Văn hóa giao thông trên đường cao tốc: Không phải ai cũng 'nằm lòng'

Nhật Bản đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nền kinh tế bùng nổ giúp cho sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông cũng tăng theo cấp số nhân và trở thành xương sống của nền kinh tế. Thế nhưng, sự gia tăng chóng mặt các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc đã khiến nước Nhật phải suy nghĩ.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật là nước có hạ tầng giao thông khá lạc hậu. Với đa phần diện tích đất nước là đồi núi, lại hay xảy ra động đất nên đường xá tại đây vốn khá nhỏ, hẹp và có tốc độ lưu thông thấp. Sự bùng nổ kinh tế thập niên 70 đã là cơ hội lớn để Nhật Bản thay đổi toàn diện bộ mặt hạ tầng giao thông. Cùng với đường xá, số xe hơi tại Nhật cũng tăng đột biến nhờ vào thu nhập tăng cao của người dân và sự thịnh vượng của các hãng xe giá rẻ Nhật Bản. Thế nhưng, sự kém thích nghi của người dân Nhật với hệ thống đường cao tốc hết sức hiện đại vào thời điểm đó đã khiến cho Nhật Bản là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) cao hàng đầu thế giới. Bất kể sự hoàn thiện của hệ thống tín hiệu, biển báo và luật giao thông, số người chết vì TNGT vẫn không giảm trong nhiều năm buộc chính phủ Nhật Bản phải thay đổi cách tiếp cận.

Văn hóa và quy tắc giao thông trở thành một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục Nhật Bản ngay từ cấp mẫu giáo. Họ ý thức được rằng, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu là do người tham gia giao thông chưa biết cách ứng xử sao cho đúng và an toàn với những con đường có tốc độ lưu thông nhanh gấp đôi so với các tuyến quốc lộ cũ. Kết quả là, cho tới năm 2008, Nhật Bản là nước có số người chết vì TNGT thấp nhất thế giới. Trong đó, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông do người nước ngoài gây ra.

Ở Việt Nam, sự phát triển hạ tầng đường cao tốc những năm gần đây rất ấn tượng, con số km đường cao tốc cứ liên tục dài ra theo mỗi năm theo tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng giống như Nhật Bản giai đoạn đang phát triển, số vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc cũng tăng dần đều theo thời gian, bất chấp những nỗ lực hiện đại hóa của các đơn vị quản lý đường cao tốc. Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta có thể rút ra một số quy tắc căn bản khi tham gia cao tốc như sau:

Tôn trọng làn vượt (passing lane)

Đường cao tốc tiêu chuẩn luôn có từ 2 làn xe trở lên. Khác với lái xe trong phố, nơi bạn có thể dễ dàng chuyển làn hoặc di bất kỳ làn xe nào mình "thích" thì đường cao tốc có quy ước chừa lại làn xe ngoài cùng bên trái chỉ để sử dụng làm làn vượt xe khác. Có nghĩa là mọi xe di chuyển chỉ đi trên các làn xe còn lại, các xe khi có nhu cầu vượt xe phía trước chỉ việc bật đèn tín hiệu, quan sát gương chiếu hậu rồi sang làn ngoài cùng để vượt qua. Sau đó lại trở về làn cũ của mình để không "làm phiền" xe khác. Quy ước này giúp hạn chế tối đa việc gây xáo trộn về sự ổn định tốc độ hành trình của đa số xe đang lưu thông đồng tốc.

Ở Việt Nam, CSGT thường đặt camera bắn tốc độ đối với mọi làn xe. Điều này khác với các nước có hệ thống cao tốc tiên tiến là họ chỉ bắn tốc độ ở các làn xe chạy, không bắn ở làn vượt. Họ cho rằng, làn vượt là để vượt nên việc quá tốc độ tối đa cho phép khi vượt là cần thiết, nhằm đảm bảo quãng thời gian xe vượt đi song song xe bị vượt là ngắn nhất. Các xe đi quá tốc độ trên làn ngoài cùng mà không nhằm mục đích vượt sẽ bị cảnh sát "hỏi thăm" ngay khi kết thúc đường cao tốc.

Tôn trọng tốc độ theo làn (lane speed)

Mặc dù mọi đường cao tốc đều có giới hạn tối đa và tối thiểu về tốc độ cho từng làn, nhưng điều đó là chưa đủ để đảm bảo an toàn, bởi khoảng cách về tốc độ trong giới hạn này vẫn là quá lớn, tiềm ẩn nhiều khả năng va chạm với những xe không đồng tốc. Nhật Bản và các nước châu Âu đều có quy ước chung về việc đi vào làn phù hợp với tốc độ của mình, kể cả khi làn đó đông hơn các làn còn lại. Việc đồng tốc trên cùng một làn xe giúp cho lưu thông luôn ổn định và hiếm khi xảy ra va chạm giữa các xe. Điều này chưa hề thấy ở Việt Nam khi các xe luôn có xu hướng đi kiểu "điền vào chỗ trống".

Làn xe ngoài cùng bên phải đối với những cao tốc có từ 3 làn xe trở lên luôn là làn có tốc độ thấp nhất. Lái xe luôn phải chú ý mọi tình huống xe đi trước có thể giảm tốc hoặc dừng lại bất ngờ. Điều này có ích với các tình huống đột ngột có xe nhập làn từ đường nhánh hoặc trạm dừng nghỉ.

