Văn hóa fandom - Hành động đẹp mang đến hình ảnh đẹp

Thường bị nhìn với ánh mắt tiêu cực, các cộng đồng người hâm mộ (fandom) đang dần có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực thông qua những hoạt động ý nghĩa, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp. Đây là một hình ảnh đẹp của văn hóa fandom cần được khuyến khích phát triển.

Đẹp cùng thần tượng

“Đặt thần tượng trước mắt để noi gương, ôm Tổ quốc vào lòng mà yêu thương. Cộng đồng người hâm mộ BTS tại Việt Nam, bên cạnh hâm mộ chính là hai chữ Việt Nam” là dòng chia sẻ trên blog Not a tasteless ratatouille với hơn 135.000 thành viên do một người hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS lập ra. Và vào trung tuần tháng 9, các fandom BTS ở Việt Nam đã quyên góp được hơn 866 triệu đồng ủng hộ đồng bào đang phải gánh chịu hậu quả thiên tai.

 Người hâm mộ ca sĩ Isaac tại chương trình Anh trai say hi. Ảnh: VieChannel

Người hâm mộ ca sĩ Isaac tại chương trình Anh trai say hi. Ảnh: VieChannel

Cùng lúc đó, hàng loạt fandom khác cũng chung tay để san sẻ khó khăn, phần nào khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Fandom của nhóm nhạc EXO (Hàn Quốc) góp hơn 213 triệu đồng; fandom của Super Junior (Hàn Quốc) sau 2 đợt kêu gọi đã quyên góp được trên 100 triệu đồng; LILIES - fandom của ca sĩ Lisa (thành viên nhóm nhạc Black Pink) cũng đã quyên góp được 40 triệu đồng…

Nhiều fandom của các nghệ sĩ Việt cũng không đứng ngoài cuộc. Sky, cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Sơn Tùng, ủng hộ tổng số tiền 236 triệu đồng. FC Hồ Văn Cường cũng ủng hộ hơn 375 triệu đồng. Cộng đồng hâm mộ Soobin Hoàng Sơn cũng ủng hộ vài trăm triệu đồng.

Đây không phải lần đầu các fandom có những hoạt động tích cực như vậy. Cách nay mấy năm, cộng đồng fan của Super Junior từng quyên góp hơn 260 triệu đồng ủng hộ miền Tây chống hạn mặn, 165 triệu đồng chung tay phòng chống Covid-19. Cộng đồng fan BTS cũng từng quyên góp hơn 630 triệu đồng cứu trợ đồng bào chịu ảnh hưởng bão lũ tại miền Trung vào năm 2020, hay đóng góp hơn 115 triệu đồng vào quỹ mua vaccine Covid-19.

Cộng đồng fan Hanbin (tên thật Ngô Ngọc Hưng) - chàng trai quê Yên Bái tham gia trong nhóm nhạc Tempest (Hàn Quốc) từng tổ chức xây nhà cho học sinh mồ côi, ủng hộ tiền phẫu thuật cho trẻ em hở hàm ếch, trồng 1.000 cây xanh ở vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa)...

Tại sự kiện khởi động chương trình Vết sẹo cuộc đời lần thứ 11, ca sĩ Jun Phạm xúc động chia sẻ, sau tiết mục Nếu một mai tôi bay lên trời ở chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai người hâm mộ đã quyên góp tiền để thực hiện được 47 ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho các em nhỏ. Số tiền không được tiết lộ chi tiết, nhưng lên đến hàng tỷ đồng.

“Yêu” sao cho đẹp?

Fandom được xem là một thuật ngữ mới, mở rộng hơn của những khái niệm câu lạc bộ, nhóm hâm mộ (fanclub, fanbase) trước đây. Khái niệm fandom không chỉ được áp dụng cho lĩnh vực giải trí, mà có thể mở rộng ra các lĩnh vực: thể thao, ẩm thực, truyện tranh…

Sau một thời gian đầu để lại nhiều điều tiếng tiêu cực từ các hành vi hâm mộ thái quá, thời gian gần đây, các fandom tại Việt Nam đã dần đi vào hoạt động bài bản. Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ thần tượng như “cày view” (tăng lượt xem cho MV) mỗi khi thần tượng ra sản phẩm âm nhạc mới, thực hiện chiến dịch bình chọn, mua vị trí treo baner, màn hình led quảng cáo…, các fandom còn tổ chức các hoạt động từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng, vừa để quảng bá hình ảnh, vừa chung tay đóng góp cho cộng đồng. Đây được xem là một nét độc đáo của văn hóa fan Việt mà ít nơi nào có được.

Tuy nhiên, do chủ yếu mang tính tự phát, việc thành lập và điều hành do chính người hâm mộ đảm nhận, đã dẫn đến một số phát sinh: thiếu minh bạch về tài chính, nội bộ bất hòa, xung đột giữa các fandom... Như vừa qua, hiện tượng “phông bạt” tiền từ thiện của một số fandom đã gây nhiều hệ lụy xấu cho các cộng đồng này.

Để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, các fandom cũng đang dần trở nên chuyên nghiệp, chỉn chu hơn. Như fandom của nhóm nhạc BTS đã đưa ra 10 quy định rõ ràng, gồm: không gây tranh cãi, không đăng tải nội dung tiêu cực, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, không phân biệt đối xử...

Để các fandom hoạt động hiệu quả và bền vững, sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty quản lý, nghệ sĩ và chính bản thân các fan là vô cùng cần thiết. Các nghệ sĩ luôn mong muốn xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.

Và các fandom văn minh, bài bản sẽ góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện hình ảnh đó. Ngược lại, các hoạt động thiếu minh bạch và những xung đột nội bộ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của thần tượng mà còn làm giảm đi sức mạnh của cộng đồng fan, gây ấn tượng xấu trong con mắt của mọi người.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hoa-fandom-hanh-dong-dep-mang-den-hinh-anh-dep-post762448.html