Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở phường trung tâm: Chính quyền nỗ lực phục vụ, người dân chia sẻ
Qua ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp, ghi nhận tại một phường ở trung tâm của Hà Nội cho thấy việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân trong hôm nay (2/7) đã bớt quá tải. Cùng với những giải pháp linh hoạt ứng phó trước mắt và 'dài hơi' của cơ quan chính quyền, người dân kỳ vọng sẽ được phục vụ ngày càng nhanh gọn, đạt được mục tiêu 'chính quyền gần dân'.
Công dân hài lòng
Có mặt tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng (số 6 phố Yên Bái I - trụ sở UBND phường Phố Huế cũ) lúc 14h hôm nay, phóng viên quan sát nhận thấy lượng công dân đang được tiếp nhận giải quyết hồ sơ, đang được hướng dẫn kê khai hoặc đang ngồi đợi đến lượt vào giải quyết vẫn khá đông, nhưng đã giảm tương đối nhiều so với cùng thời điểm này hôm qua (1/7).
Công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thanh Loan cho hay, từ ngày 1/7/2025 vận hành mô hình CQĐP 2 cấp, Cổng dịch vụ công (DVC) TP Hà Nội đã đóng, việc kê khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến chỉ được thao tác trên duy nhất Cổng DVC quốc gia, trong khi trong hôm qua một số TTHC chưa được “thông” trên Cổng đó nên bắt buộc người dân phải ra Điểm phục vụ hành chính công của phường để hỏi và được hướng dẫn.
Hơn nữa, nếu trước kia cấp xã có hơn 200 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết thì từ ngày 1/7 phải giải quyết tổng cộng hơn 500 TTHC các lĩnh vực, trong đó 267 TTHC từ cấp huyện và 64 TTHC từ cấp Thành phố được phân cấp ủy quyền về. Đó là những lý do khiến lượng giao dịch hành chính trong ngày hôm qua (1/7) tăng đột biến.


Tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng chiều nay, lượng công dân đến giao dịch vẫn khá đông nhưng đã giảm so với cùng thời điểm hôm qua
Thống kê trong riêng buổi sáng hôm qua, cán bộ công chức tại Điểm đã tiếp nhận 74 hồ sơ hành chính thì trong hôm nay, lượng người dân đến đây giao dịch trực tiếp đã giảm đáng kể. Tính đến 14h30 có tổng số 72 hồ sơ đã được tiếp nhận, trong đó phần lớn là sao y bản chính (45 hồ sơ), còn lại là các lĩnh vực hộ tịch, xin cấp phép đăng ký kinh doanh, chứng thực chữ ký… Bên cạnh lượng người đến nộp hồ sơ, còn có 94 lượt công dân đến hỏi cụ thể việc chuẩn bị thành phần hồ sơ giấy tờ để thực hiện các TTHC.
Theo lịch hẹn, 15h hôm nay (2/7), ông Nguyễn Trần Hiếu (trú tại số 304 Phố Huế) đến Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng lấy kết quả công chứng hợp đồng cho thuê nhà ở cũ. Theo ông Hiếu, 2 ngày này lượng người đến giao dịch tại đây đông hơn nhiều so với trước khi chưa sáp nhập các phường.
Dù vậy, "hôm qua và hôm nay tôi đến đây giải quyết hồ sơ cũng chỉ mất khoảng 10 phút và không gặp bất cứ khó khăn gì. Tôi rất thông cảm, chia sẻ với cán bộ công chức ở đây vì trong những ngày đầu vận hành bộ máy mới còn nhiều công việc phải chuẩn bị” - ông Hiếu vui vẻ nói.
Kể từ ngày 1/7, người dân và doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến các TTHC trên Cổng DVC quốc gia (dichvucong.gov.vn) thay vì các cổng DVC cấp tỉnh như trước đây. Cổng DVC quốc gia đã kết nối với VNeID, cho phép người dân đăng nhập và sử dụng các DVC trực tuyến bằng tài khoản định danh điện tử VNeID thay vì phải tạo tài khoản riêng cho từng dịch vụ.

Tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng tiếp tục bố trí các đoàn viên thanh niên, nhân viên bưu điện... hỗ trợ người dân
Ngay từ sớm nay, chị Lê Thị Trang - thực tập sinh Văn phòng Luật sư Long Việt - Đoàn Luật sư TP Hà Nội có mặt tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng để hỗ trợ người dân đến giải quyết TTHC.
Chị Trang cho biết, theo quy định, nhiều thủ tục phải nộp hồ sơ trực tuyến (xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, khai tử, trích lục các nội dung liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu…) Tuy nhiên, từ sáng đến nay khoảng 10 người đến nộp hồ sơ trực tuyến thì chỉ có 1 người biết cách làm. Vì thế, nhân viên bưu điện cùng 2 thực tập sinh luật sư phải hỗ trợ kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân.
Ngày càng hoàn thiện để phục vụ người dân tốt nhất
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang cho hay, đầu giờ sáng qua (1/7) bắt đầu vận hành tổ chức bộ máy chính quyền mới, UBND phường bố trí 5 công chức tiếp nhận hồ sơ tại 5 cửa tiếp nhận, cùng với 5 công chức dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình lượng công dân đến giao dịch tăng mạnh, lãnh đạo phường chỉ đạo bổ sung ngay công chức và 1 máy tính tại vị trí bàn tiếp dân.
Đến chiều qua, Chủ tịch UBND phường chỉ đạo tiếp tục tăng thêm 1 cửa giao dịch nữa để kịp thời đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của người dân nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Từ đó tại Điểm đã sắp xếp vị trí ngồi cho công chức và trong ngày mai sẽ bố trí máy tính.
Hiện cán bộ công chức “chạy” tiếp nhận nhiều hồ sơ hành chính bằng cách trực tiếp, nhưng có rất nhiều TTHC chứng thực trên online cũng như xác nhận các nội dung khác, nên lãnh đạo phường đã giao bộ phận Tư pháp tăng cường thêm công chức chuyên môn để giải quyết các hồ sơ online.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND phường đã giao nhiệm vụ cải tạo toàn bộ khu vực sân giữa trong khuôn viên Điểm phục vụ hành chính công hiện nay nhằm có thểm diện tích tổ chức phân luồng, có khu vực riêng dành cho công chức trả kết quả và công dân ngồi đợi nhận kết quả giải quyết hồ sơ, cũng như để các cán bộ đơn vị tư vấn về pháp luật có nơi ngồi tư vấn cho công dân có nhu cầu. Đồng thời, tại các bàn tiếp nhận sẽ phân vách ngăn, giúp người dân dễ dàng nhận biết những lĩnh vực giải quyết TTHC.


