Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

PTĐT - Kết quả nổi bật qua 4 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào 'Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020' trên địa bàn tỉnh ...

Lực lượng CSGT đường thủy tuyên truyền, hướng dẫn người dân mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

Lực lượng CSGT đường thủy tuyên truyền, hướng dẫn người dân mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

PTĐT - Kết quả nổi bật qua 4 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh chính là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông được thiết lập và duy trì.

Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”
Phú Thọ có 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà, cùng hai sông nhánh gồm sông Bứa, sông Chảy. Đặc biệt tuyến sông Lô, nơi có lưu lượng vận tải lớn với nhiều chủng loại phương tiện vận tải thủy khác nhau, đồng thời cũng là tuyến có nhiều bến thủy nội địa và bến khách ngang sông. Với mạng lưới giao thông đường thủy nhiều, trong thời điểm mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, cộng với tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô vẫn có những diễn biến phức tạp; việc khai thác cát, sỏi trái phép gây biến đổi dòng chảy, sạt lở đất ven sông, ảnh hưởng đến luồng lạch, hệ thống báo hiệu giao thông, cùng với đó là việc các phương tiện khai thác cát sỏi đỗ đậu không đúng nơi quy định, lấn luồng, thì khả năng xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất cao.Thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Quang Thanh khẳng định: Một trong những kết quả nổi bật sau 4 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước là đã xây dựng và triển khai có hiệu quả nhiều cuộc vận động, chương trình hành động. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động của 21 mô hình như: “Đoàn tầu văn hóa, an toàn”; “Cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông văn hóa, an toàn”; “Cơ quan, đơn vị chức năng đảm bảo trật tự ATGT đường thủy”; “Đi học qua sông an toàn”; “Làng chài lưới đánh cá, cụm liên kết nuôi cá lồng văn hóa, an toàn”… Quá trình xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy an toàn” được các địa phương lồng ghép, kết hợp với việc thực hiện các phong trào thi đua của các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT”; phong trào “Toàn dân đảm bảo an ninh Tổ quốc”… nên đã phát huy được hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân; góp phần tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT, TTATXH trên tuyến đường thủy nội địa.Xử lý nghiêm phương tiện vi phạm
Là một trong những lực lượng chủ chốt tham gia đảm bảo ATGT trên các tuyến sông, 9 tháng đầu năm 2019 Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã cử cán bộ tới các bến đò ngang tuyên truyền đến hơn 8.300 lượt người qua sông các quy định về ATGT đường thủy; tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đối với các chủ phương tiện thủy, chủ bến cát, bến phà, bến đò chở khách ngang sông. Đi đôi với công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát đường thủy Phú Thọ đã tiến hành cấp trên 100 áo phao cho 2 bến phà, bến đò trọng điểm có đông học sinh qua lại là bến đò Vĩnh Chân và bến đò Mai Tùng (huyện Hạ Hòa); tăng cường kiểm tra các bến, bãi, các tuyến đê xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời… Do đó, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đã được cải thiện rõ rệt.

Đại diện Ban ATGT tỉnh và Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 1 kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường thủy và phương án dẫn luồng đảm bảo ATGT đường thủy mùa mưa bão khu vực cụm cầu Hạc Trì - Việt Trì.

Đại diện Ban ATGT tỉnh và Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 1 kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường thủy và phương án dẫn luồng đảm bảo ATGT đường thủy mùa mưa bão khu vực cụm cầu Hạc Trì - Việt Trì.

Xác định công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT là biện pháp quan trọng có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản, xử lý gần 4.000 trường hợp vi phạm với số tiền thu nộp ngân sách hơn 7,1 tỷ đồng; tạm giữ 105 trường hợp vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hàng hóa; tạm đình chỉ hoạt động 71 bến thủy không có giấy phép và giấy phép hết thời hạn hoạt động; đình chỉ hoạt động 10 phương tiện do không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cũng thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, thăm nắm tình hình, lực lượng chức năng đã kiến nghị với các ngành đường thủy nội địa cắm bổ xung 43 báo hiệu dẫn luồng ở những điểm có chướng ngại vật, luồng khan cạn, luồng hẹp. Phối hợp với Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số I khống chế đảm bảo an toàn việc thi công cầu Việt Trì - Ba Vì và điều tiết phân luồng giao thông tại cụm cầu Việt Trì - Hạc Trì, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông, đảm bảo giao thông thông suốt, kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy. Đặc biệt, để tăng cường công tác đảm bảo ANTT trên các tuyến đường thủy thuộc địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy thành lập các tổ, chốt công tác tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động trên các tuyến sông; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy… hoạt động trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh. Kết quả trên góp phần giữ vững ổn định ANTT, lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông, không để hình thành điểm nóng về ANTT và hoạt động theo kiểu xã hội đen, góp phần quan trọng đảm bảo thiết lập và duy trì bình yên sông nước trên các tuyến sông, ngòi, đầm, hồ địa bàn toàn tỉnh.Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các cảng, bến và phương tiện hoạt động trên tuyến sông Hồng và sông Lô, ông Nguyễn Đức Minh - Phó trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tại Phú Thọ cho biết: Cảng vụ đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cảng, bến, phương tiện quan tâm đến công tác an toàn, yêu cầu các chủ phương tiện trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ. Phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động các phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu điều động.Không buông lỏng quản lý
Theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Quang Thanh: Tai nạn giao thông đường thủy ít khi xảy ra, nhưng khi xảy ra hậu quả thường nghiêm trọng, việc khắc phục hậu quả vô cùng khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, nếu lực lượng chức năng không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn thì nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy luôn thường trực.Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, tăng cường công tác đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực trật tự ATGT đường thủy, không được lơ là trong kiểm tra, xử lý phương tiện và khả năng vận hành của hệ thống báo hiệu dẫn luồng. Các lực lượng chức năng như: TTGT, CSGT, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tại Phú Thọ chủ động, phối hợp chặt chẽ với các địa phương Công ty quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lũ bão, cứu hộ, cứu nạn cũng luôn phải được chú trọng. Các lực lượng chức năng, các địa phương ven sông và Công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 1 phải chủ động đảm bảo lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.Tuy nhiên, trên thực tế, một số người dân vẫn còn chủ quan, chưa tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, để đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, các ngành, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường thủy nội địa gắn với cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tập trung tuyên truyền về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cũng như các Nghị định về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường thủy nội địa. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện quyết liệt, kịp thời; chế tài xử phạt phải đủ mạnh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra, góp phần đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201909/van-hoa-giao-thong-voi-binh-yen-song-nuoc-166834