Văn hóa | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Người Dao định cư trên cao nguyên Sìn Hồ cách đây cả trăm năm. Người Dao phân nhánh thành các nhóm khác nhau như: Dao tuyển, Dao khâu, Dao làn tẻn. Các nhóm Dao vẫn lưu giữ được đặc trưng văn hóa truyền thống, trong đó có tranh thờ, mặt nạ giấy để phục vụ cho các nghi lễ tâm linh quan trọng trong cộng đồng.

Đời sống tâm linh của cộng đồng người Dao trên cao nguyên Sìn Hồ vô cùng phong phú và đặc sắc. Các phong tục, tập quán truyền thống như: thờ tổ tiên, cúng rừng, thờ thần, các nghi lễ như cấp sắc, hiếu hỉ đều cần sử dụng tranh thờ, mặt nạ giấy. Với người Dao, tranh thờ, mặt nạ giấy là sợi dây kết nối đời sống của họ với thế giới tâm linh vô hình. Tranh thờ với người Dao quan trọng và thiêng liêng, từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao nơi đây.

Lễ cấp sắc của người Dao làn tẻn tại xã Căn Co, huyện Sìn Hồ.

Lễ cấp sắc của người Dao làn tẻn tại xã Căn Co, huyện Sìn Hồ.

Tranh thờ, mặt nạ giấy đã đồng hành cùng lịch sử phát triển của dân tộc Dao, qua thời gian nó trở thành biểu tượng thiêng trong tín ngưỡng thờ thần của họ. Cũng bởi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Đạo giáo mà trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao, họ quan niệm khi chết linh hồn sẽ chuyển tới sống một thế giới khác. Việc tổ chức nghi lễ cho người chết để linh hồn của họ được ổn định cuộc sống, ở thế giới bên kia, phải được các thầy mo tổ chức chu đáo, tỉ mỉ. Dụng cụ trang phục, tranh thờ, mặt nạ giấy đều không thể thiếu, số lượng các bộ tranh, họa tiết mặt nạ thường không giống nhau, chúng tùy thuộc vào cấp bậc của từng thầy mo.

Người Dao dù thuộc nhánh nào, họ cũng luôn tin rằng mình là con cháu của Bàn vương. Tuy nhiên để được chính thức công nhận là con cháu của Bàn vương, người trưởng thành phải được trải qua lễ cấp sắc. Thông qua các thầy mo, họ sẽ làm cầu nối giữa người ở hai thế giới, những bức tranh thờ là phương tiện giao tiếp với các vị thần. Vì vậy, mỗi thầy mo đều lưu giữ nhiều bộ tranh cổ để thực hiện nghi lễ, ngoài ra ở mỗi gia đình người Dao bình thường cũng đều treo thể loại tranh này, nhiều bức đã lưu truyền cả trăm năm. Chủ đề tranh chủ yếu trên các bức tranh là sự tích về Bàn vương, Bàn hồ, Qua sơn bảng văn, cùng hình ảnh về các vị thần cây, thần sông, thần núi... Nhiều bộ tranh cổ có nội dung kể về hành trình di cư, mở đất của dân tộc Dao.

Để tạo nên những bộ tranh thờ, mặt nạ giấy phục vụ đời sống tâm linh, các nghệ nhân phải trải qua quá trình dài học tập nghiêm khắc. Người nghệ nhân làm tranh thờ phải biết đọc thư tịch cổ, am hiểu về văn hóa, mầu sắc, khoa học, thiên văn... Để có thể được thực hiện các bộ tranh thờ, mặt nạ giấy, người nghệ nhân buộc phải có đời sống tinh thần trong sạch, nếu không dù tay nghề cao cũng không được làm. Theo quan niệm của người Dao, tranh thờ hay mặt nạ sẽ không linh nghiệm nếu người tạo ra nó vi phạm các quy tắc về chuẩn mực đạo đức. Những điều này đã khiến các thầy mo, các nghệ nhân làm tranh buộc phải giữ mình trước những cám dỗ từ cuộc sống đời thường.

