Văn hóa đọc sách tại Trường tiểu học Bình Kiều

Xác định việc phát triển văn hóa đọc sách có ý nghĩa quan trọng giúp các em học sinh hình thành và phát triển kỹ năng tiếp nhận thông tin, tiếp nhận tri thức, nâng cao ý thức tự học, do đó, trong những năm học qua, Trường tiểu học Bình Kiều, xã Bình Kiều (Khoái Châu) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để học sinh có cơ hội được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay, khơi dậy trong các em học sinh niềm đam mê tìm kiếm tri thức, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và tại gia đình.

Đọc sách đã trở thành thói quen của học sinh Trường tiểu học Bình Kiều

Mô hình tủ sách trong lớp học được Trường tiểu học Bình Kiều xây dựng từ năm học 2015 - 2016. Đến nay, 100% số lớp học trong nhà trường đều có tủ sách. Bên cạnh đó, thư viện sách của nhà trường được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng đang duy trì và phát huy hiệu quả. Đến nay, thư viện sách, tủ sách trong lớp học đã trở thành địa điểm quen thuộc của các em học sinh trong nhà trường. Thư viện, tủ sách được nhà trường trang bị nhiều đầu sách và tư liệu phù hợp lứa tuổi học sinh, phong phú về nội dung, kết hợp với các góc hoạt động bổ ích, hấp dẫn học sinh như: Góc trò chơi, góc sáng tạo… Hiện nay, đến với thư viện của nhà trường, các em học sinh được làm quen, đọc và tìm hiểu trên 4 nghìn cuốn sách với đa dạng các thể loại như: Sách tham khảo, truyện cổ tích, thơ… các gian trưng bày sách đều được trang trí đẹp mắt, thân thiện với môi trường nhằm tạo hứng thú đọc cho học sinh. Đến nay, việc tìm đến thư viện sách, tủ sách trong lớp học trong các giờ ra chơi, trước và sau mỗi buổi học đã trở thành thói quen của nhiều học sinh trong nhà trường. Em Nguyễn Thị Mai, học sinh Trường tiểu học Bình Kiều chia sẻ: “Em và các bạn rất thích đến Văn hóa đọc sách tại Trường tiểu học Bình Kiều thư viện, tủ sách để đọc sách sau mỗi tiết học căng thẳng. Ở đó, có rất nhiều quyển sách hay, bổ ích… Đọc sách, giúp em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích như: Làm việc nhà, thân thiện với bạn bè, tôn trọng người lớn tuổi, lễ phép với thầy, cô giáo, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Từ việc chăm đọc sách tại trường học giúp em tạo thói quen đọc sách tại gia đình trong những thời gian rảnh rỗi để em tự hoàn thiện bản thân, hạn chế tiếp xúc với điện thoại, ti vi". Để nâng cao niềm đam mê đọc sách, vào ngày thứ 4 hàng tuần, nhà trường tổ chức cho toàn thể học sinh đọc sách, giao lưu theo từng lớp học dưới tán gốc cây, chân cột cờ… trong khuôn viên nhà trường. Bên cạnh việc tổ chức tiết đọc sách, nhà trường còn thường xuyên tổ chức kết hợp trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa, ngày lễ, kỷ niệm, các sân chơi nhằm khuyến khích niềm đam mê đọc sách của học sinh dưới các hình thức gồm: Kể chuyện, đóng kịch… Đồng thời, nhà trường thường xuyên bổ sung thêm các đầu sách mới phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh, từ việc mua mới, vận động các tổ chức, đoàn thể và phụ huynh học sinh quyên góp, ủng hộ sách cho thư viện, tủ sách lớp học trong nhà trường. Khuyến khích thực hiện xoay vòng tủ sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều đầu sách hơn. Cô giáo Đào Phương Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Kiều cho biết: Đọc sách là phương pháp để các em học sinh tự học tập, rèn luyện đạo đức. Vì vậy, để nâng cao tinh thần tự giác đọc sách, thời gian qua, nhà trường triển khai nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo, phát huy vai trò của thư viện, tủ sách lớp học, từ đó, niềm đam mê đọc sách được nhân rộng và mang lại hiệu quả tích cực đối với các em học sinh và cộng đồng. Bên cạnh việc tạo địa điểm, tổ chức các chương trình đưa các em đến với niềm đam mê đọc sách, nhà trường xác định “giáo dục bắt đầu từ gia đình”, đây là một trong những nguồn tạo cảm hứng học tập đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng đối với các em học sinh, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học. Vì vậy, thời gian qua, nhà trường đã phối hợp cùng phụ huynh học sinh chung tay trong việc tạo niềm đam mê và thói quen đọc sách cho học sinh. Từ việc đọc sách cùng người thân ở nhà, các em học sinh đã mang đến lớp học những câu chuyện, suy tư thú vị, thổi một luồng không khí mới mẻ, hấp dẫn trong các tiết học tại trường. Điều này không chỉ tạo điều kiện để các em đổi mới tư duy, nâng cao kiến thức mà còn giúp các em học sinh hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đồ chơi bạo lực.

Minh Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202211/van-hoa-doc-sach-tai-truong-tieu-hoc-binh-kieu-6583b2f/