Văn Hậu trở về - giấc mơ xuất ngoại của bóng đá Việt chưa có lời giải
Năm 2001, Huỳnh Đức trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. 2 thập kỷ trôi qua, mỗi khi bóng đá Việt Nam có thêm cầu thủ xuất ngoại là bấy nhiêu giấc mơ vỡ.
Bóng đá Đông Nam Á bị gọi là vùng trũng, SEA Games thì là ao làng, và đương nhiên cầu thủ Việt Nam khi chứng kiến những trận cầu Premier League, Serie A, La Liga hay Bundesliga, tất cả đều mộng ước có một ngày được đặt chân đến nơi ấy.
Vì đã có một đấu trường để so sánh, nên không khó hiểu khi đó là điểm đến quan trọng nhất, cao nhất.
Mọi thứ có lẽ bắt đầu chính là mộng mơ và ý chí. Nhưng khoảng cách giữa mộng mơ và thực tế lại là 2 thập kỷ như nhìn hoa trong gương.
Từ Huỳnh Đức đến Công Phượng
Khi Huỳnh Đức đến với CLB Chongquin Lifan của Trung Quốc, câu chuyện hôm đó chẳng có gì phải nhắc nhiều vì đó thuần túy là chuyện ngoài chuyên môn bóng đá. Nhưng Huỳnh Đức dẫu gì cũng là ngôi sao lớn nhất của thế hệ bóng đá Việt Nam với 3 lần giành Quả bóng vàng. Việc anh xuất ngoại chỉ vì chuyện nội bộ công việc, vô tình lại chính là một nét vẽ đầu tiên cho bức tranh xuất ngoại của bóng đá Việt Nam gắn liền với 2 chữ thương mại.
Những năm tiếp theo chúng ta chứng kiến các cuộc xuất ngoại khác không khác bao nhiêu. Lương Trung Tuấn sang thi đấu cho đội Cảng Thái Lan vào đầu 2005 vì dính nghi án bán độ năm 2003. Nguyễn Việt Thắng đến CLB Porto B du học như gió thoảng hay Nguyễn Hữu Thắng thử việc thất bại tại CLB LA Galaxy.
Lê Công Vinh, vẫn như thường lệ có lẽ là cầu thủ ý chí và khát khao nhất trong việc xuất ngoại một cách nghiêm túc. Năm 2009, anh đến CLB Leixoes của Bồ Đào Nha bằng sự giúp đỡ của HLV Calisto. Rồi tháng 7/2013, Công Vinh sang Nhật Bản khoác áo Consodale Sapporo.
Dẫu một sự xuất hiện bằng giới thiệu, một sự xuất hiện nhờ tài trợ, nhưng ở Công Vinh vẫn toát lên một ý chí khát vọng Việt. Đáng tiếc thay lực bất tòng tâm, sự chuyên nghiệp dẫu là bao nhiêu không san lấp đi được bức tường đẳng cấp. Công Vinh, dù vẫn là cầu thủ nội thành công nhất trước đến nay nhưng “xuất ngoại” là dang dở.
Tuy nhiên những cuộc xuất ngoại của Công Vinh hay Huỳnh Đức vẫn ít nhiều tác động đến một người. Ông lúc nào cũng tồn tại một suy nghĩ vươn tầm châu lục, thống trị Đông Nam Á. Người đàn ông ấy chính là Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức suy nghĩ lớn, hành động lớn, đào tạo kiểu châu Âu bài bản, đưa được những đứa trẻ của mình sang tận Arsenal gặp HLV huyền thoại Arsene Wenger.
Những đứa trẻ mà ông yêu quý và cất công đào tạo, chúng vẫn bị chối từ. Nước Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc không có chỗ cho Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng. Và kể cả Công Phượng, trong cuộc chiến đấu tại Incheon, trở thành bản hợp đồng bên cạnh chuyên môn còn có mối quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam – Hàn Quốc qua sự tác động của HLV Park Hang Seo, thì kết quả vẫn là sự thất bại.
Phượng từ Mito HollyHock của Nhật Bản, đến Incheon United của Hàn Quốc và qua Sint-Truiden của Bỉ, hành trình của Phượng là cuộc chiến của chàng Don Qujote với cối xay gió, là người dũng sĩ mang trong mình khát khao của bầu Đức, là kẻ chiến đấu đến sức cùng lực kiệt cho những ước mơ của chính Phượng, bầu Đức, bóng đá Việt.
Và Văn Hậu trở về
Ngày Văn Hậu đến với SC Heereveen, đấy là một sự kiện có thể coi là lớn của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên một cầu thủ Việt Nam đến với một giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, là CLB cũ của những Klaas-Jan Huntelaar, Jon Dahl Tomasson, và đặc biệt là Ruud van Nistelrooy. Đặc biệt vì tính chuyên nghiệp của nó thể hiện trước truyền thông, với đàm phán, ký kết hợp đồng, và ra mắt rất chỉn chu.
Và vì đấy là Văn Hậu, người vừa ghi 2 bàn vào lưới U23 Indonesia để giúp Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ vàng SEA Games. Việc Văn Hậu với thể hình, chiều cao đều thuộc diện lý tưởng để chiến đấu ở trời Âu mang đến sự kỳ vọng lớn lao vượt quá chữ “thương mại”. Càng ít ai được như Văn Hậu, khi Hậu sinh ra trong thời điểm mạng xã hội phát triển. Nên việc anh “xuất ngoại” kéo theo một lượng lớn khán giả Việt tới với fanpage của SC Heereveen, khiến cho CLB này cũng phải choáng ngợp.
Có nghĩa, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều tạo cho chúng ta niềm tin dành cho Văn Hậu. Nhưng kết quả là sao? Hơn 10 tháng của những nỗi niềm chờ đợi và kỳ vọng, kéo dài trong ức chế cho đến bảng thông báo chia tay ngày hôm qua. Ngày Văn Hậu về nước, người hâm mộ vẫn yêu quý và chờ đợi anh, có những sự tức giận vì cách làm phũ phàng của đối tác Hà Lan. Nhưng mang theo cả những dư vị buồn. Bóng đá Việt Nam vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hai chữ “xuất ngoại”.
Vì thế, lúc này phải nhìn vào sự thật. Để bước ra thế giới, người Việt Nam cần một lộ trình có tính lâu dài chứ không thể dựa theo tư duy bột phát. Tư duy của bóng đá Việt Nam, của các cầu thủ Việt Nam phải có sự thay đổi trong việc bước ra biển lớn. Nghiêm túc, cần mẫn và chuyên nghiệp chứ không phải đi cho “oai”.
Cuối cùng, là sự nhìn thẳng vào sự thật. Sự thất bại của Văn Hậu chính là lời cảnh tỉnh đối với nền bóng đá Việt Nam lúc này. Bằng cách nhìn vào đại kình địch Thái Lan. Họ có thể thua ta ở giai đoạn này. Nhưng nhìn trên một bộ mặt tổng thể của hai nền bóng đá, họ vẫn ở trên ta.
Không chỉ vì những cá nhân Xuân Trường hay Văn Lâm ở Thái League, mà còn vì những Dangda – cầu thủ từng thi đấu ở La Liga, vì Theerathon, vì Chanathip đang là trụ cột không thể thay thế của các CLB Nhật Bản, những nhà vô địch, những người trong đội hình tiêu biểu.