Vận hành đường dây 500kV mạch 3, miền Bắc có còn nguy cơ thiếu điện?
Đường dây 500kV mạch 3 được khánh thành ngày 29/8, bắt đầu thực hiện sứ mệnh tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc từ 2.200 MW lên 5.000 MW.
Đánh giá về tầm quan trọng của dự án, nhiều chuyên gia cho rằng đường dây 500kV mạch 3 có thể góp phần giúp miền Bắc giảm nguy cơ thiếu điện từ nay đến năm 2030.
Một lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc với công suất từ 2.500MW hiện nay lên 5.000MW. Đường dây sau khi đấu nối sẽ nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu.
"Đường dây cũng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hạn chế tình trạng thiếu điện cục bộ xảy ra vào những tháng cao điểm của miền Bắc từ nay đến năm 2030", đồng chí lãnh đạo này cho biết.
Chuyên gia năng lượng, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng, phân tích: Trước đây, việc tải điện từ miền Trung ra miền Bắc còn yếu. Khi đường dây 500Kv mạch 3 được đấu nối và đi vào hoạt động thì việc truyền tải điện từ các nhà máy điện miền Trung ra miền Bắc chắc chắn sẽ thuận lợi hơn do tăng được quy mô công suất. Điều này giúp đề phòng cho những trường hợp bất thường. Ví dụ trong tình huống các nhà máy thủy điện phía Bắc thiếu nước thì lập tức sẽ có nguồn điện bổ sung từ miền Trung ra.
Theo ông Kiệt, trong tương lai, miền Bắc sẽ phát triển nhanh chóng nên nhu cầu về phụ tải điện rất lớn. “Do vậy việc khánh thành và đấu nối toàn bộ đường dây 500kV mạch 3 là rất kịp thời nhằm giải quyết tốt vấn đề phụ tải điện miền Bắc hiện nay và đến năm 2030”, ông Kiệt cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, sau năm 2030, chúng ta phải chủ động cân đối nguồn và phụ tải chứ không chỉ chú trọng vào xây dựng đường dây, vì đường dây không sinh ra điện, chỉ làm công việc truyền tải điện. “Chúng ta cần phải cân đối nguồn điện và phụ tải của từng vùng, miền. Theo đó, miền Bắc phải cân đối các nguồn cung từ thủy điện, năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà theo đúng tinh thần của quy hoạch điện VIII”, ông Kiệt nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định, công trình đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó tăng cường khả năng truyền tải liên miền giữa Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ với miền Bắc.
“Chúng ta đã nhìn thấy rõ nguy cơ thiếu điện tương đối trầm trọng ở phía Bắc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Do vậy, khi đường dây 500kV mạch 3 khánh thành, cộng với dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn sẽ là điều kiện tốt nhất để tăng công suất truyền tải từ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ ra miến Bắc. Đồng thời cũng truyền tải được công suất của một số dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Vân Phong ra ngoài Bắc. Như vậy, đường dây 500kV mạch 3 sẽ giải được bài toán tăng công suất dự trữ điện ở phía Bắc”, ông Hồi nói.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng đồng tình cho rằng, công trình đường dây 500kV mạch 3 sẽ giải được bài toán tăng công suất dự trữ điện ở phía Bắc, từ đó giải quyết được bài toán thiếu điện như đã từng xảy ra căng thẳng trong năm 2023.
Với khả năng truyền tải điện năng lớn, đường dây 500kV mạch 3 còn tạo điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ở miền Trung. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch mà còn giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng đã tham dự lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 tại 9 địa phương có dự án đi qua.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án quy mô lớn, có tổng chiều dài 519km, 2 mạch với 1.177 vị trí cột, tổng mức đầu tư là hơn 22.300 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), đi qua 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.