Văn hóa là nguồn mạch phát triển đất nước bền vững
Trải qua nhiều thời kỳ, tinh thần của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo sự chuyển động, thay đổi của văn hóa Việt Nam để phát triển ngày càng bền vững
Ngày 22-2, tại TP Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức họp báo tuyên truyền các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam". Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì họp báo.
Văn hóa đặt ngang hàng chính trị, kinh tế
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, hoạt động trọng tâm nổi bật là hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" do Bộ VH-TT-DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 27-2 tại TP Hà Nội. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự kiến có khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp.
Hội thảo đề cập 2 nội dung chính là "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam" và "Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới". Nội dung của 2 phiên sẽ tập trung vào những vấn đề thực tiễn và cấp thiết của xã hội hiện nay. Cụ thể, làm thế nào để tìm ra giải pháp mang tính liên ngành, phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội; những giải pháp về hợp tác công - tư, ưu đãi cho nghệ sĩ, tạo sự dịch chuyển sáng tạo trong chuỗi phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chủ đề hội thảo chứa đựng khát vọng không chỉ của người làm công tác văn hóa mà còn là tâm huyết của giới trí thức, nghệ sĩ, giới trẻ. Đến nay, ban tổ chức đã nhận được 154 tham luận của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh 80 năm trước, lần đầu tiên Đảng ta đã ban hành bản đề cương mang tính cương lĩnh, xác định nền tảng phát triển của văn hóa Việt Nam, với nền tảng lý luận chặt chẽ, hệ thống và các nguyên tắc hành động. Đề cương đã tạo ra sự đột phá cho văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thời kỳ, tinh thần của bản đề cương đã tạo sự chuyển động, thay đổi của văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
"Ngày nay, khi đối diện với nhiều cơ hội, tiềm năng, với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể…, một lần nữa văn hóa được khẳng định vai trò của một mặt trận, ngang hàng với chính trị, kinh tế và trở thành nguồn mạch để phát triển đất nước bền vững hơn. Bảo tồn các giá trị văn hóa qua các sản phẩm, phát huy nội lực và sức mạnh của văn hóa Việt Nam trở thành sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể quốc gia" - PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.
Khơi dậy khát vọng yêu nước
Bộ phim tài liệu "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam" là một trong những điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) của Bộ VH-TT-DL, do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.
Với khối lượng hình ảnh, tư liệu đồ sộ, phim tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" cũng như quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh chia sẻ tinh thần mà bộ phim hướng tới là biến văn hóa thành một lực lượng để khơi dậy tinh thần, khát vọng yêu nước. Nó dựa trên nền tảng câu chuyện Đề cương văn hóa của Đảng, có cả tính thống nhất, nhất quán của Đảng trong việc đưa ra những mục tiêu cho phát triển văn hóa, đất nước trong 2 giai đoạn chiến tranh và hòa bình.
Giới thiệu nhiều bộ phim về đất nước, về Bác Hồ
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết tuần phim kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" diễn ra trên toàn quốc từ ngày 25-2 đến 3-3. Tuần phim giới thiệu những bộ phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình có đề tài, chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam. Các phim truyện điện ảnh gồm: "Bình minh đỏ", "Cơn giông", "Phượng cháy", "Nhà tiên tri". Phim tài liệu được chọn gồm: "Hồ Chí Minh, Năm 1946", "Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh, Năm 1946 - phần 2)", "Văn hóa soi đường quốc dân đi", "Chầu văn - âm hưởng linh thiêng và 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam". Ở thể loại phim hoạt hình có "Kỳ tích đầm Dạ Trạch" và "Đôi cánh kim cương".