Vận hành chính quyền điện tử, Ninh Bình còn 'kẹt' ở chữ ký số, 5G, nhân lực
Từ ngày 1/7/2025, Ninh Bình đã vận hành chính quyền điện tử đồng bộ, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều xã, phường còn thiếu chữ ký số, hạ tầng 5G và công nghệ chưa đồng bộ, khiến việc xử lý hồ sơ trực tuyến chưa thực sự thông suốt như kỳ vọng.
Trang thiết bị chưa đồng bộ, thiếu thốn
Ninh Bình ưu tiên tính liên tục của hệ thống, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn dữ liệu và lấy người dân làm trung tâm khi hợp nhất. Vì thế, thay vì “tích hợp cơ học”, Sở Khoa học và Công nghệ của 3 tỉnh trước hợp nhất Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã lựa chọn “một hệ thống tốt nhất”.
Tại thời điểm đánh giá, hệ thống được chọn đã hoàn thành cấu hình 2.172 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, cung cấp đầy đủ mẫu biểu, thành phần hồ sơ, ban hành quy trình nội bộ và cấu hình quy trình điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Công bố, công khai 1.081/1.081 thủ tục hành chính cần công bố (trong đó cấp tỉnh 841 thủ tục, cấp xã 240 thủ tục) trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Tích hợp 1.885 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đáp ứng các chức năng cho người dân như đăng nhập bằng VNeID, nộp hồ sơ, ký số, đồng bộ trạng thái hồ sơ, nhận kết quả và thanh toán trực tuyến. Cấp 4.179 tài khoản cho cán bộ, công chức trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, sẵn sàng vận hành đồng bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.

Việc xử lý hồ sơ trực tuyến chưa thực sự thông suốt như kỳ vọng
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Khoa học Công nghệ Ninh Bình, từ 1/7 đến nay, việc triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, toàn tỉnh mới có 24 xã đạt “Xanh” (19%), trong khi 73 xã “Vàng”, 32 xã “Đỏ”, xếp thứ 21/34 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lý giải nguyên nhân, ông Tạ Quang Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình cho biết, con số này phản ánh thực tế, tại nhiều xã, phường mới thành lập vẫn thiếu trang thiết bị cần thiết như máy tính, máy in, máy quét, máy lấy số tự động, màn hình hiển thị phục vụ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công dẫn tới quá tải khi vận hành các phần mềm xử lý hồ sơ, ký số, tra cứu dữ liệu.
Ngoài ra việc phát triển hạ tầng 5G tại địa phương đang gặp khó khăn do phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư và phân bổ vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty viễn thông. Chính vì vậy, tiến độ phủ sóng 5G trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và nhu cầu kết nối của người dân, doanh nghiệp. Tại nhiều xã, phường vẫn còn các “điểm lõm sóng” hoặc sóng yếu, ảnh hưởng đến chất lượng kết nối khi họp trực tuyến, tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống.
96 tổ chức, 148 cá nhân và 131 lãnh đạo chưa được cấp chữ ký số
Theo ông Phương, ngoài khó khăn về hạ tầng cơ sở, một trong những nút thắt lớn trong quá trình vận hành chính quyền hai cấp tại Ninh Bình là khi triển khai hành hành chính công trực tuyến thực tế tại xã, cán bộ còn thiếu kỹ năng sử dụng nền tảng số, không ít nơi lúng túng trong thao tác xử lý hồ sơ, đặc biệt ở các xã mới khiến công việc bị chậm trễ, thậm chí sai sót.
Các xã mới sau sáp nhập chưa đủ điều kiện pháp nhân để đăng ký tài khoản thụ hưởng mới, gây khó khăn cho việc thanh toán trực tuyến của công dân. Phần lớn các xã, phường mới chưa thể thực hiện thanh toán trực tuyến do chưa có mã số thuế và tài khoản ngân hàng thụ hưởng. Tính đến ngày 03/7, mới có khoảng 70/129 xã tích hợp được tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt, công tác cấp chữ ký số còn chậm. Toàn tỉnh vẫn còn 96 tổ chức, 148 cá nhân và 131 lãnh đạo cấp phó trở lên chưa được cấp chữ ký số trên thiết bị di động, ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ xử lý hồ sơ, ký số văn bản. Nguyên nhân do tiến độ phê duyệt phương án kiện toàn tổ chức, nhân sự tại một số đơn vị còn chậm.
Nhiều bộ, ngành chưa công bố đầy đủ danh mục thủ tục hành chính, dẫn đến việc các sở, ngành của tỉnh chưa thể công bố để niêm yết công khai theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính chưa được rà soát, tái cấu trúc quy trình; dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia chưa đồng bộ, chưa chính xác về tên, mã thủ tục với Cổng Dịch vụ công quốc gia, gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Ông Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi thành công, ông Phương đưa ra kiến nghị, Trung ương sớm có chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức cấp xã theo tiêu chuẩn của chính quyền số. Trước mắt, cần các chương trình tập huấn chuyên sâu về kỹ năng vận hành các hệ thống thông tin, kỹ năng xử lý TTHC (trung tâm hành chính) trên môi trường mạng và kỹ năng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cần cơ chế cho phép các địa phương linh hoạt bố trí nhân sự kỹ thuật chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm được đào tạo bài bản) tại các cụm xã để hỗ trợ vận hành, khắc phục sự cố.
Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, định hướng việc xây dựng một nền tảng giải quyết TTHC dùng chung thống nhất toàn quốc, có khả năng tùy biến linh hoạt cho các địa phương. Nền tảng này cần được thiết kế lại theo hướng đơn giản, thân thiện hơn, đồng thời đẩy mạnh tích hợp, liên thông sâu rộng với các CSDL quốc gia và chuyên ngành. Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng đầu tư, vận hành cho các tỉnh và đảm bảo người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm đồng nhất, thuận lợi trên toàn quốc.
Đồng thời, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Ninh Bình trong quá trình kết nối, liên thông với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống của Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.