Ông Nguyễn Đức Trưởng – Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sìn Hồ cho biết: Văn hóa tín ngưỡng thờ thần của cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện có nhiều nét riêng so với các dân tộc khác. Đặc biệt tranh thờ, mặt nạ giấy sử dụng trong các lễ hội đều chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, ngoài việc thực hiện chương trình bảo tồn phát triển chữ viết, dân ca của người Dao tại Sìn Hồ thì cấp ủy, chính quyền huyện thông qua các phòng chuyên môn đã có nhiều phương án phục hồi, phát triển văn hóa làm tranh thờ, mặt nạ giấy, qua việc bồi dưỡng thế hệ nghệ nhân tương lai.

Tranh thờ cổ của người Dao ẩn chứa nhiều kiến thức uyên thâm, về mối quan hệ nhân sinh giữa con người với thiên nhiên vũ trụ, lịch sử dân tộc và nhiều giá trị về văn hóa, được lưu giữ trong nhiều bộ tranh cổ khác nhau. Điểm đặc biệt trong tranh thờ của người Dao là được tạo nên hoàn toàn bằng thủ công, theo nhãn quan của từng nghệ nhân, nên mỗi bức tranh, mỗi bộ tranh hoàn toàn là một tác phẩm độc nhất. Họ chọn ngày, giờ khai bút, vẽ tay từng nét, không dùng khuôn in như tranh Đông hồ của người miền xuôi. Chính điểm khác biệt này cùng giá trị tâm linh đã khiến mỗi bộ tranh thờ, mặt nạ giấy, dù mới hay cũ đều có giá trị cao.

Nghệ nhân Tẩn Cuổi Lù ở xã Căn Co, huyện Sìn Hồ cho biết: Để thực hiện các bộ tranh thờ, mặt nạ giấy, người thợ vẽ phải học rất nhiều. Tôi có được may mắn là bố mẹ cho theo thầy học vẽ tranh, làm giấy, học chữ Dao cổ từ năm lên 10 tuổi. Theo thầy học và làm việc hơn 15 năm, tôi mới chính thức được phép thực hiện những bức vẽ đầu tiên, dùng trong lễ hội của cộng đồng. Mất thêm 5 năm chuyên tâm tự học, tôi mới có thể vẽ tranh cho các gia đình để họ dùng làm lễ. Mỗi bộ tranh 11 bức, tôi phải thực hiện hơn 3 tháng mới hoàn thiện. Công việc rất phức tạp đòi hỏi nhiều thủ tục tâm linh, từ chọn ngày khai bút cho gia chủ, màu sắc, thời điểm khai nhãn cho tranh, đều phải được tính toán trước, để chủ nhà được các vị thần gia trì bảo hộ.

Trong các nghi lễ của người Dao, bà con trong họ, người dân trong bản đều tụ hội đông đủ. Khi các bức tranh được treo lên tường, người thụ lễ mang mặt nạ nhảy múa, người lớn tuổi sẽ cùng chỉ cho đám trẻ biết về nội dung ý ngiã của các bức tranh, các biểu tượng họa tiết trên mặt nạ. Đây là cách giáo dục đời sống tinh thần, giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Chỉ cần nhìn vào bộ tranh Tam thần, sẽ thấy sự oai nghiêm hung dữ của ba vị thần này, răn đe tới những ai có suy nghĩ xấu, những âm mưu, ý đồ ác từ đó bị đẩy lùi. Đồng thời, hướng thiện lan tỏa và mang đến những ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà nét văn hóa tranh thờ, mặt nạ giấy, được người Dao duy trì bảo tồn từ đời này qua đời khác.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/tranh-th%E1%BB%9D-m%E1%BA%B7t-n%E1%BA%A1-gi%E1%BA%A5y-n%C3%A9t-v%C4%83n-h%C3%B3a-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91%C3%A1o-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-dao-%E1%BB%9F-s%C3%ACn-h%E1%BB%93