Vận dụng sáng tạo, tổ chức lễ Vu lan báo hiếu văn minh, trang trọng, an toàn

Mùa Vu lan báo hiếu năm nay diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh của người dân, các chùa trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nhiều hình thức tổ chức lễ Vu lan báo hiếu văn minh, trang trọng, an toàn.

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Phật tử hành lễ vẫn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang phòng chống dịch.

Phật tử hành lễ vẫn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang phòng chống dịch.

Có lẽ chưa khi nào, mùa Vu lan lại diễn ra trong bối cảnh đặc biệt như năm nay. Trong khi tại Hà Nội vẫn tiếp tục xuất hiện những ca mắc COVID-19, các cấp chính quyền cũng như người dân thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, các cơ sở thờ tự cũng chấp hành tốt. Nhiều chùa đang coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.

Bước chân vào cổng chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, khách thập phương bắt gặp ngay một bảng thông báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi đến hành lễ. Ông Nguyễn Minh Bài, thành viên Ban quản lý Di tích đình, chùa Hà cho biết, người dân đến lễ đều được đo thân nhiệt, được yêu cầu rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt quá trình hành lễ. Ban quản lý di tích đặt bình dung dịch diệt khuẩn ở nhiều bàn sắp lễ hoặc các khu vực dễ quan sát.

Tại khu vực các điện thờ trong chùa, chỉ có một lượng nhỏ người đến lễ và đều có ý thức đeo khẩu trang phòng chống dịch.

Tại một khóa lễ ở chùa Trấn Quốc, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, dù thời tiết buổi chiều khá oi nóng nhưng người dân tham gia hành lễ đều đeo khẩu trang trong suốt cả buổi. Dù khu vực điện thờ không rộng rãi nhưng mọi người đều giữ một khoảng cách nhất định. Khu vực ngoài sân, người dân và phật tử đều ngồi theo nhóm nhỏ, tránh tập trung đông người.

Bên cạnh đó, tại các chùa: Tảo Sách, Vạn Niên (quận Tây Hồ), Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), Đồng Quang (quận Đống Đa), Khương Trung (quận Thanh Xuân), chùa Dâu (quận Cầu Giấy)... đều thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm này. Với nhiều hình thức tuyên truyền, thậm chí là đưa ra quy định đối với những người đến hành lễ nên người dân và phật tử đều chấp hành tốt.

Với những điểm thờ tự tập trung đông người, chính quyền sở tại và Ban quản lý di tích còn đưa ra những biện pháp mạnh. Ví dụ như, tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), để tránh lặp lại hiện tượng quá tải như mùng 1/7 âm lịch (ngày 19/8) vừa qua, UBND phường Quảng An đã tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh thường xuyên túc trực tại điểm di tích; trường hợp lượng khách đổ về đông, không bảo đảm giãn cách, sẽ cho đóng cửa, ngừng tiếp đón. Ngoài ra, khách được đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang; trường hợp không đeo khẩu trang trong không gian thờ tự sẽ bị xử phạt.

Đa dạng các hình thức tổ chức lễ

Thưa vắng người lễ chùa mùa Vu Lan năm 2020.

Thưa vắng người lễ chùa mùa Vu Lan năm 2020.

Trước đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, các tự viện trong cả nước vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức khóa lễ Vu lan báo hiếu 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.

Ghi nhận tại các chùa ở Hà Nội cho thấy, nhiều chùa đã thực hiện tốt việc tổ chức lễ Vu lan báo hiếu, đảm bảo các lễ nghi diễn ra trang trọng, đúng với truyền thống nhưng không tập trung đông người. Nếu như những mùa Vu lan trước, chùa Hòe Nhai, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình lúc nào cũng tấp nập người thì năm nay trái ngược hẳn, khu chính điện cũng chỉ lác đác vài người làm lễ.

Thượng tọa Thích Tâm Hoan, Trụ trì chùa Hòe Nhai cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhà chùa đã cho dừng các khóa tu học, các lớp giáo lý, các khóa lễ, các đạo tràng tu tập. Trong dịp lễ Vu lan báo hiếu, nhà chùa không tổ chức khóa lễ như mọi năm, thay vào đó người dân và phật tử lên chùa xin sớ, lễ Phật, rồi về làm lễ ở nhà. Các nhà sư trong chùa sẽ cầu quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu tan.

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hoan, khi được tuyên truyền về việc tổ chức lễ và công tác phòng chống dịch bệnh, nhân dân và phật tử đều nghiêm túc thực hiện. Còn tại Tổ đình Phúc Khánh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, đại lễ cầu siêu, phả độ gia tiên mùa Vu lan năm nay diễn ra khác biệt.

Theo đó, đại lễ sẽ tổ chức ngày 14/7 âm lịch (ngày 1/9) vào lúc 20 giờ bằng hình thức trực tuyến trên trang Facebook: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Phật sự Học viện, Vạn kim hòa thượng.

Đại lễ diễn ra với các nghi lễ: Khóa lễ Nhiếp linh, khóa lễ Triệu linh, khóa lễ cúng Phật, Tụng kinh cầu siêu - Vu lan và báo ân cha mẹ, lễ phóng sinh - cúng thí thực và hồi hướng. Khách thập phương đến đăng ký tại chùa, sau đó về tham gia khóa lễ theo hình thức trực tuyến. Dù vậy, nhiều người đều hoan hỉ với việc tổ chức khóa lễ của chùa.

Bên cạnh đó, nhiều chùa còn khuyên răn phật tử thực hiện những việc làm ý nghĩa, phát tâm từ thiện giúp đỡ những người kém may mắn, sống tốt đời đẹp đạo. Đó chính là một trong những giá trị cao đẹp mà lễ Vu lan hướng tới cho người dân và phật tử.

Bài và ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/van-dung-sang-tao-to-chuc-le-vu-lan-bao-hieu-van-minh-trang-trong-an-toan-20200831212113569.htm