Văn hóa, con người Cà Mau với tiến trình hội nhập

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển. Nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại kết quả khá toàn diện, góp phần vào sự thành công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững...

Nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến”, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cà Mau lần thứ IV năm 2024, thu hút đông đảo nghệ nhân, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến”, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cà Mau lần thứ IV năm 2024, thu hút đông đảo nghệ nhân, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng văn hóa gắn với xây dựng chính quyền và xây dựng kinh tế được thực hiện khá đồng bộ và chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam nói chung, người Cà Mau nói riêng hướng đến giá trị “chân - thiện - mỹ”, nhân ái, nghĩa tình, góp phần làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân trong tỉnh.

Tỉnh Cà Mau đã làm tốt việc đưa các quy định về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của khu dân cư, như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; "Vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, yêu thương nhau”; “Gia đình hiếu học”, quan tâm giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ; mối quan hệ ứng xử tình làng, nghĩa xóm... Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước về sản xuất kinh doanh giỏi; hiến đất, góp công, góp sức để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng đường, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trụ sở sinh hoạt văn hóa và các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương như biển, đảo, rừng, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.

Tỉnh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương như biển, đảo, rừng, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh tổ chức các hoạt động lưu diễn phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và căn cứ kháng chiến, được trên 300 suất. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các sự kiện được tổ chức quy mô lớn, hình thức đa dạng, phong phú, như: Liên hoan Văn nghệ quần chúng 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; Hội thi Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình; Liên hoan Ðờn ca tài tử Nam Bộ; Liên hoan "Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông"; Liên hoan Văn nghệ các câu lạc bộ - ban nhạc; Hội thi "Tiếng hát Hoa Phượng Ðỏ"... tổng số trên 800 hội thi, hội diễn các cấp.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL, chia sẻ, từ khi Nghị quyết số 33-NQ/TW đi vào cuộc sống, ngành đã tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ làm công tác văn hóa, phát triển phong trào văn hóa quần chúng ở cơ sở. Toàn tỉnh có 367 người làm công tác văn hóa trong biên chế, trong đó có 2 nghệ sĩ Nhân dân, 12 nghệ sĩ ưu tú, 2 nghệ nhân ưu tú và trên 100 cộng tác viên. Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương như biển, đảo, rừng, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng.

Thường xuyên đưa văn hóa nghệ thuật về cơ sở, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. (Trong ảnh: Ðoàn Cải lương Hương Tràm biểu diễn phục vụ tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân).

Thường xuyên đưa văn hóa nghệ thuật về cơ sở, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. (Trong ảnh: Ðoàn Cải lương Hương Tràm biểu diễn phục vụ tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân).

Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, góp phần trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Hiện nay, tỉnh có 92,2% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 89,4% ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73,2%); 9/19 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (đạt 47,36%).

Kịp thời ngăn chặn sản phẩm văn hóa độc hại

Cùng với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, các địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực từ sản phẩm văn hóa độc hại; nâng cao được ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước sự xâm nhập, tác động xấu của sản phẩm văn hóa độc hại.

Ðại tá Lê Tấn Vinh, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết, thống kê từ 2018 đến nay, ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, thu hồi 382 tài liệu có nội dung xấu của các cá nhân, tổ chức phản động tán phát vào các cơ quan, doanh nghiệp; thu hồi 424 tài liệu có nội dung tuyên truyền chiến tranh tâm lý, mê tín dị đoan, phát triển đạo trái pháp luật, xuyên tạc tình hình xã hội và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc... tán phát vào địa bàn tỉnh. Ðồng thời, phối hợp kiểm tra chuyên ngành đối với 222 lượt cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thẩm mỹ... xử lý vi phạm hành chính 79 lượt cơ sở với số tiền gần 108 triệu đồng, bắt buộc tháo dỡ gần 1.500 băng rôn quảng cáo, tạm giữ hơn 9 ngàn tờ rơi các loại.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Trung ương về nêu gương của cán bộ, đảng viên tạo nhận thức sâu sắc, đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Cà Mau phát triển toàn diện.

Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, sớm hình thành và phát triển nhân cách con người ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. (Trong ảnh: Học sinh trải nghiệm tại Vườn thực hành sinh học, Trường THPT Ðầm Dơi).

Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, sớm hình thành và phát triển nhân cách con người ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. (Trong ảnh: Học sinh trải nghiệm tại Vườn thực hành sinh học, Trường THPT Ðầm Dơi).

Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng. Ðây là lần đầu tiên trong Văn kiện Ðại hội Ðảng, Ðảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh, trật tự; đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng...

“Chú trọng xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/van-hoa-con-nguoi-ca-mau-voi-tien-trinh-hoi-nhap-a34314.html