Vân Hồ tập trung phát triển rừng bền vững
Thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, những năm qua, huyện Vân Hồ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã tăng cường rà soát, chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít sung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.
Trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có 67.146 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm trên 68% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích có rừng trên 55.000 ha, tỷ lệ độ che phủ đạt 56%, gồm 13.125 ha rừng đặc dụng, 13.864 ha rừng phòng hộ, 25.667 ha rừng sản xuất và 2.370 ha ngoài 3 loại rừng. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm kê, đánh giá đúng hiện trạng làm cơ sở cho việc quản lý theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, rà soát việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít sung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và chỉnh lý, bổ sung hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm tạo ra khâu đột phá trong khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng lợi thế đất đai, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân, huyện đã thực hiện cơ cấu lại quy mô ổn định 3 loại rừng, chỉnh lý hồ sơ giao đất lâm nghiệp, chuyển một phần diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng đủ điều kiện sang bố trí đất ở, đất sản xuất cho nhân dân trồng cây ăn quả trên đất dốc, cây đa mục đích và các loại cây lâm sản ngoài gỗ.
Đến nay, huyện đã bàn giao và phân cấp quản lý nhà nước đối với diện tích 67.146 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 14 xã. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha phối hợp với đơn vị thiết kế cắm 185 mốc giới giữa rừng đặc dụng với đất sản xuất để nhân dân không xâm lấn vào quy hoạch rừng đặc dụng. Các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, PCCCR được tăng cường. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch trên địa bàn đều thực hiện gắn với bảo vệ sinh thái bền vững, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường và tác động xấu đến rừng, góp phần tạo nguồn thu ổn định để đầu tư lại cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Đinh Văn Thuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: Việc triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Cùng với thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng hằng năm, huyện đã tích cực vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, người dân và chủ rừng đầu tư trồng rừng sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách, tiền chi trả dịch dụ môi trường rừng và vốn vay ODA, huyện đã đầu tư trên 55 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng trên 130 ha rừng đặc dụng, phòng hộ và gần 300 ha rừng sản xuất.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã xác định nhu cầu phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm và triển khai hỗ trợ trên 30.000 cây giống ăn quả cho nhân dân 22 bản biên giới thuộc 3 xã (Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân) trồng thay thế cây lương thực trên đất dốc; hỗ trợ khoán bảo vệ 11.000 ha rừng giai đoạn 2016-2020 cho các cộng đồng bản bên trong rừng đặc dụng đối với toàn bộ diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất lâm nghiệp, mà vẫn chủ yếu do người dân tự đầu tư, hoặc được hỗ trợ một phần kinh phí từ nhà nước, các mô hình sản xuất lâm nghiệp của người dân còn nhỏ lẻ, hiệu quả đầu tư thấp.
Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng độ che phủ rừng lên 57,5%, cùng với đẩy mạnh triển khai các dự án trồng rừng, huyện Vân Hồ xác định công tác khoanh nuôi tái sinh rừng là một trong các giải pháp quan trọng để tăng độ che phủ rừng. Qua đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, từng bước nâng cao giá trị của từng loại rừng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận động các doanh nghiệp, HTX xây dựng mô hình điểm trong liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/van-ho-tap-trung-phat-trien-rung-ben-vung-33823