Văn hóa giao thông là cốt lõi đảm bảo an toàn giao thông
Đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ và quá trình thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thu được những kết quả khả quan khi người tham gia giao thông tuân thủ luật lệ tốt hơn, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo hơn trước. Nhưng, một thực tế là khi hết đợt kiểm soát, ý thức chấp hành dường như cũng chùng xuống.
Điều đó cho thấy, việc tuân thủ luật lệ giao thông của một bộ phận người dân không hoàn toàn do ý thức tự giác chấp hành, mà chỉ là sự đối phó với cơ quan cảnh sát giao thông. Do vậy, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì văn hóa tham gia giao thông của mỗi người dân mới là vấn đề cốt lõi.
Đây cũng chính là chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng” do Báo Công an nhân dân tổ chức hôm qua, ngày 12-6.
Vi phạm trật tự giao thông vẫn gia tăng
“Không phóng nhanh, vượt ẩu”, “Đi bộ và sang đường đúng nơi quy định”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi môtô, xe gắn máy”... là những khẩu hiệu xuất hiện từ lâu và đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều thế hệ. Điều đó cho thấy, văn hóa giao thông (VHGT) không phải là vấn đề mới nảy sinh mà đã được đề cập từ lâu và luôn mang tính thời sự.
Theo ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, VHGT được coi là quá trình người dân tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Muốn xây dựng VHGT, phải xây dựng hệ thống pháp luật. Tham dự buổi tọa đàm, Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cũng cho rằng, để bảo đảm trật tự ATGT, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật thì một vấn đề rất quan trọng là phải hình thành được VHGT, mỗi người dân thực sự tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT.
Thực tế là trong nhiều thập niên qua, xu hướng sử dụng phương tiện của người dân đã thay đổi, từ đi xe đạp, tới xe máy, ôtô và phương tiện công cộng. VHGT cũng đã thay đổi theo các xu hướng cơ giới hóa phương tiện đi lại, sự xuất hiện và chiếm ưu thế của đường cao tốc cùng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tham gia giao thông. Tương xứng với các xu hướng này, ý thức tham gia giao thông đáng lẽ ngày phải được nâng cao thì hằng ngày hằng giờ vẫn có nhiều người vi phạm luật lệ giao thông, gây ra những hậu quả nghiệm trọng và gây nhức nhối trong xã hội.
Tình trạng vừa điều khiển xe máy, vừa sử dụng điện thoại di động, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Khi xảy ra va chạm giao thông, tài xế thậm chí dừng xe ngay giữa đường để tranh cãi nhau xem ai đúng ai sai. Dường như thói quen "nhờn" với những quy định của luật giao thông đã tồn tại cố hữu trong con người họ.
Vì vậy, mặc dù lực lượng CSGT đã cố gắng để làm hết trách nhiệm, mức phạt khá nặng và nghiêm khắc song tình trạng vi phạm trật tự ATGT vẫn có chiều hướng gia tăng. Một vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng các đối tượng vi phạm luật lệ giao thông có hành vi chống đối người thi hành công vụ một cách trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Gần đây trên mạng xuất hiện clip một chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) khi đang làm nhiệm vụ đã bị đối tượng điều khiển ô tô cố tình chống đối, đâm trực diện vào chiến sĩ và kéo lê hàng trăm mét. Đây chỉ là một trong những trường hợp nguy hiểm CSGT gặp phải khi đang làm nhiệm vụ.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT (Bộ Công an) thì đây là vấn đề không mới và diễn ra ngày một phức tạp. Hành vi chống đối người thi hành công vụ khi tham gia giao thông không chỉ được coi là sự thiếu văn hóa mà còn là sự bất tuân pháp luật cần phải được trừng trị nghiêm minh. Những người thực hiện hành vi này không chỉ đối mặt với tội chống người thi hành công vụ mà thậm chí còn đối mặt với tội danh giết người. Vì từ ngày 17-10-2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 6-11-2018 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.
Nhìn vào thực tế hiện nay, các chế tài xử lý chưa đồng bộ và chưa đủ răn đe. Ví dụ, ở Qatar, ô tô có thể đi lại trong thành phố với vận tốc lên đến 100km/h nhưng chỉ cần vượt đèn đỏ hoặc đi sai làn đường thì người vi phạm sẽ bị phạt lên đến hàng chục ngàn USD nên không ai dám vi phạm. Ở Việt Nam, mức phạt hiện vẫn còn thấp.
Hành lang pháp lý để hình thành văn hóa giao thông
Xây dựng VHGT đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm TNGT. Để hình thành nếp VHGT cần có hành lang pháp lý. Căn cứ Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội năm 2008 ban hành Luật Giao thông đường bộ. Đầu năm 2020, Bộ Công an trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm bảo trật tự ATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.
Luật Bảo đảm bảo trật tự ATGT đường bộ hướng tới mục đích xây dựng môi trường giao thông văn minh ở Việt Nam, kéo giảm TNGT. Xây dựng luật theo xu hướng chuyên sâu hóa nhằm tách 2 lĩnh vực: Một là trật tự ATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội). Hai là xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật). Luật sẽ có phạm vi điều chỉnh 2 nhóm vấn đề: an toàn, lưu thông thông suốt và trật tự ATGT, tham gia giao thông có nề nếp.
Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng việc xử lý vụ việc vi phạm giao thông ở mỗi nơi, mỗi vụ còn khác nhau. Nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự nhưng người vi phạm “xoay xở” để chỉ bị xử lí hành chính. Không những thế, nhiều ý kiến chỉ ra rằng VHGT ở Việt Nam chưa cao không chỉ xuất phát từ ý thức người dân mà còn liên quan đến các chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ, hoặc sự quản lý giám sát trong ATGT đường bộ.
Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý người được cấp giấy phép lái xe vẫn tồn tại một số bất cập. Do vậy Dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có bao quát, khắc phục được tình trạng trên không?
Thay đổi nhận thức bắt đầu từ đâu?
Rõ ràng, các dự luật được sửa đổi và ban hành đều nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nhưng từ ý thức đến hình thành văn hóa là một câu chuyện dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Vậy, để thay đổi nhận thức phải bắt đầu từ đâu?
Đầu tiên, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Tuyên truyền phải đi đôi với xử phạt nghiêm các vi phạm giao thông. Tham gia buổi giao lưu trực tuyến, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho rằng trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển rộng rãi, nguồn tin độc hại có thể tác động đến người dân bất cứ lúc nào thì cần phải tuyên truyền sâu sát, kĩ càng qua các phương tiện truyền thông chính thống, đánh vào những điều gần gũi, sát sườn với người dân.
Ví dụ ở Hà Lan, một em nhỏ khi thấy hành vi vi phạm giao thông hoàn toàn có thể báo cảnh sát. Ở Nhật Bản và một số quốc gia khác, việc tuyên truyền giáo dục luật giao thông được đưa vào trường học, trở thành một môn học bắt buộc. Ở Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong nhà trường giúp trẻ nhỏ hình thành nét VHGT ngay từ khi còn nhỏ.
Thứ 2, là việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông để giảm thiểu rủi ro cho người điều khiển phương tiện. Tại Thụy Điển, chính phủ đã xây dựng lộ trình “zero visison”, theo đó nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông để giảm thiểu rủi ro cho người điều khiển phương tiện. Còn ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng giao thông đang từng bước được xây dựng đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý, xử phạt vi phạm giao thông. Có như vậy mới thay đổi tư duy giao thông của người dân từ hàng ngang theo kiểu “điền vào chỗ trống” sang tư duy hàng dọc.
Thứ 3, để nâng cao VHGT cũng cần nâng cao văn hóa ứng xử của CSGT. Cần có kĩ năng ứng xử vừa kiên quyết vừa khôn khéo để giải quyết tốt các tình huống vi phạm. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn về văn hóa ứng xử và giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ CSGT, hình thành kỹ năng ứng xử cơ bản, phù hợp đạt được mục tiêu, yêu cầu công tác của CSGT.
Định lượng văn hóa là rất khó, vì còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, thời điểm cụ thể, thế. Định lượng VHGT còn khó hơn, khi luật pháp vẫn đang “đương đầu” với ý thức. Nhưng, chúng ta vẫn cần có những chế tài cần thiết, mạnh mẽ, đủ sức răn đe để những quy định có thể thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Trên lộ trình dài hơi nhằm biến việc tuân thủ pháp luật trở thành VHGT của người dân Việt Nam, cần sự chung tay của các cơ quản quản lý nhà nước và người dân để tạo nên một sự đồng thuận trong xã hội.
Trong 1 tháng (từ ngày 15-5 đến 14-6), CSGT toàn quốc ra quân triển khai nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT. Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT (Bộ Công an), cho đến thời điểm hiện tại, khi đợt ra quân đã diễn ra được 26 ngày, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý 357.975 phương tiện vi phạm trật tự ATGT; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23.979 trường hợp; tạm giữ 55.111 phương tiện các loại. Trong đó, nổi lên các hành vi vi phạm chủ yếu về tốc độ gần 30.000 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm hơn 64.000 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông gần 11.000 trường hợp.
Đặc biệt, việc giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa cũng được phát hiện, xử lý hơn 44.000 trường hợp. Phát hiện xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; tính trung bình 1 ngày gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý.