Văn hóa - Nghệ thuật Sớm mai hoa hồng nở

Dậy muộn nên vừa mở cửa tôi vội vã “quét” mắt ngay vào giá để giày, kiếm đôi giày kiểu dáng hợp với bộ trang phục hàng hiệu. Tối qua, tôi có một trận bia bọt tơi bời với mấy thằng bạn ở tỉnh khác, trước cùng lớp đại học với tôi, dễ chừng cả chục năm rồi, kể từ khi tốt nghiệp ra trường, giờ mới gặp. Bạn tôi đứa nào cũng thành đạt, sung túc, vợ đẹp con xinh. Tôi cũng chẳng kém cạnh gì khi sở hữu vẻ bề ngoài cao ráo, bảnh bao; làm chủ doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, tiền bạc lúc nào cũng rủng rẻng. Chỉ cái khoản vợ con, tôi chưa từng nghĩ đến, mặc dù cha mẹ vô cùng sốt ruột, giục giã.

Nghe bảo lấy vợ có nghĩa tự đeo gông vào cổ. Chẳng ông chồng nào có thể bù khú “mút mùa lệ thủy” bên ngoài mà không bị vợ cằn nhằn, réo điện thoại liên tục để tra vấn đang ở đâu, làm gì; mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia khi chồng không phụ dỗ con hoặc phơi tã lót. Nghe bảo, hôn nhân là mồ chôn tình yêu. Mới nghĩ đến đã hãi, nên tôi cứ thoải mái yêu đương mà chưa bao giờ xác định mối quan hệ nghiêm túc. Tôi vẫn “còn xoan”, mới 32 tuổi, vội gì sớm đeo gông vào cổ. Đến với một cô gái nào đó, bao giờ cũng phủ đầu, rằng tôi theo chủ nghĩa độc thân, không lập gia đình. Nghe vậy, có cô rời đi ngay. Nhưng nhiều cô vẫn chấp nhận yêu đương. Có thể biết rõ ý đồ của tôi nhưng tự tin sẽ có ngày họ khiến tôi “nghiện” và sẽ phải thay đổi thái độ. Tự tin là có căn cứ. Bởi các cô bạn gái của tôi, cô nào cũng xinh tươi, gia cảnh thuộc loại “môn đăng hộ đối”, công việc ổn định, quần áo giày dép sang chảnh. Công bằng mà nói, trước vẻ xinh tươi của các cô bạn gái, tôi thích, đôi khi chếch choáng, nhưng vẫn chưa hình dung ra cô gái nào sẽ là bến đỗ, níu chân tôi dừng lại. Nên đến bây giờ, tôi vẫn là gã lông bông.

“Mẹ ơi xem này! Cây hoa hồng nhà bác hàng xóm thêm một bông vừa mới nở đẹp lắm kìa. Hôm nay nữa là có 3 bông hồng. Mẹ bảo mỗi bông hoa là một nụ cười. Như vậy trên cây nhà bác hàng xóm có tận 3 nụ cười luôn đó mẹ” - giọng trong trẻo, cách ví von dễ thương và điệp khúc “bác hàng xóm” của cậu nhóc từ khoảng sân bên kia, khiến tôi bất chợt ngước lên cây hồng leo trồng trong chiếc chậu trắng, bên thềm nhà, là món quà tân gia của một người bạn thời phổ thông.

Căn nhà của tôi vốn là nhà tập thể, cấp bốn, tường chung với các nhà khác, vỏn vẹn 70 mét vuông, bề ngang chỉ 3 mét 8. Đây là nơi cha tôi được cơ quan phân cho, sau này được Nhà nước hóa giá. Mẹ tôi kinh doanh. Kinh tế ngày càng phát đạt, gia đình tôi đã mua đất chỗ khác, rộng rãi, xây nhà 3 tầng. Nhưng vẫn giữ lại căn nhà này, bởi cha mẹ nói rằng vị trí đất “phát”, mang đến cho gia chủ thuận lợi trong làm ăn, suôn sẻ, may mắn trong cuộc sống. Năm ngoái, cha mẹ quyết định phá bỏ căn nhà cũ, xây mới trên gần hết diện tích đất, giao cho tôi ở.

