Vận hành hồ chứa đòi hỏi người chỉ huy phải hiểu rất sâu hệ thống các hồ chứa

Việc vận hành hồ chứa (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) sao cho phù hợp, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du là công việc không hề đơn giản. Đặc biệt là đối với hồ thủy điện lớn tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới lại là việc vô cùng khó khăn.

Ngày 11-10-2017, lưu lượng nước về hồ tăng nhanh, cùng với đó nước hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình tiếp tục lên nhanh và ở mức cao. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên trong lịch sử vận hành phải mở tới 8 cửa xả đáy. Những giây phút căng thẳng, cân não đối với những người chỉ huy quyết định. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT), một trong những người trực tiếp tham mưu vận hành.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết công tác quản lý, vận hành các hồ chứa (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) như thế nào?

Ông Trần Quang Hoài: Những năm gần đây, công tác quản lý, vận hành được quan tâm, nhờ vậy đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của mỗi công trình. Đặc biệt đối với hồ thủy điện lớn thì hầu hết các công trình này đều chất lượng tốt, quy trình vận hành, quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ tốt. Do đó việc vận hành đảm bảo an toàn, tuân thủ quy trình xả lũ, góp phần cắt lũ cho hạ du.

Về công tác quản lý hồ chứa thủy lợi với hơn 6.648 hồ chứa các loại, xây dựng ở nhiều giai đoạn trước, chủ quản lý hồ rất đa dạng từ trung ương tới địa phương. Những công trình hồ quy mô vừa, đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nên mức độ an toàn cao hơn. Riêng những hồ thủy lợi nhỏ do cấp huyện, xã, hợp tác xả quản lý... thì có nhiều bất cập trong công tác quản lý, vận hành lâu nay.

Về công tác quản lý các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ, đây là cũng vấn đề đáng quan tâm. Theo quy định từ việc thiết kế, xây dựng, thẩm tra, quản lý khai thác, vận hành các công trình này do Sở Công thương các địa phương quản lý. Qua quá trình theo dõi, giám sát, có những hồ chứa này dạng này đã gây ra một số sự cố: Hồ chứa Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông và một số hồ chứa khác ở Lào Cai. Chúng tôi đang phối hợp Bộ Công thương để có sự thống nhất trong việc quản lý, nâng cao an toàn cho các hồ chứa này.

 Ông Trần Quang Hoài.

Ông Trần Quang Hoài.

PV:Những năm gần đây đã xảy ra một số vụ hồ thủy điện vừa và nhỏ xả lũ, gặp số sự cố gây thiệt hại cho vùng hạ du. Vậy giải pháp nào về vấn đề này?

Ông Trần Quang Hoài: Số lượng những công trình này lại tương đối lớn, chúng tôi đang cho rà soát lại những tồn tại, khiếm khuyết của việc vận hành của các hồ chứa này để kiến nghị các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành. Quản lý hồ thủy điện vừa và nhỏ do ngành Công thương được giao nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn công tác quản lý, vận hành các hồ chứa này. Trong thời gian tới chúng ta sẽ phải nêu những mô hình, những nhà máy thủy điện vận hành tốt.

PV:Còn đối với hồ thủy lợi nhỏ thì sao, thưa ông?

Trần Quang Hoài: Các hồ thủy lợi do Tổng cục Thủy lợi được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước bảo đảm an toàn công trình, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống. Trong thời gian qua, Tổng cục Thủy lợi đã triển khai rất bài bản, nghiêm túc công tác này. Tuy nhiên, do số lượng hồ rất lớn, lại xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau nên một số hồ đã bị xuống cấp. Công tác quản lý trực tiếp các hồ chứa lại giao cho địa phương, cho các nông, lâm trường, UBND các xã, các công ty thủy lợi... quản lý. Đối với những hồ chứa đã giao cho công ty thủy lợi quản lý thì việc quản lý đúng quy trình, mức độ đảm bảo an toàn cao hơn. Còn những công trình giao cho các nông, lâm trường, các xã, hợp tác xã quản lý thì cần phải chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ. Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp với Tổng cục Phòng chống Thiên tai cung cấp bộ cơ sở dữ liệu các hồ chứa trong toàn quốc để theo dõi, giám sát. Chúng tôi cho rằng đây là một nỗ lực, cố gắng của Tổng cục Thủy lợi trong việc quản lý, giám sát các hồ chứa trong điều kiện một số hồ đã và đang xuống cấp.

PV: Năm 2017, chúng ta đã phải mở tới 8 cửa xả đáy hồ Hòa Bình - số cửa xả đáy mở nhiều nhất đối với công trình này từ trước đến nay. Là người trực tiếp tham mưu, điều hành việc xả lũ, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Ông Trần Quang Hoài: Mưa lũ ngày càng cực đoan, diễn biến rất bất thường, không theo quy luật như trước. Việc theo dõi giám sát lưu lượng nước về hồ, vận hành xả lũ đòi hỏi phải nhanh chóng, điều hành linh hoạt, chính xác, nếu không sẽ gây ra thảm họa, bởi vì công trình này là có mức độ an ninh quốc gia thuộc loại đặc biệt. Vì vậy, việc điều hành các hồ Hòa Bình, hồ Sơn La phải linh hoạt, thông minh, chính xác, kinh nghiệm, hiểu hết hệ thống.

