Văn hóa đọc là thành tố cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa gia đình
Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - tại chương trình Ngày hội Văn hóa gia đình.
Ngày 29/6/2024, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Ngày hội Văn hóa gia đình. Chương trình được thực hiện nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, gìn giữ và phát huy những ý nghĩa văn hóa, tinh thần đậm nét truyền thống Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chương trình gồm 3 tọa đàm chuyên đề: Khuyến học trong gia đình, Quản trị gia đình, Phát huy trí tuệ ở trẻ em Việt với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả uy tín trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục.
Tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng văn hóa đọc chính là một thành tố cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa gia đình. Theo bà, "gia đình là nhà trường đầu tiên và những cuốn sách chính là người thầy, người bạn song hành cùng mỗi gia đình, giúp mỗi thành viên tìm ra định hướng để thành công trong cuộc sống".
Nói về các khái niệm xoay quanh gia đình, dịch giả Vũ Trọng Đại – đại diện đơn vị xuất bản TIMES cho rằng xưa nay chúng ta vẫn quan niệm gia đình là hạt nhân, là tế bào cơ bản của xã hội, tuy nhiên những hành động để thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của gia đình về mọi mặt trong cuộc sống lại chưa được thực hiện nhiều.
"Chúng tôi phối hợp thực hiện Ngày hội Văn hóa gia đình với mong muốn tạo ra không gian để có thể tương tác, gắn kết các thành viên trong gia đình; nơi ông bà, cha mẹ và con cái cùng chia sẻ, kết nối với các tổ chức về giáo dục, xuất bản, khoa học… nhằm đem lại kiến thức hữu ích nhất cho các gia đình", ông Đại chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, diễn giả Tô Chính Nghĩa chia sẻ: Trong quá trình tư vấn cho các cha mẹ làm việc trong các doanh nghiệp, ông nhận thấy các cha mẹ rất muốn chuyển giao tài sản, trí tuệ cho con cái nhưng chưa biết phương thức để thực hiện. Từ đó, ông giới thiệu cuốn sách Thịnh vượng gia tộc - cẩm nang để hướng dẫn các gia đình thực hiện mong muốn đó. Cuốn sách trình bày chi tiết về 6 loại "gia sản": Vốn con người, Vốn di sản, Vốn quan hệ gia đình, Vốn cấu trúc, Vốn xã hội, Vốn tài chính.
Từ việc phân loại và xác định rõ các loại vốn gia sản đã nêu, ông Tô Chính Nghĩa cho rằng, ưu tiên số 1 vẫn là các thành viên trong gia đình. Ông nhấn mạnh cha mẹ nên phát hiện sớm ra năng khiếu của con để định hướng và đầu tư cho tương lai của con. Khi mỗi thành viên trong gia đình tìm được niềm đam mê và nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ để thực hiện đam mê đó, tương lai của con sẽ được mở rộng, và gia đình sẽ nhận được nhiều giá trị tích cực.
Kết thúc chương trình, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - nêu rõ: "Văn hóa gia đình gồm nhiều thành tố, trong đó văn hóa đọc và văn hóa học cũng đóng vai trò quan trọng. Quản trị gia đình tuy là một chủ đề rất mới, nhưng mang tính giá trị thiết thực cho mọi gia đình Việt".