Vận hành cửa khẩu thông minh: Năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 4 - 5 lần

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, nếu hệ thống cửa khẩu thông minh đưa vào sử dụng, năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng từ 2 - 3 lần so với hiện nay vào năm 2027 và tăng 4 - 5 lần vào năm 2030.

Tại Họp báo thường kỳ quý IV/2023 của tỉnh Lạng Sơn diễn ra ngày 19/12, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến tiến độ xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh, ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (BQL) cho biết, tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện xong Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan để trình Chính phủ, trong đó gồm nhiều giải pháp đồng bộ để xin ý kiến Trung ương và các Bộ, ngành liên quan.

 Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì họp báo.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì họp báo.

Theo lãnh đạo BQL, nếu không phải điều chỉnh và được phê duyệt thì tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở đồng bộ và nâng cao tối đa năng lực thông quan cho các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. “Nếu hệ thống cửa khẩu thông minh được đưa vào sử dụng, năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng từ 2 - 3 lần so với hiện nay vào năm 2027 và tăng 4 - 5 lần vào năm 2030”, ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Trưởng ban BQL, không chỉ nâng cao được năng lực thông quan mà cửa khẩu thông minh còn giúp giảm từ 30 - 40% chi phí bến bãi, thông quan tại cả 2 khu vực cửa khẩu là Hữu Nghị và Tân Thanh.

Cùng với đó, cửa khẩu thông minh sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương theo hình thức hiện tại.

 Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin tại họp báo.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin tại họp báo.

Còn theo ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, triển khai cửa khẩu thông minh có đường ray tự chạy, tự gắp container vào năm 2026, sau khi được Thủ tướng phê duyệt .

"Ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề án cửa khẩu thông minh, Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn sẽ phối hợp các cơ quan của Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai. Tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, đường chuyên dụng, phục vụ xe chở hàng hóa. Khi hoạt động, cửa khẩu thông minh có đường ray tự chạy, tự gắp container”, ông Dương Xuân Huyên thông tin.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định năm 2026 sẽ hoàn thành và chạy thử nghiệm từ 1/1/2026 đến 31/12/2028. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá công nghệ, hạ tầng để triển khai hoàn tất. Nguồn lực Nhà nước tập trung vào xây dựng hạ tầng, trang thiết bị sẽ xã hội hóa. "Trung Quốc hiện có cửa khẩu thông minh Nội Mông, Vân Nam nên phía nước này đã có kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn nói.

 Vận hành cửa khẩu thông minh: Năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 4 - 5 lần. Ảnh minh họa

Vận hành cửa khẩu thông minh: Năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 4 - 5 lần. Ảnh minh họa

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, kinh phí thực hiện khoảng 8.000 tỷ đồng. Kinh phí xã hội hóa đầu tư thực hiện đầu tư các hạng mục hạ tầng logistics, phương tiện, trang thiết bị máy móc bao gồm xe tự hành AGV, cẩu gắp container, hệ thống giám sát tự động, hệ thống viễn thông 5G, hệ thống thông quan thông minh.

Dự kiến huy động vốn từ các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, các tập đoàn, tổng công ty lớn có kinh nghiệm, năng lực phối hợp triển khai thực hiện dựa trên hạ tầng sẵn có của các doanh nghiệp để sử dụng tối đa nguồn lực của nhau, đảm bảo hiệu quả Đề án khi đưa vào sử dụng.

Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) giai đoạn 1 từ 6 làn xe lên 8 làn xe.

Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Mua sắm các thiết bị chuyên dùng kiểm tra giám sát hải quan để phục vụ cửa khẩu thông minh; nâng cấp cổng Thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành do Tổng cục Hải quan trang bị.

Ngày 26/6/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn được giao nghiên cứu, ký kết Thỏa thuận khung về thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Theo Thỏa thuận khung giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được ký tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 26/6, hai bên đồng ý cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc).

Cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh. Bên cạnh đó, hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu và các điều kiện cần thiết khác đối với phía Trung Quốc.

Từ đó, tạo ra một hệ thống thống nhất, bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật... thông qua "Nền tảng cửa khẩu số" Lạng Sơn, Việt Nam và "Cơ chế một cửa" thương mại quốc tế Quảng Tây, Trung Quốc để tương tác thông tin về thủ tục hải quan và logistics tại khu vực cửa khẩu giữa hai bên.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-hanh-cua-khau-thong-minh-nang-luc-thong-quan-va-kim-ngach-xuat-nhap-khau-tang-tu-4--5-lan-post277232.html