Văn hóa Hồ Chí Minh - Sức mạnh vượt thời gian:'Hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam' trong mắt bạn bè quốc tế

Sinh thời, dù chỉ tự nhận mình là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được thế giới vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các bạn quốc tế dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ trong công viên Montreau, Paris, Pháp tháng 5-2024. Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các bạn quốc tế dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ trong công viên Montreau, Paris, Pháp tháng 5-2024. Ảnh: Tuấn Anh

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với các dân tộc, các nền văn minh khác nhau. Sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại đã mang đến cho Người một thế giới quan toàn diện, độc đáo.

Trong mắt bạn bè thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam”. Nhắc đến Việt Nam cũng chính là nhắc đến Người, và ngược lại. Người là một nhân vật lịch sử được yêu thích khắp năm châu, không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Bởi vậy, Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nội dung Nghị quyết có đoạn: "Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau".

Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm và đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp "bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người".

Theo bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO giai đoạn 2009 - 2017, Nghị quyết này đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “biểu tượng kiệt xuất về sự khẳng định dân tộc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh quả thực là một nhà nhân văn và trí thức - một nhà thơ, một nhà báo và một nhà giáo, nhận thức sâu sắc về sức mạnh của giáo dục đối với quyền tự quyết của dân tộc cũng như trao quyền cho mỗi cá nhân”.

Nhiều học giả trên thế giới cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được thừa nhận là nhà văn hóa lớn vì trước hết Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập tự do cho các dân tộc bị bóc lột, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người. Đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Với Người, xây dựng nền văn hóa không chỉ là quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị".

Cảm nhận về chiều sâu văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhà thơ Xô viết tiêu biểu Osip Emilyevich Mandelstam mô tả tỉ mỉ sau cuộc gặp Người vào năm 1923. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới là một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc. Osip Emilyevich Mandelstam đã thấy ở Bác một thứ văn hóa của tương lai, một chất văn hóa Hồ Chí Minh (“phong thái thanh cao”, “giọng nói trầm ấm”) tỏa ra như một thứ hào quang khiến “chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Thế giới đã thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lớn, nhà lý luận mà còn thấy ở Người một mẫu mực của con người phát triển toàn diện, con người nói văn hóa và thực hành văn hóa. Sự nghiệp và phong cách văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những dòng chủ lưu đã và đang hòa mình vào dòng chảy của văn hóa thời đại.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-hoa-ho-chi-minh-suc-manh-vuot-thoi-gian-hinh-anh-thu-nho-cua-dat-nuoc-viet-nam-trong-mat-ban-be-quoc-te-666754.html