Năm 2017, lần đầu tiên chúng ta phải vận hành tới 8 cửa xả đáy kể từ đưa công trình này vào vận hành, khai thác. Lúc đó mực nước hồ đang cao, khu vực lòng hồ lại đang có mưa lớn khiến nước cao, vượt qua cửa van. Nếu để nước lên cao hơn nữa sẽ gây sự cố cửa van, tương tự như sự cố vỡ đập. Vì vậy, quá trình vận hành chúng tôi liên tục theo dõi, giám sát phải trao đổi các cơ quan khoa học, đồng thời thường xuyên báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lúc đó là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, là người đứng đầu trong nhiệm vụ điều hành công trình này về việc xả lũ... 7 cơ quan này tập trung tính toán nhưng thực sự kết quả tính toán ra là kênh để tham khảo. Thực tế, việc vận hành hồ quyết định có mở tiếp cửa xả hay phải đóng đòi hỏi người chỉ huy phải có kinh nghiệm, hiểu rất sâu hệ thống các hồ chứa này và các sông thuộc hạ du. Đặc biệt, phải là người dám chịu trách nhiệm hết sức cao cả trước quyết định của mình.

Những năm trước chúng ta vận hành chủ yếu bằng kinh nghiệm và phải lên trực tiếp hồ để vận hành. Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng công nghệ Nhật Bản cũng như phối hợp với các chủ hồ Hòa Bình, Sơn La để tăng dầy các trạm đo mưa tự động. Ngoài ra, trên hệ thống sông Đà còn tiếp nhận nguồn nước từ Trung Quốc đổ về. Trong những năm gần đây chúng ta đã lắp đặt thiết bị đo tự động lưu lượng nước trên sông, ngay tại biên giới. Thiết bị này liên tục cập nhật số liệu về máy chủ. Trên cơ sở này, chúng ta tính toán, quyết định vận hành các hồ chứa phù hợp nhất.

 Tháng 10 năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử vận hành hồ Hòa Bình phải mở 8 cửa đáy. Ảnh NGUYỄN KIỂM.

Tháng 10 năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử vận hành hồ Hòa Bình phải mở 8 cửa đáy. Ảnh NGUYỄN KIỂM.

PV:Thưa ông, vì sao chúng ta phải vận hành liên hồ chứa?

Ông Trần Quang Hoài: Trong một hệ thống sông có thể có nhiều hồ chứa, khi vận hành liên hồ chứa nó sẽ ảnh hưởng đến nước hồ chứa khác. Vận hành xả lũ hồ Sơn La sẽ ảnh hưởng, tác động đến hồ Hòa Bình. Nó liên hoàn, tác động trực tiếp với nhau. Do đó, khi vận hành liên hồ chứa đòi hỏi sự thận trọng, chính xác, linh hoạt. Lấy ví dụ năm 2017, lưu vực lòng hồ Hòa Bình mưa rất lớn, mực nước trong hồ lại đang rất cao trong khi đó hồ Sơn La cũng đang ở mức cao nhưng vẫn còn dung tích tích nước. Do vậy, chúng tôi đã quyết định đóng toàn bộ hồ Sơn La để giảm tải cho hồ Hòa Bình. Nếu không hiểu biết và nắm sâu số liệu thì chúng ta không thể đưa ra quyết định như vậy.

Việc vận hành liên hồ chứa rất phức tạp. Ở Việt Nam hiện có 11 liên hồ chứa, có những lưu vực sông Hồng sông Thái Bình có những hồ chứa rất lớn, tầm cỡ của Thế giới: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang. Tổng dung tích cắt lũ ở các hồ này lên tới 8,5 tỷ m3. Lưu vực Sài Gòn - Đồng Nai có tới 30 hồ. Nếu vận hành không chính xác thì sẽ gây ra hiệu ứng đô-mi-nô. Trên thế giới đã từng xảy ra tình trạng hồ trên vỡ gây vỡ tiếp các hồ phía dưới gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đối với các hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, bảo vệ an toàn cho các hồ này, thế nên hệ số an toàn của các hồ này rất cao. Chúng ta có một Ủy ban giám sát, bảo vệ các hồ chứa này do Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ là Chủ tịch Ủy ban hằng năm đều hoạt động rất bài bản và có thiết bị hiện đại theo dõi, giám sát đảm bảo an toàn cho các hồ chứa này.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/van-hanh-ho-chua-doi-hoi-nguoi-chi-huy-phai-hieu-rat-sau-he-thong-cac-ho-chua-640322