Văn hóa gia đình từ góc nhìn điện ảnh
Hình ảnh người phụ nữ bị bạo lực được tái hiện trên màn ảnh nhỏ không còn là một điều xa lạ. Thế nhưng, ở mỗi gia đình khác nhau, ở mỗi góc nhìn khác nhau lại là một câu chuyện khác nhau.
Câu chuyện từ đời thực
“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện có thật được đạo diễn Lê Đại Dương chuyển thể thành phim. Bộ phim là cuộc đời của Hạnh – người không chỉ chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng mà còn dành cả đời để hy sinh vì hạnh phúc gia đình.
Đạo diễn cho biết, “Tổ ấm nhìn trên cao” không phải là bộ phim hư cấu, đó là câu chuyện có thật của một phụ nữ sống ở ngoại ô Hà Nội. Qua diễn xuất của diễn viên Nguyệt Nguyễn trong vai Hạnh, cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam được tái hiện một cách rõ nét. Đó không chỉ là những đòn roi “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà đó còn là sự tra tấn dã man thường xuyên cả về thể xác lẫn tinh thần của một người phụ nữ.
Vốn là một người hết mực yêu thương Hạnh, song chỉ ngay hôm đầu tiên lấy nhau, Phong (do diễn viên Xuân Thịnh đóng) đã tỏ rõ bản chất là một người chồng côn đồ. Với quan niệm: “Chồng chúa, vợ tôi, con cái là người phục dịch”, Phong bỏ bê công việc, chìm đắm trong rượu chè, cờ bạc và luôn tìm cớ hành hạ vợ con. Hơn thế nữa, Phong còn dẫn cả bồ bịch về nhà và bắt Hạnh chăm sóc.
Mặc dù ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của chồng, thế nhưng vì lễ tiết của người phụ nữ và vì lo sợ sự mất mặt cho gia đình nên Hạnh đã âm thầm chịu đựng cuộc sống bị bạo hành. Với hy vọng có thể mang lại một tương lai sáng ngời cho con gái, cô luôn cố gắng làm lụng và hết lòng bao dung chồng. Ngay cả khi Phong mang con gái đi gán nợ Hạnh vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau khổ do chính chồng gây ra.
Nếu như ở những bộ phim khác, tính chất bạo hành gia đình chỉ xuất hiện ở một vài phân đoạn. Thì “Tổ ấm nhìn trên cao” là bộ phim đầu tiên lột tả chân thực vấn nạn này. Bộ phim không né tránh những đau đớn của người phụ nữ mà được dựng nên bởi những chất liệu rất thực, rất đời của cuộc sống.
“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện có thật được đạo diễn Lê Đại Dương chuyển thể thành phim. Bộ phim là cuộc đời của Hạnh – người không chỉ chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng mà còn dành cả đời để hy sinh vì hạnh phúc gia đình.
Biên tập Nguyễn Đắc Tới chia sẻ: “Tôi nghĩ, chúng tôi không lấy nước mắt của người xem bằng những cảnh bạo lực, mà chúng tôi muốn diễn tả sự chân thực của cuộc sống, những mảnh đời bất hạnh ngay trong tổ ấm của mình. Tôi tin rằng sự chân thật ấy sẽ chạm đến trái tim của khán giả và có được niềm cảm thông từ khán giả dành cho nhân vật.
Khi đọc kịch bản, tôi có cảm giác nhân vật Hạnh bị đè nén đến mức như sẵn sàng bùng nổ trước một người chồng bạo lực mất hết tính người như Phong. Chuyện phim phần lớn là những lớp lang chồng chéo, chưa hết mâu thuẫn này lại sang mâu thuẫn khác, để rồi khán giả tự thấy rằng những mâu thuẫn ấy đã được âm thầm giải quyết bởi tình thương của Hạnh. Đó là sự chân thực mà tôi tin sẽ luôn hấp dẫn khán giả”.
Bi kịch đến từ cách hành xử trong gia đình
Nếu như nhân vật Khải trong phim “Về nhà đi con” của đạo diễn Danh Dũng bị liệt vào “danh sách đen” của các bà vợ. Thì Phong trong phim “Tổ ấm nhìn trên cao” – một người chồng cùng với tính cách đó lại mang đến cho người xem một cảm xúc hoàn toàn khác biệt.
Vào vai Phong, diễn viên Xuân Thịnh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ tôi đọc một kịch bản nào đau, đau đến tột cùng như vậy. Một nỗi đau kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác. Một nỗi đau mà gần như đọc hết kịch bản tôi vẫn không tìm thấy lối thoát nào cho các nhân vật chính của bộ phim”. Anh cho rằng, trong thời buổi hiện nay luôn có những phụ nữ vùng lên để đòi quyền được sống, quyền tự do, bình đẳng. Thế nhưng, trong tất cả phụ nữ vẫn còn nhiều người vợ, người mẹ như Hạnh – một người phụ nữ rất Việt Nam nhưng hạnh phúc lại không hề ưu ái.
Mặc dù không phải là bộ phim mẹ chồng - nàng dâu, thế nhưng “Tổ ấm nhìn trên cao” lại phản ánh rõ nét mối quan hệ này. Với tính cách độc đoán, cay nghiệt của bà mẹ chồng đã đẩy cuộc đời của nhân vật chính vào hết bế tắc này đến bế tắc khác. Với thất vọng không có cháu trai, nhân vật mẹ chồng luôn tìm cách đổ mọi tội lỗi lên Hạnh - con dâu của mình. Câu nói huyền thoại của bà: “Giờ chị lại đổ tội cho con trai tôi cơ đấy” là một minh chứng cho việc bênh vực con trai một cách mù quáng. Bà tin rằng mọi nguồn cơn tội lỗi đều bắt nguồn từ người phụ nữ mà ra. Vì thế, dù là cháu ruột, nhưng Thủy cũng luôn bị bà nội hắt hủi.
Diễn viên Lê Hà, người đóng vai mẹ chồng khắc nghiệt cho biết, “Để hóa thân thành mẹ chồng Hạnh tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Dù có thể người xem sẽ ghét bỏ tôi trong vai mẹ chồng Hạnh. Nhưng nếu tôi không dám hy sinh vì nghệ thuật, thì giá trị nhân văn của bộ phim sẽ không được truyền tải”.
Điều đáng nói rằng, bản thân bà là một người phụ nữ, thế nhưng toàn cảnh bộ phim không có lấy một cảnh bà bảo vệ con dâu hoặc chí ít là rủ lòng thương đối với đứa cháu gái bị chính bố mình đem đi bán. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở việc hắt hủi bà còn coi rẻ thân phận của người phụ nữ trong gia đình. Đây là nguồn cơn gián tiếp tạo nên mọi bi kịch cho cuộc đời của Hạnh.
Nhóm biên kịch của bộ phim Tổ ấm nhìn trên cao chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ rằng trong thời buổi hiện nay không còn những bà mẹ chồng như thế. Nhưng sự thật ở ngay ngoại ô thủ đô Hà Nội vẫn còn một bà mẹ chồng như thế. Người ta không nhìn thấy không có nghĩa là không có chuyện đó.
Cũng giống như xã hội luôn vận động theo chiều hướng tiến lên nhưng cái xấu vẫn tồn tại. Vì thế để bảo vệ và giải phóng những người phụ nữ bị bạo hành, dựa trên câu chuyện có thật chúng tôi cố gắng khắc họa từng nhân vật một cách rõ nét nhất. Đặc biệt sự hiện diện của bà mẹ chồng góp một phần quan trọng cho sự thành công của phim”.
Diễn viên Lê Hà, người đóng vai mẹ chồng khắc nghiệt cho biết, “Để hóa thân thành mẹ chồng Hạnh tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Dù có thể người xem sẽ ghét bỏ tôi trong vai mẹ chồng Hạnh. Nhưng nếu tôi không dám hy sinh vì nghệ thuật, thì giá trị nhân văn của bộ phim sẽ không được truyền tải”.
Bên cạnh việc tập trung khắc họa nhân vật chính, Tổ ấm nhìn trên cao cũng không quên khắc họa nhân vật phụ của mình một cách độc đáo và tài ba. Điển hình là nhân vật Khải (diễn viên Lâm Hoàng đóng) – người được xem như một “Khải nựng”. Chỉ ngay lần đầu tiên gặp Hạnh đi mua đồng nát, Khải đã nảy sinh ý định sàm sỡ và chiếm đoạt cô. Song, sự việc không thành, Khải năm lần, bảy lượt tìm kế phá hoại gia đình cô. “Chỉ khi người nghệ sĩ lột tả được chân thực khi ấy, nghệ sĩ mới góp phần bài trừ được cái xấu. Tôi hy vọng thông điệp của bộ phim sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả. Bởi đây là một bộ phim hết sức ý nghĩa và nhân văn” – diễn viên Lâm Hoàng đóng vai Khải chia sẻ.
Bằng những thước phim “đậm đặc” mùi bạo hành, Hạnh hiện ra như một người phụ nữ rất Việt và để lại nỗi day dứt, ám ảnh trong lòng người xem. Bộ phim cũng là lời khẳng định về giá trị về văn hóa ứng xử trong gia đình, trong đó quyền bình đẳng phải được đặt ở vị trí tối thượng mới có thể chấm dứt được bi kịch.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-hoa-gia-dinh-tu-goc-nhin-dien-anh-100646.html