Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Chuyện của Vĩnh

Nắng chiều tắt từ lâu, Vĩnh mới lặng lẽ từ ngoài đồng trở về. Căn nhà tối om. Anh mò mẫm bật công tắc điện, mấy ngón tay vẫn còn dính bùn quẹt một vệt xam xám lên công tắc. Căn nhà tăm tối thoáng chốc sáng choang. Vĩnh nheo nheo mắt, cái trán chi chít những vết sẹo ngang dọc nhăn tít lại.

Những vết sẹo đó là tai nạn hồi Vĩnh chưa đầy 10 tuổi. Ngày đó, ba Vĩnh trong lúc lên rẫy vô tình nhặt được một quả đạn, có lẽ còn sót lại từ hồi chiến tranh. Nghĩ quả đạn nằm trơ trơ giữa trời mưa gió đã bao nhiêu năm, chắc “chẳng việc gì” nên ông liền gánh về nhà, dự định cưa ra lấy thuốc súng đi săn cá, vỏ đạn thì mang bán ve chai. Hôm ông ngồi giữa sân cưa đạn, Vĩnh cũng ngồi chồm hổm một góc xem. Không ngờ đạn phát nổ. Ba chết. Vĩnh cũng bị thương nặng.

Vĩnh đưa tay lên sờ sờ vết sẹo trên trán. Chẳng hiểu sao mỗi lần tâm trạng bực bội, những vết sẹo ấy lại như đang giật giật nhảy nhót. Vĩnh vào chạn bếp rót nước uống. Cái ấm trống không. Mẹ Vĩnh giờ chắc đang ở nhà hàng xóm đánh bài. Bà lại quên giờ nấu cơm. Vĩnh mệt mỏi ra sau ang nước tắm rửa, rồi vào chạn bếp múc chén cơm nguội còn lại từ trưa, xịt vào đó chút nước tương, ăn qua loa cho xong bữa.

Vĩnh nhớ lại chuyện xảy ra lúc trưa, khi bà Căn nhắc đến chuyện yêu đương của con trai. Tiếng bà vẫn cứ ong ong trong lỗ tai Vĩnh suốt cả buổi chiều. “Mày ưng đứa nào ở cái làng này, tau đều đi cưới. Con Lành thì không được. Không phải tau ghét nó, mà tau không thể ngồi sui với ba nó. Mày không thấy vết sẹo vẫn còn rành rành trên trán mẹ mày hay sao”.

Vết sẹo đó là do một lần giữa bà Căn và ông Hùng xảy ra xung đột khi tranh chấp ranh giới thửa đất trên đồi. Ông Hùng hôm đó đi ăn giỗ về, người đã có chút chuýnh choáng vì hơi men. Lúc nói chuyện đất đai với bà Căn, hai bên bỗng dưng xảy ra xung đột. “Tại mẹ bây cứ sấn sổ đến, nên tau mới đưa tay đẩy một cái. Không ngờ, bà va trán vào cạnh bàn chảy máu”, ông Hùng sau này phân bua với Vĩnh.

***

Lành hẹn Vĩnh nơi triền sông trước nhà. Trăng 16 tròn vành vạnh treo lơ lửng trên bầu trời, cỏ cây như được tưới tắm, trở nên dịu ngọt vô cùng. Buổi tối ở quê thật yên tĩnh. “Vĩnh à, chắc tui phải đi Sài Gòn một thời gian. Vĩnh ở nhà nhớ chạy qua chạy lại nhà tui với nghe. Ba tui già rồi, ông ở một mình tui thấy lo”. Lành nói ngay khi Vĩnh vừa lót dép ngồi xuống bên cạnh. “Khi không sao lại đi. Mà vào trong đó Lành làm gì? Ở ngoài này thiếu gì việc cho Lành làm?”, Vĩnh thảng thốt. “Tại Lành không muốn tiếp tục sống vậy nữa. Lành thấy mệt rồi”. Giọng Lành ỉu xìu như cơn gió đêm nhè nhẹ lướt qua người, nhưng vẫn khiến Vĩnh thảng thốt. “Lành kiên nhẫn chút. Tui sẽ thuyết phục được mẹ mà”. Dù hứa chắc như đinh đóng cột, nhưng chỉ có trong lòng Vĩnh biết, mông lung lắm.

