Vận hành an toàn, giảm thiểu rủi ro cho hạ du
Không chỉ được đánh giá công trình thiết kế có tính an toàn cao, trong quá trình vận hành, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn luôn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành.
Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã được đầu tư hệ thống quan trắc tự động, kết nối với các cơ quan chức năng để tính toán, giám sát vận hành. Ảnh: Minh Hằng
Nhà máy Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ tín dụng, vì vậy, không chỉ chịu sự giám sát khắt khe các quy chuẩn từ thiết kế, thi công mà trong quá trình vận hành, nhà máy luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn về kỹ thuật, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng hạ du để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai.
Sau hơn 2 tháng tích cực thực hiện, ngày 21-9 vừa qua, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn và đơn vị tư vấn đã hoàn thành chương trình tuyên truyền kế hoạch hành động khẩn cấp (EPP) ở 45 xã, bản, xóm thuộc 5 huyện vùng hạ du là: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (thuộc tỉnh Thanh Hóa) và huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Thông qua chương trình tuyên truyền, hướng dẫn của đơn vị, các lực lượng, chính quyền địa phương, nhân dân vùng hạ du được thông tin, nhận diện lại các quy ước, hiệu lệnh cảnh báo khi thủy điện Trung Sơn chuẩn bị vận hành xả lũ; đồng thời, có kế hoạch ứng phó với các tình huống khẩn cấp, các hành động phù hợp từng kịch bản (trong đó có 17 kịch bản và 5 kịch bản điển hình) nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro do thiên tai. Đồng chí Ngân Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (Quan Hóa), cho biết: Đối với công tác vận động, tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du trong mùa mưa lũ, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã thực hiện khá bài bản và chặt chẽ. Trong đó, kế hoạch EPP đã được đơn vị phổ biến, tuyên truyền đến nhân dân từ năm 2016, trước thời điểm vận hành nhà máy và được phổ biến lại trước mùa mưa lũ hàng năm. Thông qua công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương sẽ chủ động trong công tác điều hành ứng phó, đồng thời, người dân nắm được sơ đồ ngập lụt, phương án sơ tán, lánh nạn trong trường hợp ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng và sản xuất. Ông Nguyễn Thúc Xuân, khu phố 1, thị trấn Quan Hóa, cho biết: Tuyên truyền EPP không chỉ giúp người dân được nghe, nhận diện lại các tín hiệu cảnh báo khẩn cấp và chủ động trong các phương án sơ tán người và tài sản, mà việc tổ chức hội nghị truyền thông này còn là dịp để người dân được phản ánh, trao đổi, đề xuất nguyện vọng trong quá trình vận hành và công tác thông tin tuyên tuyền của nhà máy. Từ đó, nhân dân hiểu hơn về quy trình vận hành công trình, chấp hành nghiêm các cảnh báo an toàn, mối quan hệ kết nối giữa nhà máy với nhân dân được chặt chẽ hơn.
Nhà máy Thủy điện Trung Sơn vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.
Không chỉ được đánh giá công trình thiết kế có tính an toàn cao, trong quá trình vận hành, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn luôn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành. Bên cạnh hệ thống cảnh báo lũ nằm trong kế hoạch EPP đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2016 (gồm 15 trạm cảnh báo bằng còi hụ từ hạ lưu đập đến huyện Vĩnh Lộc, 1.700 mốc cảnh báo lũ và 290 biển chỉ dẫn lánh nạn), nhằm tăng hiệu quả cảnh báo, năm 2018, công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo bằng lời nói (phát bằng các tiếng Việt, Thái, Mường) gồm: 5 trạm từ Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đến Thủy điện Thành Sơn. Đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, đo lưu lượng nước đến hồ, tính toán lưu lượng xả lũ, cung cấp tài khoản và hướng dẫn phần mềm camera giám sát mực nước, xả lũ và theo dõi an toàn đập tới các cơ quan chức năng thực hiện giám sát nhà máy trong quá trình vận hành.
Ông Lê Tấn Duy, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, cho biết: Để vận hành an toàn công trình và giảm thiểu rủi ro cho người, tài sản vùng hạ du, trước mùa mưa lũ hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, quan trắc lại toàn bộ các hạng mục, như: Đập dâng, van xả, tình trạng bồi lắng, xói lở lòng hồ, bờ hồ. Đồng thời, hoàn tất công tác sửa chữa thiết bị, công trình, nhà xưởng, kho tàng... Xây dựng kế hoạch dự trữ thiết bị, vật tư, lương thực để chuẩn bị ứng phó trong mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, vận hành hệ thống cảnh báo tín hiệu xả lũ vùng hạ du, phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền cho nhân dân nhận diện tín hiệu cảnh báo và vận hành hiệu quả hệ thống. Trong quá trình điều tiết, vận hành công trình mùa mưa lũ, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai và phân công lực lượng, bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối công trình đầu mối và hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra.