Phân cấp hàng loạt quyền mới trong lĩnh vực môi trường cho cấp tỉnh và xã

Từ ngày 1/7, chính quyền địa phương 2 cấp có thêm nhiều thẩm quyền mới trong lĩnh vực môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường

Liên quan đến áp dụng chính quyền hai cấp trong công tác quản lý môi trường, trao đổi với VOV.VN, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để điều chỉnh phù hợp với thực tế, Bộ NN&MT đã rà soát tổng thể hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật trong ngành, làm rõ các điểm chồng lấn, thiếu thống nhất trong phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền. Trên cơ sở đó, Bộ đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bắt đầu vận hành từ ngày 1/7, trong đó có lĩnh vực môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&MT)

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&MT)

Theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP, từ 1/7, UBND tỉnh có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trong trường hợp không có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo đề nghị của UBND xã. Đồng thời, tiếp nhận báo cáo về làng nghề, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề của UBND xã.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc các nhóm I, II, III phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường khi thuộc một trong các trường hợp: Có phát sinh nước thải sinh hoạt xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 50 m3/ngày trở lên; Có phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý đối với những cơ sở, dự án thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Có phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 10 m3/ngày trở lên (đối với chăn nuôi gia súc, giết mổ gia súc, gia cầm);

"Nếu có phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý theo quy định tại điểm a và điểm c khoản này với tổng lưu lượng từ 50 m3/ngày trở lên; Có phát sinh khí thải xả ra môi trường phải được xử lý với tổng lưu lượng từ 2.000 m3/giờ trở lên khi đi vào vận hành chính thức; Có phát sinh thường xuyên chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 100 kg/tháng trở lên hoặc từ 1.200 kg/năm trở lên và có phát sinh nước thải hoặc khí thải phải xử lý xả ra môi trường trong quá trình vận hành. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn có thẩm quyền cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường", ông Phan Tuấn Hùng cho hay.

Cấp xã có quyền ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Từ 1/7, chính quyền cấp xã có thêm nhiều thẩm quyền mới trong lĩnh vực môi trường. Điển hình là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong khi đó, UBND xã có thẩm quyền lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn và báo cáo UBND tỉnh; Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật".

Chủ tịch UBND xã được giao thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước; Tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án, cơ sở thuộc đối tượng theo quy định; Chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã xảy ra trên địa bàn...

Chủ tịch UBND xã được giao thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước; Tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án, cơ sở thuộc đối tượng theo quy định; Chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã xảy ra trên địa bàn...

Cùng với đó, UBND xã cũng có thẩm quyền công bố sự cố môi trường; Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp xã; Ban hành kế hoạch phục hồi môi trường, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với sự cố chất thải; Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; Yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

UBND xã cũng hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, chủ cơ sở trong cụm công nghiệp; Giải quyết hoặc phối hợp xử lý thủ tục đầu tư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải phù hợp với các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường; Công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp xã trên Cổng thông tin điện tử của xã; gửi cho cơ quan trên địa bàn và cấp trên trực tiếp…

Chủ tịch UBND xã được tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án, cơ sở thuộc đối tượng; Chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã xảy ra trên địa bàn; Chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố chất thải cấp xã xảy ra trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã cũng có thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước; Xác định sự cố chất thải, chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải theo quy định. Thành lập tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố chất thải cấp xã ngay sau khi sự cố xảy ra.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phan-cap-hang-loat-quyen-moi-trong-linh-vuc-moi-truong-cho-cap-tinh-va-xa-post1211812.vov