Văn hóa - Nghệ thuật Người Nhật trải nghiệm văn hóa Huế

TTH - Huế đã hấp dẫn những người bạn quốc tế bởi vẻ êm đềm, trầm lắng của thành phố bên dòng sông Hương, bởi con người dễ thương, thân thiện và bởi những nét văn hóa đặc sắc đậm chất cổ kính.

Check-in tại cổng Hòa Bình

Check-in tại cổng Hòa Bình

Hấp dẫn bởi văn hóa Huế

Vào những ngày giao mùa, tôi có dịp theo chân đoàn sinh viên đến từ Trường đại học Seika (Kyoto, Nhật Bản) trong chuyến giao lưu giữa Trường đại học Seika và Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Dịp này, các bạn sinh viên đến từ nước Nhật đã có dịp trải nghiệm ẩm thực, văn hóa của mảnh đất thần kinh.

Buổi sáng đầu tiên ở Huế, những người bạn đến từ phương xa đặt chân ghé thăm nhà vườn An Hiên. Lối vào nhà vườn là một cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa. Dọc theo lối đi là hai dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng. Bên trái là hồ nước hình chữ nhật được bao phủ hoàn toàn bởi hoa súng và hoa sen. Những người bạn Nhật không khỏi trầm trồ, thích thú trước khung cảnh nên thơ, yên bình và cũng không kém phần cổ kính của nhà vườn với những họa tiết, hoa văn được chạm khắc tinh tế. Vốn là một sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, Sana Koyama tỏ ra khá am hiểu về kiến trúc nhà vườn.

“Tôi đã tìm hiểu và biết rằng nhà vườn là một loại hình kiến trúc đặc trưng của xứ Huế, nó vừa có dáng vẻ quý tộc lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Tuy đã xem rất nhiều hình ảnh trên mạng internet nhưng tôi vẫn cảm thấy rất thích thú và ấn tượng bởi kiến trúc nhà vườn Huế”, Sana chia sẻ. Cô liên tục thốt lên “tuyệt quá” bằng tiếng Nhật.

Trải nghiệm chèo sup tại phá Tam Giang

Trải nghiệm chèo sup tại phá Tam Giang

Buổi chiều, các bạn được trải nghiệm du thuyền, chèo sup, chơi những trò chơi team building cũng như thưởng thức ẩm thực tại làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Sự thân thiện, hòa đồng của các bạn sinh viên Việt Nam khiến Misaki và các bạn người Nhật vơi bớt đi cảm giác bỡ ngỡ. Mặc dù có những bất đồng về ngôn ngữ khi không phải ai cũng nói tốt tiếng Anh, nhưng bằng ngôn ngữ cơ thể cùng trợ giúp của “chị Google”, nhóm sinh viên của hai trường vẫn giao lưu một cách rất thoải mái. “Tôi rất ấn tượng về ẩm thực Huế. Nước mắm của các bạn rất ngon, mặc dù người Nhật chúng tôi không ăn cay như người Huế, nhưng hương vị đậm đà ấy rất thích hợp với những món hải sản, đặc biệt là mực”, Tatsuya Imizu, nam sinh viên của Trường đại học Seika cho biết.

Sau ngày trải nghiệm đầu tiên, các bạn sinh viên từ hai trường được chia thành những nhóm nhỏ để thực hiện khảo sát, tìm hiểu và lên ý tưởng phát triển tuyến phố đi bộ Hoàng thành trong vòng ba ngày. Các bạn sinh viên Nhật Bản đã có dịp tham quan phố đi bộ Hoàng thành về đêm cũng như được vào thăm Đại Nội. Lần đầu được đến Đại Nội, Sana choáng ngợp bởi vẻ đẹp tráng lệ và nét kiến trúc độc đáo của nơi đây. Với kiến trúc “nhà kép”, nghĩa là nhà nối liền nhà, mái nối liền mái, sử dụng gỗ lim để xây dựng, mái điện, cột điện, tường… đều được điêu khắc hình rồng uốn lượn, điện Thái Hòa hiện lên với vẻ uy nghiêm, là nơi diễn ra các buổi thượng triều giữa vua và triều thần. Và không thể không nhắc đến cung Trường Sanh, cung Diên Thọ hay vườn Cơ Hạ và các kiến trúc khác.

Ban ngày mang nét đẹp cổ kính, còn khi màn đêm buông xuống, Đại Nội hiện lên với vẻ lung linh, huyền ảo khiến Sana thích thú vô cùng. Cô nữ sinh được mở mang tầm mắt khi đến thăm Kinh thành Huế. Tham quan trong Đại Nội, cô và các bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đi thăm và nghe thuyết minh từ các hướng dẫn viên đã giúp Sana cùng các bạn hình dung ra cuộc sống của vua chúa Việt Nam ngày xưa, hiểu về cách mà người xưa làm việc, bảo vệ quốc gia, cũng như biết thêm quan niệm của người xưa về thiên nhiên và con người.

Đến Huế vào thời điểm giao mùa, những người bạn đến từ Nhật cũng được trải nghiệm “đặc sản” mưa Huế. “Những ngày trời nắng, Huế hiện lên là một thành phố năng động, không quá nhộn nhịp như TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng mang dáng dấp hiện đại. Tuy vậy, khi trời mưa, Huế lại mang vẻ thâm trầm, qua làn mưa, những bức tường thành, những lăng đài một thời uy vệ càng rêu phong quá đỗi. Mưa cũng cho Huế một gam màu trầm lạnh, trầm vang từ những phố nhỏ, những ngôi nhà thấp, những hàng cây lặng lẽ, và những bước chân người cũng lặng lẽ. Được chứng kiến cảnh vật và con người nơi đây thay đổi theo thời tiết thật sự là một điều rất lý thú với sinh viên nghệ thuật, kiến trúc chúng tôi”, Tatsuya phấn khích.

Những kỷ niệm đẹp

Trong những ngày lưu lại mảnh đất Cố đô, những bạn sinh viên Nhật cảm nhận được sự thân thiện, vui tươi của các bạn sinh viên Việt Nam. “Các bạn đưa chúng tôi đi thăm các danh lam thắng cảnh như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng tôi nhớ nhất lần đầu được ăn món chè Huế. Vốn là người thích đồ ngọt nên khi được các bạn dẫn đi ăn chè, tôi đã bị hấp dẫn bởi những nồi chè đầy màu sắc tại một gánh hàng rong ở gần Đại Nội. Hôm ấy, thứ chè bột lọc thịt quay được giới thiệu là đặc sản chỉ Huế mới có đã khiến tôi phải thốt lên: ngon tuyệt. Vị ngọt của nước đường, chút mặn của thịt quay và dai dai của bột bánh khiến tôi nhớ mãi”, Sana bộc bạch.

Ngày chia tay nhau, các bạn sinh viên Huế đến sân bay tiễn những người bạn ngoại quốc. Họ trao cho nhau những món quà, tranh thủ kết bạn trên mạng xã hội để vẫn có thể theo dõi nhau. “Chuyến đi này với tôi thật sự ý nghĩa, không chỉ hiểu biết thêm về văn hóa, con người của đất nước các bạn mà chúng tôi cũng có thêm những người bạn, mặc dù không dùng chung ngôn ngữ nhưng lại cùng một đam mê về mỹ thuật, kiến trúc và hội họa. Tôi sẽ còn trở lại Việt Nam để thăm các bạn”, Tatsuya nói rồi chia tay chúng tôi để bước vào sân bay cùng nụ cười tươi thắm.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nguoi-nhat-trai-nghiem-van-hoa-hue-a118897.html