Vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam
Kế toán quản trị có vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa trên các thông tin mà kế toán quản trị cung cấp, các nhà quản trị đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Vai trò của thông tin kế toán quản trị trong hoạt động quản lý của doanh nghiệp
Thông tin kế toán quản trị (KTQT) đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của doanh nghiệp (DN), đồng thời thông tin KTQT giúp các nhà quản lý đưa ra các phương thức để quản lý, kiểm soát, đánh giá "sức khỏe" tài chính của DN tốt hơn. Mỗi thông tin của KTQT thu được là kết quả của quá trình có tính 2 mặt: Thông tin và kiểm tra. Vì vậy, khi đề cập đến KTQT cũng như thông tin của KTQT không thể tách rời 2 đặc trưng cơ bản. Toàn bộ nội dung về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra đều được phản ánh sinh động qua các thông tin kế toán.
Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình điều hành DN, các nhà quản trị (NQT) phải trao đổi cập nhật thông tin kế toán. Họ không thể ra các quyết định mà không có thông tin kế toán. Hơn nữa, để giúp DN hoạt động có hiệu quả các NQT còn đòi hỏi thông tin kế toán phải đầy đủ, kịp thời, chính xác nhằm thực hiện tốt các chức năng và hoạt động quản trị của mình. Như vậy, KTQT có vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN. Dựa trên các thông tin của KTQT cung cấp, các NQT đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của DN trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, thông tin của KTQT gồm có các nội dung sau:
Thứ nhất, cung cấp thông tin cho quá trình xây dựng kế hoạch và dự toán: Lập kế hoạch là xây dựng các mục tiêu phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch mà NQT DN lập thường ở mức dự toán. Dự toán là sự liên kết các mục tiêu lại với nhau và chỉ rõ cách huy động, cũng như sử dụng nguồn lực. Trong số đó, dự toán về lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nếu thiếu tiền DN sẽ không có khả năng tạo ra lợi nhuận, dù kế hoạch xây dựng hợp lý. Vì vậy, để chức năng lập kế hoạch và dự toán có tính hiệu lực và khả thi cao thì chúng phải dựa trên những thông tin kế toán hợp lý và có cơ sở.
Thứ hai, cung cấp thông tin cho quá trình tổ chức thực hiện: Với chức năng thực hiện, NQT cần biết cách liên kết tốt các yếu tố giữa tổ chức, con người với nguồn lực lại với nhau sao cho kế hoạch được triển khai hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt chức năng này nhà quản lý cần nắm rõ thông tin kế toán, nhất là thông tin KTQT. Nhờ có thông tin do KTQT cung cấp mà NQT mới có thể đề ra quyết định đúng đắn trong quá trình lãnh đạo, phù hợp với mục tiêu chung.
Thứ ba, cung cấp thông tin cho quá trình kiểm tra đánh giá: NQT sau khi lập kế hoạch đầy đủ và hợp lý, tổ chức thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá thực hiện nó. Phương pháp thường dùng là so sánh số liệu kế hoạch hoặc dự toán với số liệu thực hiện, để từ đó nhận diện các sai lệch giữa kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra. Để làm được điều này, NQT cần được cung cấp các báo cáo thực hiện, có tác dụng như một bước phản hồi giúp NQT nhận diện những vấn đề cần phải điều chỉnh.
Thứ tư, cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định: Phần lớn thông tin do KTQT cung cấp nhằm phục vụ chức năng ra quyết định. KTQT không chỉ giúp các NQT ra các quyết định bằng cách cung cấp thông tin thích hợp mà nó còn vận dụng các kỹ thuật phân tích vào những tình huống khác nhau, để từ đó NQT lựa chọn, ra các quyết định phù hợp.
Thứ năm, góp phần đổi mới cải tiến công tác quản lý của DN: Nguồn lực của DN được kế toán đo lường, định lượng thành các chỉ tiêu kinh tế, biểu hiện dưới hình thức giá trị nhằm cung cấp thông tin có giá trị cho chức năng kiểm tra và đánh giá. Quá trình kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh là nhằm nhận biết tiến độ thực hiện và phát hiện những nguyên nhân sai lệch giữa kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra. Việc kiểm tra đánh giá còn giúp cho DN phát hiện những tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác; đồng thời, phát hiện những yếu kém cần được điều chỉnh.
Thực trạng vận dụng các mô hình kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam
Ở Việt Nam, KTQT đã xuất hiện và phát triển gắn liền với các chính sách, chế độ kế toán áp dụng ở các DN. Tuy nhiên, KTQT chỉ mới được đề cập một cách có hệ thống vào đầu những năm 1990 và trở thành cấp bách trong việc xây dựng hệ thống thông tin kế toán vào đầu những năm 2000, khi các DN cần nâng cao chất lượng quản lý để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về mặt pháp lý, KTQT đã được công nhận chính thức trong Luật Kế toán Việt Nam (ban hành ngày 17/6/2003). Theo Luật Kế toán Việt Nam, KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán (khoản 3, Điều 4).
Theo Bộ Tài chính, KTQT là khoa học thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về hoạt động của DN một cách cụ thể, phục vụ cho các nhà quản lý trong việc (i) lập kế hoạch; (ii) tổ chức thực hiện; (iii) kiểm tra, (iv) đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch các hoạt động của DN…
Hiện nay, tuy đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của DN, song công tác KTQT chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các DN Việt Nam. Nghiên cứu thực tế tại các DN sản xuất cho thấy, KTQT chỉ được áp dụng theo 2 mô hình sau:
Thứ nhất, với các DN có hệ thống quản lý chủ yếu dựa tên nền tảng chuyên môn hóa sâu theo từng bộ phận hoạt động sản xuất kinh doanh, từng hoạt động quản lý, thì nội dung KTQT được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế – tài chính theo từng bộ phận chuyên môn hóa để phục vụ hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra và ra quyết định của từng nhà quản lý ở từng cấp quản trị.
Nội dung của mô hình KTQT này bao gồm những lý luận và nghiệp vụ kỹ thuật sau: Phân loại, kiểm soát, đánh giá chi phí theo từng phạm vi chuyên môn hóa, cấp bậc quản trị; Xác định, kiểm soát, đánh giá giá thành sản phẩm; Dự toán ngân sách hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm theo từng bộ phận và đánh giá trách nhiệm quản lý ở từng cấp bậc quản trị…
Thứ hai, với các DN có hệ thống quản lý chủ yếu dựa trên nền tảng từng “quá trình hoạt động”. Nội dung KTQT của mô hình này được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế – tài chính từng “quá trình hoạt động” để phục vụ hoạch định cho NQT. Tổ chức phối hợp – thực hiện, đánh giá hiệu quả của từng “đội công tác quá trình”. Nội dung của mô hình KTQT thường bao gồm những lý luận và nghiệp vụ kỹ thuật cơ bản về: Phân loại, kiểm soát, đánh giá chi phí theo từng “quá trình hoạt động”; Dự toán ngân sách hoạt động của từng “quá trình hoạt động” và đánh giá hiệu quả của từng “đội công tác quá trình”; Thu thập, phân tích thông tin để thiết lập thông tin thích hợp phục vụ lựa chọn từng “quá trình hoạt động” và phối hợp thực hiện quá trình hoạt động của “đội công tác quá trình”; Phân tích, dự báo các chỉ số tài chính theo từng “quá trình hoạt động” của DN.
Nhìn chung, ở DN sản xuất Việt Nam hiện nay, việc tổ chức và áp dụng các mô hình KTQT còn tồn tại một số hạn chế. Hệ thống kế toán mang tính hỗn hợp giữa kế toán tài chính và KTQT, nên DN còn lúng túng quá trình vận dụng KTQT. Hơn nữa, DN cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của KTQT trong việc thu nhập, xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định kinh tế, nên chưa vận dụng và thực hiện KTQT một cách khoa học và hợp lý. Trình độ và năng lực chuyên môn của đội ngũ kế toán chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý kinh tế mới…
Để doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vận dụng hiệu quả kế toán quản trị
Thực tế cho thấy, để KTQT thật sự được quan tâm và vận dụng phổ biến ở các DN Việt Nam, đòi hỏi phải có sự can thiệp vĩ mô của Nhà nước và các cơ quan quản lý thông qua việc ban hành các chính sách, hướng dẫn mô hình vận dụng KTQT, để DN thấy được tầm quan trọng và hiệu quả mang lại khi vận dụng KTQT. Hơn nữa, bản thân DN, các nhà quản lý cũng phải xây dựng được hệ thống thông tin thông suốt trong nội bộ DN; mạnh dạn cải tiến, sắp xếp lại bộ máy kế toán cho phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường Cụ thể:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
- Nhà nước cần ban hành một chính sách kế toán phân định riêng phạm vi phản ánh của KTQT cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện KTQT tại DN.
- Hội Kế toán Việt Nam hỗ trợ các DN tổ chức thực hiện KTQT thông qua việc đưa ra một số mô hình tổ chức kế toán mẫu phù hợp với từng loại hình DN, từng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, từng quy mô của DN thông qua các buổi hội thảo. Trên cơ sở đó, giúp DN nhận thức được vai trò và tác dụng của KTQT cũng như những định hướng cho việc tổ chức công tác KTQT phù hợp với DN mình.
Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kế toán quản trị
- Cần có sự cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo chuyên ngành KTQT theo hướng thực hành và ứng dụng thực tế.
- Cần nghiên cứu tìm ra giải pháp để xây dựng mô hình đào tạo kết hợp gữa lý thuyết và thực hành giữa các trường, viện và DN. Đồng thời, cần có kế hoạch liên kết với DN để sinh viên thường xuyên được thực hành với các tình huống thực tế, qua đó phát huy vai trò chủ động, kỹ năng tư duy khoa học và nghệ thuật quản lý vào thực tiễn.
Đối với doanh nghiệp thực hiện kế toán quản trị
- Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh, xác lập hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển hệ thống quản lý để làm cơ sở xác lập, định hướng thiết kế, xây dựng mô hình KTQT cho DN.
- Nâng cao nhận thức và trình độ quản lý cho các NQT DN. Các NQT DN phải biết đưa ra những yêu cầu về thông tin; cần phải tổ chức, sắp xếp lại bộ máy kế toán DN theo hướng kết hợp bộ phận KTQT và kế toán tài chính trong cùng bộ máy kế toán.
- Xây dựng hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo KTQT phù hợp với công tác quản lý và đặc điểm sản xuất kinh doanh riêng của DN.
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thông tin trong nội bộ DN, vì KTQT chỉ có thể vận hành hiệu quả khi Ban quản trị trong DN biết đặt ra những nhu cầu về thông tin nội bộ; Xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến và hiện thực để vận dụng trong DN, nhằm cung cấp một nguồn dữ liệu đáng tin cậy cho KTQT trong việc dự báo, kiểm soát chi phí.
Đối với người thực hiện công tác kế toán quản trị tại doanh nghiệp
- Nhân viên KTQT cần thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ kế toán và phải có kiến thức chuyên sâu về KTQT để thực hiện công việc cung cấp các thông tin thích hợp và đáng tin cậy phù hợp với các luật lệ có liên quan, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật đã quy định.
- Nhân viên KTQT cần truyền đạt thông tin một cách trung thực và khách quan, đây là điều hết sức quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến các thông tin báo cáo quản trị…
Tài liệu tham khảo:
Luật Kế toán Việt Nam;
Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC “Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp”;
Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính;
Management Accounting – A. Atkinson, R.D.Banker, R.S.Kaplan, S.M.Young – Prentice Hall, 2001;
Management and Cost Accounting – C.T.Horngren, A.Bhimani, S.M.Datar, G.Foster – Prentice Hall, 2002.