Vận dụng lý thuyết dự phòng trong kế toán quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp

Kế toán quản trị chiến lược với vai trò cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch dài hạn, do đó tập trung chủ yếu vào thông tin bên ngoài. Kế toán quản trị cũng là một thành phần của cơ cấu tổ chức, vì vậy, đây là điểm 'giao thoa' để có thể vận dụng lý thuyết dự phòng trong nghiên cứu kế toán quản trị chiến lược. Bài viết trao đổi về việc vận dụng lý thuyết dự phòng trong kế toán quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp để khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chiến lược. Các nhân tố được khám phá góp phần vào việc hoàn thiện khung lý thuyết về kế toán quản trị chiến lược.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý thuyết dự phòng

Các nhà lý thuyết quản lý cổ điển như và Frederick Taylor (1911) và Henri Fayol (1949) cho rằng, các nguyên tắc quản lý chung sẽ làm cho các công ty thành công hơn. Tuy nhiên, Taylor cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn hình thức quản lý phù hợp nhất với một trường hợp cụ thể. Trong nghiên cứu của Henri Fayol cho thấy, không thể cứng nhắc hay tuyệt đối trong công việc quản lý.

Với các dự án nghiên cứu được phát triển và thực hiện từ những năm 1950, các học giả đã phản ứng gay gắt các nghiên cứu trước đó (Üsdiken, 2008). Nghiên cứu trong thời kỳ này nhấn mạnh sự khác biệt về cấu trúc giữa các tổ chức. Các nghiên cứu này nêu lý do tại sao cấu trúc tổ chức lại khác nhau và chỉ ra 3 vấn đề: Không có cách tổ chức chung tốt nhất cho mọi tổ chức; Cung cấp một khái niệm chính xác hơn để mô tả quản lý tổ chức và đề xuất các yếu tố môi trường cho những cách tổ chức khác nhau (Van de Ven và cộng sự, 2013). Đây là nền móng ban đầu cho sự ra đời của lý thuyết dự phòng, lý thuyết mô tả sự đa dạng của các cấu trúc và hành vi tổ chức. Lý thuyết này coi các tổ chức là hệ thống mở và thích ứng. Lý thuyết dự phòng được củng cố sau kết quả của một loạt các nghiên cứu trong những năm 1960 và 1970; khẳng định sự phù hợp giữa cơ cấu tổ chức và các yếu tố dự phòng ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức ở các cấp độ.

Đặc biệt, đến giữa những năm 1970, đã có một khung lý thuyết tạm thời xoay quanh lý thuyết dự phòng (Üsdiken, 2008). Các nghiên cứu nổi bật nhất và được trích dẫn thường xuyên nhất trong lý thuyết dự phòng đến từ Anh (Woodward (1958, 1965); Burns và Stalker (1961); Pugh (1973); Pugh và cộng sự (1968), (1969); Emery và Trist (1965); Child (1972) và Hoa Kỳ (Chandler (1962), Hage và Aieken (1967); Lawrence và Lorsch (1967); Perrow (1967); Thompson (1967); Blau (1970).

Cơ cấu tổ chức được mô tả như một công cụ chức năng có thể biết được, quan sát được, đo lường được và có chức năng trong khuôn khổ lý thuyết dự phòng. Dự phòng đại diện cho các biến xác định ảnh hưởng của các yếu tố thiết kế tổ chức đến hoạt động của tổ chức (Donaldson, 2001). Quy mô tổ chức, sử dụng công nghệ, chiến lược cạnh tranh và tính đa dạng trong hoạt động, mức độ không chắc chắn hoặc thay đổi của môi trường được xác định là các yếu tố dự phòng của thiết kế cơ cấu tổ chức. Dự phòng đã được tích hợp về mặt khái niệm từ những năm 1990.

