VĂN HÓA CÔNG VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN

Cuối tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đúng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 129 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Thủ tướng Chính phủ tham dự và có những ý kiến phát biểu sâu sắc tại Lễ phát động phong trào 'Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở'. Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng vừa phát động Phong trào 'Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng'.

Mục tiêu cao nhất của phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền và đơn vị sự nghiệp thực sự mẫu mực về thái độ và trách nhiệm, lời nói và việc làm, tác phong và hành động, qua đó góp phần xây dựng mỗi cơ quan công quyền là một điểm sáng văn hóa.

Những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo rốt ráo của Trung ương Đảng, Chính phủ và lãnh đạo các ngành, các cấp, hoạt động công vụ và nền nếp văn hóa trong bộ máy công quyền có nhiều chuyển biến khá toàn diện. Phần đông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác, chú trọng đổi mới lề lối, tác phong làm việc. Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong hoạt động công vụ đã góp phần làm cho bộ máy công quyền ngày càng phục vụ nhân dân tốt hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Tuy vậy, một thực tế đáng suy ngẫm là hầu hết những “người Nhà nước” đều thấm nhuần tương đối sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong việc góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, vì dân; nhưng không phải ai cũng biến nhận thức thành hành động cụ thể. Nguyên nhân sâu xa là do tâm lý tiểu nông vẫn còn, nhiều người chỉ thấy cái lợi trước mắt, lợi ích cá nhân nên chưa tự giác, gương mẫu, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, từ đó chưa chú trọng giải quyết “tròn khâu, tròn vai” của mình. Đó cũng là lý do còn tồn tại những biểu hiện chưa văn hóa trong hoạt động công vụ, như: Chậm chạp, lơ là trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách để vụ lợi; chưa tuân thủ, chấp hành đúng nguyên tắc, quy định, thời gian làm việc của cơ quan, đơn vị…

Cách đây 71 năm, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948), một trong 7 thành phần xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu thi đua yêu nước là: “Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân”. Thực chất của việc thi đua ấy chính là thể hiện thái độ, tinh thần, tác phong làm việc nghiêm túc, đến nơi đến chốn để mang lại lợi ích tối đa cho nhân dân. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Bác Hồ nhiều lần giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân viên chính quyền phải làm tròn bổn phận “công bộc” tận tụy, “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Vì đó chính là yếu tố cốt lõi của hoạt động văn hóa công vụ và thực hiện văn hóa công sở.

Yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và thời đại công nghệ số không cho phép những người “làm công ăn lương” mà vẫn lề mề, tư duy tiểu nông, thái độ cửa quyền, hách dịch, làm việc vô cảm; vì đây là một trong những nguyên nhân làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Cần nhận thức sâu sắc điều này để mỗi người công tác trong bộ máy công quyền các cấp có những việc làm thiết thực đưa phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở có sự chuyển biến căn bản, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/van-hoa-cong-vu-va-trach-nhiem-cong-dan-576419