Vĩnh và Lành quen nhau đến nay đã 5 năm. Tuổi của Lành, ở cái quê này ai cũng đã có con bế, con bồng. Cả làng chỉ còn lại mình Lành là chưa cưới. Không phải Lành sốt ruột chuyện cưới xin. Nhưng việc yêu đương bị cấm cản từ năm này qua năm khác cũng khiến Lành dần dần thấy mệt. Lành muốn buông xuôi. Nếu đã không đến được với nhau, thì chỉ có cách chia tay. Nhưng Lành không thể hết thương Vĩnh khi ngày ngày vẫn gặp Vĩnh ngoài đồng, hay trên đường xóm, hay lúc đi ăn cưới ăn hỏi trong làng. Lành nghĩ, hay mình đi xa đi. Đi xa một vài năm, tình cảm sâu đậm mấy chắc cũng sẽ dần nhạt nhòa. Chứ yêu nhau mà lén lén, lút lút mãi cũng mệt. Lành thấy mệt.

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong 5 năm chính thức hẹn hò, Vĩnh và Lành ra về trong không vui. Ai cũng mang trong lòng một bầu tâm sự. Vĩnh nghĩ nát óc vẫn không nghĩ ra có cách gì khiến bà Căn chấp nhận mối quan hệ của hai người. Vĩnh nhớ, có lần anh bàn với Lành, hay giả vờ Lành đã mang bầu đi. Thế nào mà mẹ Vĩnh chẳng chịu cưới. Nhưng Lành bảo, mẹ Vĩnh nhất định sẽ để đoàn đưa dâu nhà Lành theo lối cửa sau vào nhà. Không phải Lành sĩ diện. Với Lành, đi lối nào mà chẳng được, miễn là được cùng Vĩnh làm vợ chồng. Nhưng còn ba Lành, cả họ nhà Lành nữa, sẽ phải để mặt mũi đi đâu?

***

Mới sáng sớm, ông Hùng đã lật đật chạy sang tìm bà Căn. Mái tóc vốn đã lấm chấm muối tiêu không dưng sáng nay như bạc trắng hẳn. Hai gò má thì nhô cao, mắt như trũng sâu xuống. Vĩnh lật đật đi pha ấm trà. Bà Căn xưa nay luôn ghét ông Hùng ra mặt. Hễ hai người gặp nhau, nói được đôi ba câu thế nào cũng to tiếng. Đương nhiên, lần nào cũng do bà Căn lớn tiếng trước, rồi bỏ đi. Chuyện của người lớn, Vĩnh cũng không rõ lắm. Chỉ biết hồi xưa, mẹ Vĩnh với ông Hùng từng có thời gian yêu nhau, từng tính đến chuyện cưới xin. Chuyện này cả làng ai cũng biết. Nhưng lý do vì sao họ chia tay, chỉ có duy nhất hai người biết.

“Bác có chuyện muốn nói riêng với mẹ con”. Ông Hùng nói với Vĩnh khi anh cầm ấm trà mang vào, rót cho mỗi người một tách. Vĩnh vào sau bếp lấy cây rựa rồi ra sau hè chẻ củi. Dự báo thời tiết nói mấy ngày tới sẽ có mưa, Vĩnh phải tranh thủ chẻ cho xong đống củi rồi gác trên chạn bếp. Như vậy trời có mưa suốt, mẹ Vĩnh cũng không lo thiếu củi nhóm bếp.

Bên trong nhà, ông Hùng nặng nề bưng tách trà lên nhấp một ngụm nhỏ. Nước trà đặc quánh, đắng ngắt tràn vào miệng, sau khi qua vòm họng thì để lại vị ngòn ngọt thanh thanh. Ông hít vào thật sâu hương hoa mộc. Có lẽ khi pha trà, Vĩnh đã nhón vào một ít nụ hoa mộc. Hoặc là hương mộc ở bên hè đang lặng lẽ tỏa hương. Ông Hùng khó nhọc cất tiếng: “Chuyện đã lâu như vậy, không lẽ bà vẫn cứ giận tui mãi?”. “Mắc mớ gì tui phải giận ông?”. Thấy bà Căn trợn trừng mắt, lại như sắp phát hỏa, ông Hùng vội vã xua tay. “Bà thấy đó, chuyện tui với bà ngày xưa bị cấm cản, khổ biết mấy bà cũng biết rồi. Sao bây giờ bà nỡ để tụi nhỏ chịu khổ như mình hồi xưa. Ngày đó tui đi lấy vợ là tui không đúng. Nhưng tui không thể chối bỏ trách nhiệm làm cha được”.

Ông Hùng nhớ lần đó sau khi nói chuyện với ba mẹ bà Căn, ông buồn quá mới rủ đám bạn ra sân bóng của làng để nhậu. Không ngờ trong lần say xỉn đó, ông lại làm chuyện có lỗi với cả hai người con gái. Rồi ông chia tay bà Căn, sau đó thì vội vã cưới mẹ của Lành. Chỉ 4 tháng sau đám cưới, Lành chào đời. Người làng mỗi lần gặp ông Hùng đều đùa, bảo ông may mắn vì kiếm được “giống lúa ngắn ngày”. Mẹ Lành nghe vậy thì xấu hổ dữ lắm, chỉ có ông Hùng lúc nào cũng cười cười. Nhưng cười mà cái mặt buồn hiu.

“Mẹ con Lành mất cũng đã non chục năm rồi. Tui với con Lành lâu giờ đã quen sống gần nhau. Giờ hắn định đi xa mần ăn. Tui nói mà hắn không nghe. Bà nghĩ lại coi, chuyện xưa của tui với bà, liên quan gì đến tụi nhỏ, mà bà cứ bắt tụi nó gánh. Hay bà cứ đổ hết lên đầu tui đi….”. Ông Hùng nói như năn nỉ, như van xin. Sáng hôm đó, ông nói chuyện với bà Căn nhiều lắm. Đến lúc mặt trời lên cao bằng ba con sào ông mới bỏ về. Nhìn bóng lưng ông Hùng bước ra khỏi cửa, bà Căn lặng lẽ thở dài. Đúng là chuyện xưa thật rồi.

***

Mấy ngày sau đó, Vĩnh thấy bà Căn lặng lẽ hẳn. Bà lụi cụi làm cái này, làm cái kia, nhưng ít nói, ít cười hơn mọi bữa. Vĩnh thấy lo lo. Chưa kịp tìm hiểu nguyên do thì một tối, bà Căn kêu Vĩnh đến rồi bảo: “Bây cũng lớn tuổi rồi. Thôi thì, bây thích cưới ai thì cưới. Bây nói tau, để tau kiếm mấy trái cau, mấy ngọn trầu qua nhà người ta nói chuyện”. Vĩnh ngơ ngẩn: “Ai cũng được hết hả mẹ?”. “Vậy chứ bây còn muốn cưới ai nữa?”. Bà Căn hỏi lại rồi bỏ xuống bếp, vừa đi vừa tủm tỉm cười.

Vĩnh bước vội ra sân. Trăng chỉ vừa mới nhú ra khỏi đỉnh núi trước mặt, đỏ ối. Đêm ở quê tĩnh lặng quá, nhưng chẳng hiểu sao trong lòng Vĩnh lại cứ rộn ràng.

HẠ TUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/chuyen-cua-vinh-a74543.html