Khi tặng cây hoa hồng, bạn nói: “Nhà cậu chẳng thiếu thứ gì. Tiền cũng chẳng thiếu. Hiên nhà cậu chật, một bên đã xây kín để ngăn khói than tổ ong từ nhà hàng xóm bán cơm hến. Chỉ còn góc bên này thoáng đãng, đủ nắng đủ mưa. Tôi mua chậu, lựa giống hồng leo - loài hoa hồng dễ sống, dễ chăm nhất. Tôi cũng trồng luôn vào chậu. Nhưng sau này, cậu phải tự mình chăm sóc. Mỗi ngày tự tay tưới tắm, chờ đợi, thì khi một sớm mai nào đó mở cửa, một bông hồng hé nụ sẽ khiến cậu hạnh phúc đến nhường nào”.

Nhưng tôi xen lẫn trong bận rộn việc kinh doanh, là những cuộc rượu bia để ngoại giao, mở rộng, xây dựng quan hệ làm ăn, bù khú với bạn bè và bận rộn chiều chuộng những cô bạn gái. Để không phụ tâm ý của bạn, tôi thuê hẳn dịch vụ chăm sóc hoa, định kỳ ghé đến theo dõi sự sinh trưởng, bón phân, phòng rầy. Còn việc tưới nước hàng ngày đã có chị giúp việc nhà đảm nhiệm. Đi sớm về muộn, thường xuyên có những buổi sáng vội vã như hôm nay, sau những đêm rượu bia bét nhè, hầu như tôi chẳng đủ thời gian đứng lại bên cây hoa hồng để chầm chậm ngắm nghía. Đôi khi ngạc nhiên trước những bông hồng đã nở bung tự lúc nào, tôi thấy mình thật có lỗi.

Đáp lại sự ngộ nghĩnh của cậu bé là giọng cười vui vẻ. “Con nói đúng. Con trai ngoan sáng nay ở nhà học bài thật tốt nhé”. Người phụ nữ trẻ thơm cái chụt vào má thằng bé, rồi dắt chiếc xe máy ra cổng. Hình như cũng đang vội, cô gái với đôi mắt đen tròn, mái tóc dài mềm mại ngang lưng thoáng chốc đã hòa trong dòng người ngược xuôi đầu hẻm.

Căn nhà chung tường kế bên, chính chủ đã bán. Người mua chưa có ý định ở, nên cho người ta thuê. Tôi cũng chẳng để ý mấy, chỉ biết đã hai hoặc ba lần có người dọn đến, rồi lại dọn đi. Nhà cấp 4 còn nguyện trạng chưa hề sửa chữa, với những bức tường và khoảng sân phía trước tróc lở. Vậy nên thường là những gia đình đang thi công xây dựng nhà, cần một chỗ ở tạm, đến thuê trong vòng vài tháng. Mẹ con chú nhóc chắc cũng mới chuyển đến làm hàng xóm với tôi chưa bao lâu. Bây giờ tôi mới để ý, những tróc lở trên các bức tường và sân đã được “vá” lại; tường quét vôi mới khiến ngôi nhà tinh tươm. Trên khoảng sân lâu nay trơ trọi, nay những chậu cây cảnh và những thùng xốp trồng rau được sắp đặt, tạo thành cảnh quan dịu mát.

“Cảm ơn bác” - nụ cười trong ánh mắt và trên cái miệng xinh xẻo của chú nhóc rõ ràng là đang hướng về phía tôi, dành cho tôi. “Vì điều gì vậy nhóc”? “Dạ, con không phải là nhóc. Con tên Nhân. Tên ở nhà của con là Bắp”. Vừa bật cười trước sự lém lỉnh, chú nhóc lại khiến tôi bất ngờ: “Hoa hồng nhà bác đẹp thật á. Mỗi lúc ngắm, mẹ con thường bảo, chúng ta phải biết ơn vì hoa hồng đã nở. Mỗi bông hoa là một nụ cười. Nụ cười bao giờ cũng mang lại những điều vui vẻ, phấn chấn cho bản thân và những người xung quanh. Vậy nên chúng ta cần phải cảm ơn người vun trồng, chăm bón để có những bông hoa đẹp như thế”.

Hơi xấu hổ trước sự bày tỏ của chú nhóc, tôi chuyển hướng: “Bắp nè, sao nhà chỉ có hai mẹ con vậy. Ba của Bắp đâu”? Chú nhóc cười, bảo là chỉ có mẹ thôi. Trước, nhóc ở cùng nhiều bạn nhỏ khác trong mái ấm của nhà chùa. Mẹ Thủy là hộ sinh ở bệnh viện. Ngoài giờ làm, mẹ Thủy thường đến giúp các sư cô chăm sóc bọn trẻ. Thế rồi mẹ Thủy đưa nhóc về nhà nuôi. Bác chủ nhà trọ mà hai mẹ con ở lúc trước xây lại nhà, nên mẹ Thủy đưa nhóc đến đây ở. “Mẹ Thủy bảo, nơi mình ở là nơi mình gắn bó, nên phải vun vén, chăm sóc. Mẹ Thủy bảo, vì Bắp là chàng trai, nên mẹ Thủy sẽ chỉ, để Bắp biết cách vun vén, chăm sóc người khác”.

À thì ra, cô láng giềng là một cô gái giàu có và dũng cảm. Phải thật giàu lòng nhân hậu, ấm áp, bản lĩnh mới tự tin nuôi dạy tốt đứa trẻ mồ côi, không ruột rà máu mủ. Tôi bỗng thấy đôi mắt đen tròn cùng mái tóc dài ngang lưng mềm mại của cô gái ấy thật đẹp. Chú nhóc híp mắt cười, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Con ở đây nhiều ngày rồi mà giờ mới được nói chuyện với bác á. Mẹ Thủy bảo, chắc chắn bác là người bận rộn vì có nhiều việc quan trọng cần giải quyết. Việc quan trọng chắc chắn là việc tốt, bác há”. Câu nói và vẻ mặt của chú nhóc khiến tôi bật cười.

Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi lên mạng tìm kiếm kỹ thuật chăm sóc hoa hồng. Chị giúp việc nhà mắt tròn mắt dẹt, bởi khi chị đến, tôi đã tưới nước cho cây hoa hồng từ sớm, những giọt nước còn đọng lại trên lá, long lanh. Tôi muốn tự mình chăm sóc, mỗi ngày tự tay tưới tắm, chờ đợi, để sớm mai nào đó mở cửa, hạnh phúc khi một bông hồng hé nụ. Tôi cũng muốn vun vén, chăm sóc cho nơi mà mình gắn bó, muốn làm người đàn ông thực thụ, biết vun vén, chăm sóc cho người khác.

Tôi đâm ra rụt rè, phải lấy hết can đảm mới bước qua nhà cô láng giềng. Trên khoảnh sân đầy những tia nắng dịu nhẹ của buổi ban mai, Thủy đang hướng dẫn cách dùng bình xịt nhỏ tưới cho cải con đang nảy mầm trong các thùng xốp; cạnh đó chú nhóc Bắp chăm chú thực hành một cách nghiêm túc. “Cảm ơn em”. “Vì điều gì vậy ạ”? Cô gái ngước mắt nhìn tôi cùng cái miệng cười. Trong đôi mắt cũng là nụ cười khiến trái tim tôi đập rộn ràng. Không biết nói thế nào, tôi ấp úng: “Là bởi, em có cậu con trai thật dễ thương”…

QUỲNH ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/som-mai-hoa-hong-no-a116406.html