Như vậy, thực tế không có một cơ cấu nào là tốt nhất cho một tổ chức. Hiệu suất của một tổ chức phụ thuộc vào sự phù hợp với cơ cấu tổ chức và các biến theo ngữ cảnh như môi trường, chiến lược, công nghệ, quy mô, văn hóa (Chenhall 2007). Điều này có nghĩa là cơ cấu tổ chức được điều chỉnh khi có sự thay đổi của các yếu tố dự phòng. Các lý thuyết phù hợp giữa cơ cấu tổ chức và các biến theo ngữ cảnh gọi chung là lý thuyết dự phòng.

Kế toán quản trị chiến lược

Kenneth Simmonds được coi là người sáng lập kế toán quản trị (KTQT) chiến lược khi ông đưa ra khái niệm này vào năm 1981. Simmonds định nghĩa KTQT chiến lược là việc theo dõi và phân tích thông tin KTQT của DN và các đối thủ cạnh tranh nhằm phát triển và kiểm soát chiến lược. Bromwich (1990) tin rằng, KTQT chiến lược cung cấp thông tin tài chính về thị trường, chi phí sản phẩm và cấu trúc chi phí của các đối thủ cạnh tranh.

Từ góc độ lịch sử có thể xác định, kế toán chi phí phát triển sớm hơn nhiều so với KTQT (Kaplan: 1984). Kế toán chi phí chuyển đổi thành KTQT trong giai đoạn 1945 đến những năm 1960 (Langfield-Smith, 2008). Do KTQT truyền thống tập trung vào thông tin tài chính, không bao gồm bối cảnh kinh doanh mà các quyết định được đưa ra và thực hiện. Việc đưa thông tin phi tài chính và thông tin về môi trường kinh doanh nhằm thực hiện chiến lược của công ty đã chuyển KTQT truyền thống thành KTQT chiến lược.

Ở khía cạnh khác, KTQT chiến lược được định nghĩa bằng các kỹ thuật được sử dụng. Hiện nay có 17 kỹ thuật KTQT chiến lược được đưa ra chủ yếu bởi 2 nghiên cứu (Guilding và cộng sự, 2000) và (Cinquini và Tenucci, 2010).

Qua tổng hợp các nghiên cứu về khái niệm và quan điểm của KTQT chiến lược, có thể nhận thấy, chưa có một khung lý thuyết hoàn chỉnh nào được đưa ra. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, hầu hết các nghiên cứu đều hướng đến thu thập thông tin bên ngoài, chủ yếu là các đối thủ cạnh tranh; sử dụng cả hai loại thông tin tài chính và phi tài chính.

Vận dụng lý thuyết dự phòng trong kế toán quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp

Lý thuyết dự phòng đầu tiên áp dụng trong nghiên cứu KTQT là của Hofstede’s (1967). Lý thuyết dự phòng và mối quan hệ của nó liên quan đến kiểm soát tổ chức và cấu trúc kế toán ngày càng được chú ý trong tài liệu kế toán kể từ những năm 1970 (ví dụ: Waterhouse và Tiessen, 1978; Gordon và Miller, 1976; Watson, 1975; Dik, 2011). Nhằm đưa ra khuôn khổ toàn diện cho việc thiết kế hệ thống thông tin kế toán, Gordon và Miller (1976) đã phân tích các biến số quan trọng đối với hoạt động của tổ chức. Lăng kính dự phòng của nghiên cứu cho thấy: Môi trường, đặc điểm tổ chức và phong cách ra quyết định của nhà quản lý như là các biến tiềm năng cốt lõi. Những nghiên cứu này ra đời trước khi KTQT chiến lược được Simmonds đề cập vào năm 1981, tuy nhiên nó cũng cho thấy, sự “hướng ngoại” của KTQT khi gắn với các yếu tố dự phòng so với KTQT truyền thống trước đây.

