trong chùa như Điện Tam Bảo, vườn La Hán, Lầu Địa Tạng đều chật kín du khách
Không chỉ sở hữu pho tượng Phật dáng ngồi lớn bậc nhất Đông Nam Á, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách thập phương bởi lối kiến trúc độc đáo. Trong điện Tam bảo của chùa được bài trí 1975 pho tượng Phật lớn nhỏ. Tất cả tượng đều do tăng ni phật tử công đức vào chùa. Với số lượng lớn tượng phật được bài trí, nhà chùa mong muốn du khách về đây tham quan sẽ trút bỏ được phiền não, tìm thấy sự bình an trong tâm hồn
Bên trong pho đại tượng Phật gồm 13 tầng, trong đó 12 tầng được bố trí cho khách tham quan thờ Bồ Tát và tầng âm được xây dựng thành lục đạo luân hồi gồm nhiều cõi như a tu la, địa ngục, quỷ ngã... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, pho tượng hiện vẫn đang hoàn thiện những bước cuối cùng
Tới chùa ngày đầu xuân, nhiều du khách và phật tử đã leo qua 12 tầng để tới được nơi an trí, tôn thờ trái tim của Đức Phật A Di Đà, được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephrite Canada nguyên khối, có trọng lượng hơn một tấn. Đây chính là một trong những kiệt tác linh thiêng và nổi bật nhất của đại tượng
"Vài năm gần đây, cứ dịp đầu xuân, vợ chồng tôi lại đưa các con tới chùa cầu nguyện bình an và tham quan, vãn cảnh. Lượng người đổ tới đây năm nay rất đông, việc di chuyển có phần khó khăn hơn nhưng cả nhà vẫn thấy bình yên, phấn khởi", anh Nguyễn Hữu Thành (Hòa Lạc, Hà Nội) cho biết
Ảnh: Quang Minh
Linh Trang