Văn hóa đỗ xe
Vài năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, người dân ở thành phố Bắc Giang sử dụng ô tô khi tham gia giao thông ngày càng nhiều. Cũng từ đây , việc đỗ xe cũng gây ra nhiều chuyện rắc rối, phức tạp.
Bên cạnh những tài xế có ý thức nhìn trước ngó sau khi đỗ, thận trọng để lại số điện thoại cho người liên lạc khi cần thì vẫn còn những hành vi thiếu văn hóa khi đỗ xe như: Đỗ xe lấn lòng đường gây cản trở giao thông, chiếm hết vỉa hè, che kín cửa ra vào của các gia đình, cửa hàng hay lối đi trong ngõ xóm...
Nhiều người có nhà ở trong ngõ, những tuyến đường hẹp chia sẻ: Thỉnh thoảng, khi đi làm về, họ nhìn thấy ô tô đỗ trước cửa nhà, bịt luôn cả lối vào, người trong nhà muốn ra không được, người ngoài muốn vào cũng không xong, từ đó xảy ra cãi vã, thậm chí ẩu đả. Cũng bởi một phần do thiếu điểm đỗ, nhiều lái xe ô tô không biết xoay xở thế nào mỗi khi dừng đành phải đỗ “bừa” dù biết rằng việc này ảnh hưởng đến người khác.
Không hiếm lần, người dân thành phố Bắc Giang chứng kiến cảnh tượng không hay, phản cảm. Do bức xúc, phẫn nộ, bị ảnh hưởng từ việc đỗ xe không phù hợp, nhiều người đã tô thêm màu sơn, vẽ bậy, gắn lên kính xe, thân xe của chủ xe những lời lẽ khó nghe.
Thiết nghĩ, đỗ xe là nhu cầu tất yếu của người tham gia giao thông nhưng phải đúng quy định pháp luật và có văn hóa. Việc đỗ xe ô tô sẽ không gây phiền toái cho cả đôi bên nếu cả tài xế và người dân có cách ứng xử thấu tình, đạt lý. Đối với tài xế, trước khi đỗ xe nên chú ý quan sát xem có biển báo cho phép dừng, đỗ hay không. Nếu đỗ xe trong ngõ, gần khu dân cư, cần chú ý đỗ ở nơi không chắn lối đi lại, trước cửa nhà, tránh gây phiền hà, bức xúc cho người khác. Trong trường hợp có việc hoặc bất đắc dĩ phải đỗ trước cửa nhà người khác hoặc địa điểm nào đó, tài xế nên để lại mẩu giấy có ghi số điện thoại hay thông tin cá nhân để người dân có thể liên lạc khi cần thiết.
Về phía người dân, khi thấy ô tô đỗ chắn cửa, lối đi, cửa hàng… nên giữ thái độ bình tĩnh, ứng xử phù hợp; tuyệt đối không nên có hành vi phá hoại tài sản của người khác như: Tạt sơn; đập phá xe, gương, kính; chọc thủng lốp… Những hành vi này, tùy vào mức độ thiệt hại có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường dân sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền, ngành chức năng cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng, bố trí thêm nhiều điểm bãi đỗ và trông giữ xe ô tô công cộng. Đối với quãng đường đi lại gần, việc đỗ xe ô tô bất tiện, khó khăn, người dân nên sử dụng các phương tiện khác như: Xe máy, xe đạp điện, xe đạp khi tham gia giao thông thay vì sử dụng ô tô.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/van-hoa-do-xe-postid415374.bbg