Cùng với bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ công chức, chính quyền phường Hai Bà Trưng sẽ cải tạo mở rộng trụ sở tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân
Về lâu dài, trụ sở Điểm phục vụ hành chính công của phường tại đây cũng sẽ được cải tạo các tầng bên trên để có thêm phòng làm việc dành cho một số cán bộ công chức có chuyên môn “cứng” ngồi trực tiếp tại Điểm, nhằm sẵn sàng phối hợp giải quyết ngay những hồ sơ lĩnh vực phức tạp (đất đai, dự án…) khi công chức tiếp nhận từ người dân chuyển lên (hiện các công chức chuyên môn làm việc tại trụ sở UBND phường đặt tại địa chỉ khác).
Trong những ngày đầu vận hành mô hình, máy lấy số thứ tự bị trục trặc, phường đã bố trí đoàn viên thanh niên đứng ngay từ cửa tiếp đón, hỏi công dân về nhu cầu giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực nào, từ đó phát số và phân luồng, hướng dẫn họ vào cửa giao dịch theo đúng lĩnh vực.
Bên cạnh Điểm phục vụ hành chính công tại phố Yên Bái, phường tiếp tục duy trì 4 điểm tuyên truyền hướng dẫn tại các trụ sở UBND phường cũ (trước khi sáp nhập) nhằm tạo thói quen cho người dân là sẽ đến một địa điểm duy nhất để giải quyết TTHC.
Song song đó, ông Quang cho biết tùy tình hình thực tế những ngày tới, nếu Điểm phục vụ hành chính công tiếp tục phải tiếp nhận lượng lớn công dân giao dịch hành ngày, khó đáp ứng được, thì UBND phường trong giai đoạn trước mắt sẽ chủ động có phương án ứng phó, đó là tăng cường một Điểm tiếp nhận giải quyết hồ sơ nữa trên địa bàn. Việc này cũng cần được tính toán, vì thực tế khó khăn là kèm theo Điểm tiếp nhận giải quyết hồ sơ phải có đội ngũ công chức, hệ thống máy móc, cùng đường truyền của TP (hiện hệ thống cũ đã ngắt hết).
"Với quy mô dân số trước kia, mỗi phường chỉ cần bố trí 3 cửa giao dịch, nhưng từ nay thực hiện mô hình chính quyền mới, lượng hồ sơ hành chính mỗi ngày phải giải quyết tăng lên rất nhiều, đồng thời cấp tỉnh sẽ tiếp tục phân cấp ủy quyền TTHC về cấp xã. Vì thế, cùng với bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ công chức, việc tiếp tục cải tạo mở rộng trụ sở tiếp nhận giải quyết TTHC là đòi hỏi tất yếu mà chính quyền phường sẽ thực hiện, để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân" - ông Nguyễn Tiến Quang nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo phường Hai Bà Trưng, nếu trước đây các thủ tục chứng thực đã được phân cấp cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký kết quả hồ sơ cho người dân thì nay thực hiện CQĐP 2 cấp, quy định này chưa rõ ràng, nên những ngày này trực tiếp lãnh đạo UBND phường phải ký. Do vậy, mong muốn sau một thời gian bộ máy mới vận hành, các quy định về giải quyết TTHC sẽ được sớm hoàn thiện, việc ký hồ sơ lĩnh vực này tiếp tục được ủy quyền cho công chức Tư pháp-Hộ tịch như trước, giúp hồ sơ cho người dân được giải quyết nhanh chóng, cũng bởi lãnh đạo phường rất nhiều công việc, không thể thường xuyên có mặt tại trụ sở để ký giấy tờ.
“Không chỉ người cao tuổi, nhiều người trẻ cũng không biết tự kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Tôi nghĩ, để việc triển khai DVC trực tuyến hiệu quả, vai trò trách nhiệm của mỗi công dân rất quan trọng. Người dân cần nhớ tài khoản và thực hiện định danh mức 2 trên VneID, đồng thời chủ động xem hướng dẫn về quy trình nộp hồ sơ trực tuyến, tránh tình trạng đến Điểm phục vụ hành chính công xếp hàng chờ được hỗ trợ sẽ rất lâu”, chị Lê Thị Trang - thực tập sinh Văn phòng Luật sư Long Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Lãnh đạo phường mong muốn sau một thời gian bộ máy mới vận hành, các quy định về giải quyết TTHC sẽ được sớm hoàn thiện, việc ký hồ sơ lĩnh vực này tiếp tục được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch như trước kia, giúp cho công việc được giải quyết nhanh chóng cho người dân, vì lãnh đạo UBND phường rất nhiều công việc, họp hành, không thể thường xuyên có mặt tại trụ sở để ký hồ sơ