Từ nền tảng nghiên cứu lý thuyết dự phòng và KTQT, cũng như sự phát triển của KTQT chiến lược, các nhà nghiên cứu đã vận dụng lý thuyết dự phòng trong KTQT chiến lược, vì chúng có mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài DN. Trong bối cảnh KTQT chiến lược, cách tiếp cận dự phòng dựa trên tiền đề là không có hệ thống kế toán chung, phù hợp với tất cả các tổ chức trong mọi hoàn cảnh (Otley, 1980, Emmanuel et al., 1990; Islam và Hu, 2012). Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, một hệ thống kế toán thích hợp phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà một tổ chức tự nhận thấy. Do đó, lý thuyết dự phòng xác định các khía cạnh cụ thể của hệ thống kế toán gắn với hoàn cảnh xác định.

Merchant (1985) khám phá các mối quan hệ ngẫu nhiên giữa quy mô của công ty, sự đa dạng của sản phẩm, mức độ phân cấp và việc sử dụng thông tin ngân sách. Aver và Cadez (2009) đề xuất một quan điểm xã hội học của lý thuyết dự phòng và cho rằng, sự phát triển xã hội học liên quan đến sự tham gia của kế toán viên trong quá trình ra quyết định chiến lược. Cadez và Guilding (2008) đề xuất 4 yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế hệ thống KTQT chiến lược gồm: Chiến lược kinh doanh, mức độ mà chiến lược đã áp dụng được xây dựng có chủ đích; định hướng thị trường, quy mô DN.

Như vậy, vận dụng lý thuyết dự phòng trong nghiên cứu giúp khám phá các nhân tố tác động đến KTQT chiến lược trong DN. Từ những nền tảng này, DN có thể đưa ra giải pháp điều chỉnh các biến ngữ cảnh nhằm xây dựng hệ thống thông tin KTQT hiệu quả. Trong đó, cải thiện chức năng cung cấp thông tin ngày càng chất lượng và hữu ích hơn, phục vụ cho việc thực hiện chiến lược dài hạn của DN.

Kết luận

Các nghiên cứu về lý thuyết dự phòng cho thấy, không có cơ cấu tổ chức phù hợp cho mọi DN mà phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể bên trong và bên ngoài của chính DN đó. KTQT chiến lược có vai trò là một thành phần của cơ cấu tổ chức và hướng đến luồng thông tin bên ngoài, giúp DN thực hiện các kế hoạch dài hạn. Kết quả đạt được là những nhân tố ảnh hưởng đến KTQT chiến lược, lần lược được khám phá và bổ sung. Điều này có ý nghĩa trong việc góp phần hoàn thiện khung lý thuyết về KTQT chiến lược, đồng thời giúp DN có những điều chỉnh cho các biến ngữ cảnh nhằm giúp KTQT chiến lược ngày càng phát triển.

Tài liệu tham khảo:

Bromwich, M. (1990), The case for strategic management accounting: the role of accounting information for strategy in competitive markets, Accounting, Organizations, Society, 15 (1/2), 27-46;Cadez, S., & Guilding, C. (2008), An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting, Accounting, Organizations and Soiety, 33, 836-863;Cinquini, L., Tenucci, A. (2010), Strategic management accounting and business strategy: a loose coupling?, Journal of Accounting and Organizational Change, 6 (2), 228-259;Chenhall, R., 2007, Multiple Perspectives of Performance Measures, European Management Journal, 25(4), 266-282;Frederick, W., T. (1911), The Principles of Scientific Management, New York: Happer and Brother;Fayol, H. (1949), General and Industrial Management, Sir Isaac Pitman & Sons;Guilding, C., Cravens, K.S., Tayles, M. (2000), An international comparison of strategic management accounting practices, Management Accounting Research, 11, 113-135;Gordon, L., A & Miller, D. (1976), Accounting, Organizations and Society, 1 (1), pp. 59-69.

* ThS. Tiêu Thị Thanh Hoa, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/van-dung-ly-thuyet-du-phong-trong-ke-toan-quan-tri-chien-luoc-tai-cac-doanh-nghiep-342409.html