Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Nguyễn Quí - danh y thời Lãn Ông đang còn 'lưu lạc'
TTH - Tên tuổi ông nếu không vì lẽ gì đó mà bị 'đứt gãy', biết đâu xứ sở ta cũng sẽ nhờ thế mà có thêm nhiều phương thuốc quý, nhiều cách chữa bệnh cứu người hay được lưu giữ, trao truyền...
Sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (1768-1839), phần viết về y học có ghi: “Nước ta về đời Lê có 2 ông danh y: Một là Lê Lãn Ông người làng Liêu Xá, ngụ cư ở Nghệ An, chúa Trịnh Tĩnh Vương thường đón về kinh đô để chữa bệnh. Ông có làm ra bộ sách Lãn Ông toàn tập, Mộng trung giác và bộ sách Chẩn đậu chuẩn thẳng, học lực thâm thúy, nghị luận xác đáng… Hai là quan Thị Trà, người Xuân Dục, tên Nguyễn Quí, trước là chân giám sinh, tri huyện Tiên Minh. Ông học được y thuật chính truyền, án mạch rất tinh, chữa bệnh rất thần hiệu…”
Lê Lãn Ông mà tác giả Phạm Đình Hổ nhắc ở đây chính là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người được tôn xưng là Việt Nam Y tổ. Tên ông đã được đặt cho nhiều con phố ở nhiều địa phương, thành phố, trường học… trong cả nước. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990. Nói tóm lại, hễ nhắc đến Hải Thượng Lãn Ông thì rất nhiều người nghe danh. Song, người cùng thời với Lãn Ông, cũng là người “án mạch rất tinh, chữa bệnh rất thần hiệu” có tên Nguyễn Quí mà Phạm Đình Hổ nhắc tới thì lại rất hiếm người biết.
Xin cùng đọc đôi dòng về quan Thị Trà Nguyễn Quí được Phạm Đình Hổ ghi lại trong “Vũ trung tùy bút”:
“…Ông (Nguyễn Quí) học được y thuật chính truyền, án mạch rất tinh, chữa bệnh rất thần hiệu, đời Trịnh Tĩnh Vương thăng cho làm Tham nghị xứ An - Quảng. Ta thấy không ông lên lão bảy mươi, có dán câu đối rằng: “Nhân dục vô nhai, nhân khởi năng vi thiên tính giả; Thiên dư hữu hạn, thiên quả tất tòng nhân nguyện hồ” nghĩa là: Người lòng dục vô cùng, người trái tính trời sao thể được; Trời phân cho có hạn, trời chiều ý người mãi thế chăng? Lại có câu: “Trí thủy nhân sơn, thích ý nguyện hi quân tử lạc; Thiên niên quốc lộc, tòng tâm nhàn dưỡng thái bình thân”; nghĩa là: Nước trí non nhân, thích ý đua vui cùng bạn khá; Tuổi trời lộc nước, thỏa lòng yên nghỉ cái thân nhàn. Xem thế thì biết ông là người nhàn tản, phong lưu, có khuynh hướng Lão, Trang, tính tình vui vẻ.
Anh họ ta là Phạm Tôn Kiệu, nhân vợ phải chứng sản hậu, đau bụng, huyết thống thành hòn; ông bảo sắc một lạng toàn qui, mài ba đồng nhục quế, uống khỏi liền. Học trò hỏi sao không lập ra thành bài? Ông bảo rằng: Huyết ngộ hàn thì nó đọng lại, gặp nóng thì nó tan ra, chỉ 2 vị là khỏi, cần gì phải lập thành bài.
Anh thứ ta nhân khi vợ mắc bệnh, uống nhầm phải đại hoàng, bụng phát trướng, khát nước, đại tiểu tiện đều bế tắc. Mời ông án mạch, ông bảo không can chi, chỉ cho uống một lạng dương sâm, năm đồng ngưu tất, ba đồng phụ tử, uống xong là tiêu ngay. Nho sinh Nguyễn Viên phải chứng phù thũng, đã phát mê sảng, ông cho uống một thang “phụ tử ly trung”, gia đại hoàng, cho hạ lợi, cũng khỏi liền. Còn như xem mạch cho ông giám sinh Nguyễn Thảng, ông biết rằng sang năm tất phải bệnh to; xem mạch cho anh thứ ta, biết ba năm nữa thì chết; sau quả nhiên đều chết cả. Còn nhiều việc công hiệu nữa, không thể kể xiết được. Xem đó thì biết ông án mạch rất tinh.” (Vũ trung tùy bút; NXB Trẻ - 1989).
Không biết bạn thì sao, còn tôi thì cứ bị những dòng thông tin ấy “ám ảnh” mãi. Phạm Đình Hổ có thể nói là người cùng thời với Lê Hữu Trác và Nguyễn Quí; lúc Lãn Ông Lê Hữu Trác qua đời, tác giả của “Vũ trung tùy bút” đã ngoài tuổi 20. Thầy thuốc đương thời chắc không thiếu, nhưng Phạm Đình Hổ chỉ chọn được 2 người để nhắc, chứng tỏ, tài năng của quan Thị Trà Nguyễn Quí không hề tầm thường. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tuổi tên ông lại không được hậu thế biết nhiều, vở sách cũng ít nhắc tới. Tôi từng tẩn mẩn hỏi dò những người quen làm nghề thuốc, họ lắc đầu. Tra google, tra danh y đất Việt… cũng không thấy nhắc. Thật là đáng tiếc. Tên tuổi ông nếu không vì lẽ gì đó mà bị “đứt gãy”, liên tục được lưu nhắc cùng hậu thế, biết đâu xứ sở ta cũng sẽ nhờ thế mà có thêm nhiều phương thuốc quý, nhiều cách chữa bệnh cứu người hay được lưu giữ, trao truyền...
Viết mấy dòng này ra đây với hy vọng mình không có duyên để may mắn tiếp cận được tài liệu; kiến văn của bản thân cũng như những người từng tham vấn còn hạn chế nên chưa thể thấu biết những gì muốn tìm hiểu. Rồi sẽ có bậc thức giả nào đó đọc được, và công bố cùng bạn đọc nước nhà thêm nhiều thông tin về quan Thị Trà Nguyễn Quí thì thật là niềm hạnh phúc, may mắn không chỉ cho riêng chúng tôi mà cả cho rất nhiều người khác nữa.
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG