Vận dụng khái niệm 'sản xuất' và 'lắp ráp' sao cho đúng
Những ngày qua, dư luận xã hội và giới kinh doanh đang dõi theo những diễn biến xung quanh vụ nhà sản xuất Asanzo vướng vào những rắc rối đúng-sai xung quanh việc ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm thiết bị dán nhãn Made in Vietnam. Không chỉ Asanzo, còn có khá nhiều doanh nghiệp khác đã và đang có những hành vi hay hoạt động tương tự như vậy.
Câu chuyện doanh nghiệp Việt nhập các linh kiện/cụm linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó kết hợp linh kiện/cụm linh kiện của Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, rồi dán nhãn hàng hóa theo tên của mình, ghi "xuất xứ Việt Nam" (Made in Vietnam), sau đó phân phối, tiêu thụ tại thị trường trong nước được bàn tán trên mạng xã hội, trên các diễn đàn suốt nhiều tuần qua. Có nhiều cư dân mạng xã hội còn đưa ra các thông tin (hoàn toàn không kèm theo xác minh, kiểm chứng đúng-sai) rằng có doanh nghiệp Việt thậm chí còn xé/bóc nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên cụm linh kiện, mục đích là xóa đi nguồn gốc do Trung Quốc sản xuất.
Nhiều cư dân mạng xã hội đã phản ứng, cho rằng đó là hành vi gian lận, lừa dối người tiêu dùng. Vì rõ ràng là nhập linh kiện từ Trung Quốc, mà lại ghi và quảng bá là hàng Việt Nam. Ở góc nhìn khác, không ít doanh nghiệp Việt đang điêu đứng, khó khăn vì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang thẩm tra, xác minh và chưa đưa ra kết luận thì doanh nghiệp đã bị "phán xét" là lừa đảo, gian lận bởi một số cư dân mạng.
Theo quy định, mọi loại hàng hóa lưu thông trên thị trường bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa. Nghị định 43/2017 quy định về việc ghi nhãn hàng hóa như sau:
- Hàng hóa sản xuất lưu thông trong nước thì doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa, ghi tên của tổ chức sản xuất hàng hóa đó.
- Hàng hóa nhập khẩu vào VN mà nhãn gốc không phù hợp với quy định, thì tổ chức nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc. Trên nhãn phải ghi tên của tổ chức sản xuất và tên của tổ chức nhập khẩu.
- Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa; tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Tên hàng hóa do tổ chức sản xuất hàng hóa tự đặt, nhưng không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai tại VN, thì trên nhãn phải ghi tên tổ chức lắp ráp, đóng gói, đóng chai và phải ghi tên tổ chức sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai.
- Về xuất xứ hàng hóa: tổ chức sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật. Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Qua các quy định nếu trên, có thể nhận thấy "sản xuất" và "lắp ráp" là hai khái niệm khác nhau. Thực chất bản chất của hai hoạt động cũng hoàn toàn khác nhau và pháp luật cũng quy định tách biệt với nhau. Hiểu đơn giản, sản xuất là tạo ra sản phẩm thông qua một quy trình tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc gần hoàn chỉnh. Trong khi đó, lắp ráp chỉ là công đoạn cuối mà thôi. Lắp ráp không tạo ra linh kiện, trong khi muốn tạo ra linh kiện thì phải sản xuất và trên linh kiện phải dán nhãn ghi tên nhà sản xuất. Tổ chức thực hiện việc lắp ráp, đóng gói phải ghi rõ là "lắp ráp" tại Việt Nam. Do đóm vấn đề đặt ra là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp lắp ráp phải ghi thông tin đầy đủ và chính xác về bản chất hành vi - theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng trong sự kiện này, ít nhiều cũng đã bộ lộ sự khiếm khuyết, chưa hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật. Pháp luật chưa đi kịp, chưa điều chỉnh sát với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cần ban hành những quy định hoặc bổ sung cho chặt chẽ và rõ ràng hơn đối với một số thuật ngữ/hoạt động. Chẳng hạn "sản xuất" bao gồm những yếu tố nào: chính, phụ, tỷ lệ % ... ; "lắp ráp" thì như thế nào? Nhãn gốc trên cụm linh kiện nhập khẩu là sao? Quyền được bóc, sử dụng nhãn gốc trên cụm linh kiện của doanh nghiệp nhập khẩu như thế nào...
(*) Công ty luật Ecolaw
Ls. Trần Hồng Phong (*)