Nguyên tắc nhập làn (enter lanes)

Khác với quốc lộ thông thường, nơi thường có đường giao cắt vuông góc với trục đường chính, đường cao tốc bắt buộc phải có làn tăng tốc. Đoạn đường này thường kéo dài khoảng hơn 100m trước khi có vạch đứt để xe nhập vào làn ngoài cùng bên phải, đủ để lái xe tăng tốc tới tốc độ tối thiểu theo quy định của đường cao tốc.

Ở Việt Nam, hiếm thấy lái xe chú ý đến điều này, đa số là bật xi nhan rồi đi từ từ sang làn ngoài cùng mà không hề quan tâm tới việc đè vạch liền khi sang làn. Nguy cơ xảy ra tai nạn ở thời điểm này rất cao và thường là rất thảm khốc.

Tôn trọng làn khẩn cấp (emergency lane)

Luật Giao thông đường bộ quy định, tác dụng của làn này là dừng khẩn cấp, dành cho các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Bên cạnh đó, những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể đi vào như cứu hỏa, cứu thương, công an...

Tuy nhiên, trên đường cao tốc của Việt Nam, làn khẩn cấp thường bị các lái xe chiếm dụng vô tội vạ khi thấy các làn xe khác đã kín xe chạy. Điều này dẫn tới việc các xe ưu tiên theo luật không còn làn ưu tiên để đi khi xảy ra tình huống cứu hộ phía trước. Đã có vụ một người bị đột quỵ tử vong trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do xe cấp cứu không thể tiếp cận được hiện trường khi đường tắc và các lái xe khác đã chiếm hết làn đường khẩn cấp.

Chú ý biển báo và sử dụng phần mềm dẫn đường (highway signs & navigation software)

Các vụ xe đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc ở Việt Nam không hề hiếm và có xu hướng gia tăng. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm mà nổi bật nhất là vụ xe Inova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dẫn tới cái chết thương tâm của 5 người và bản án tù gây nhiều tranh cãi của lái xe container Lê Ngọc Hoàng. Tại Nhật Bản và châu Âu, hành vi này có thể bị tước bằng lái vĩnh viễn hoặc xử lý hình sự nếu xảy ra tai nạn. Còn ở Việt Nam, dường như mức phạt hành chính là chưa đủ để răn đe đối với các lái xe cố ý tạo ra tình huống chết người như vậy.

Không giống như quốc lộ, nơi các lái xe có thể dễ dàng quay đầu xe nếu trót đi quá lối rẽ tại điểm kết thúc dải phân cách gần nhất, đường cao tốc thường sẽ phải mất thêm hàng chục km đi tiếp, phải ra rồi vào lại trạm thu phí để có thể quay lại điểm rẽ bị đi quá trên đường. Điều này khiến các lái xe dễ dàng tặc lưỡi bỏ qua sự nguy hiểm khi đi ngược chiều cao tốc.

Theo quy chuẩn quốc tế, đường cao tốc tại Việt Nam đều được trang bị hệ thống biển báo tiêu chuẩn có kích thước lớn và dễ quan sát. Lái xe trên cao tốc luôn phải chú ý mọi chỉ dẫn của biển báo để giảm tốc và chuyển làn khi gần tới điểm rẽ bởi với tốc độ hành trình lên tới 120km/h, sẽ là quá muộn khi lái xe trực tiếp nhìn thấy lối rẽ trước mặt.

Hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam đang ngày càng được hiện đại hóa với các đường dẫn ra và nhập làn rất phức tạp và cực kỳ khó phân biệt bằng mắt thường. Việc sử dụng các phần mềm dẫn đường trên điện thoại hoặc trên xe là rất cần thiết để các lái xe không bị nhầm đường. Các phần mềm dẫn đường ngày nay với dữ liệu data cực kỳ phong phú cho phép dẫn chúng ta đi tới chính xác điểm đến chỉ bằng cách nhập địa chỉ trước hành trình. Có thể kể đến các phần mềm phổ biến như: HERE map; Google Maps; VOV bản đồ giao thông; Sygic GPS Navigation & Maps; Waze - GPS; Maps & Traffic... Các phần mềm này đều dễ dàng cài đặt (hoặc mặc định) trên điện thoại thông minh và đều có khả năng nhận lệnh bằng tiếng Việt thông qua giọng nói hay bàn phím. Đây là người bạn đường đáng tin cậy với lái xe, đặc biệt ở những địa phương mà lái xe chưa từng đặt chân tới.

Quy tắc giao thông xây dựng từ nền tảng văn hóa giao thông

Ở Thái Lan và Malaysia, những nước Đông Nam Á có hạ tầng giao thông cao tốc khá phát triển, mật độ xe lưu thông trên cao tốc luôn cao hơn rất nhiều tại Việt Nam, nhưng số vụ tai nạn giao thông lại khá thấp. Điều này có được bởi các nước bạn từ lâu đã tự xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa giao thông tốt - nơi các lái xe luôn tôn trọng tuyệt đối các quy tắc giao thông cao tốc đi cùng với thái độ ứng xử chuẩn mực với nhau trên xa lộ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục và nhận thức lâu dài mà các nước này đã tiếp nhận từ Nhật Bản và châu Âu ngay từ khi bắt đầu phát triển hạ tầng cao tốc - những huyết mạch xương sống của kinh tế quốc gia. Hy vọng Việt Nam cũng sẽ làm được như vậy!./.

Sóng Việt/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/van-hoa-giao-thong-tren-duong-cao-toc-khong-phai-ai-cung-nam-long-post914714.vov