Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Tựa cửa nhìn theo

TTH - Bịn rịn mãi rồi bà Huỳnh cũng bán nhà, rời quê lên phố với dâu con, cháu nội. Đó là cuộc ra đi trong nước mắt. Hưng – con trai bà manh nha ý định bán nhà đã lâu; khi cậu nói ra, người mẹ bất ngờ rơi lệ và chối từ đây đẫy. Con thẽ thọt ngọt nhạt theo kiểu mưa dầm, riết rồi mẹ cũng xiêu. Những ngày chờ đợi, bà Huỳnh hay qua nhà tôi, ngồi với mẹ tôi cả buổi liền, chốc chốc lại thở dài với lời buồn rệu rã: 'Tôi sắp xa bà rồi'.

Mẹ tôi bàn lùi: “Còn khỏe thì cứ ở quê, khi yếu hẵng lên với con”. Bà bảo, vẫn muốn thế nhưng thấy dâu con vất vả đi về, không đành; nhìn chúng nhăn nhó bởi đường xa, mưa gió, lại càng áy náy. Đã vậy, mẹ khăng khăng ở quê, khác nào làm khó làm khổ cho con. Mẹ tôi chuyển hướng nhưng vẫn ngầm níu kéo người hàng xóm: “Hay qua nhà con gái ở, ngay đầu xóm cho gần”. Bà bảo, cũng ưng vậy nhưng vợ chồng con trai chẳng chịu vì chúng sợ mang tiếng không chăm lo cho mẹ; lại không muốn đi đi về về giữa phố và quê. Thế là, bà tự ép mình:“Khi chẳng thể trọn vẹn đôi đường thì mình chiều con để chúng khỏi phần lo, bà ạ”.

Là nói thế nhưng hôm Hưng dẫn khách về xem nhà, bà Huỳnh ngẩn ngơ rồi đi xuống góc bếp ngồi bó gối, ủ rũ. Khách mua hỏi tỉ mỉ những thông tin liên quan nhà đất nhưng bà chủ chẳng buồn trả lời, liền gắt: “Bà định bán hay không mà ngó sừng sững thế?”. Bà giật mình, khẽ gật; gượng ngồi nghe con trao đổi với khách; trái với phấn chấn của con là vẻ mặt thất thần, hốt hoảng của mẹ. Hôm dọn đi để giao nhà cho người ta, bà khóc từ nhà ra ngõ; rồi ôm lấy trụ cổng, nhìn mãi ngôi nhà, quyến luyến như chia tay người thân; con nhắc mấy lần mẹ mới ra xe, với những bước chân không muốn nhấc.

Mẹ tôi chép miệng, thở dài: “Tội nghiệp bà cụ quá!”. Xa người hàng xóm gần cả đời gắn bó, ngày ngày thấy nhau qua bờ rào chè tàu cao ngang ngực, mẹ tôi buồn đến ngẩn người, lại nghĩ cho người đi xa. Bà bảo, người già khác nào cây cổ thụ đã bám sâu vào lòng đất và quen cả khoảng trời; nay tỉa cành chặt rễ, bứng đi chỗ khác, không đau thương sao được. Mẹ tôi chẳng lạ nỗi niềm người già xa quê bởi bà từng là người trong cuộc, dù chỉ đôi ngày.

Những khi tôi mời mẹ lên thành phố chơi với con cháu, bà hẹn trước ngày về như ra điều kiện, con ưng thuận mới đi. Đúng hẹn, con năn nỉ hay cất nón giấu đồ để giữ chân, bà vẫn quyết về lại ngôi nhà của mình. Ở đó, bà có thể thỏa thích dọn dẹp cả ngày hay tự do lúi húi trong gian bếp đầy bồ hóng, có thể ngồi xoáy trầu và trò chuyện dưới trăng cùng các bạn già, không cần bật điện để đỡ tốn và những con thiêu thân khỏi bay vô nhà. Ở đó, từ ông già đi sấp tới đứa bé lững chững, bà đều quen thân như ruột thịt, có khi biết cả chuyện trong buồng, trong bếp của nhau. Ở đó, lòng người để ngỏ như những cánh cổng khép hờ, chỉ nhón chân là đến được với nhau. Đến như ông già mù ở cạnh nhà tôi cũng có thể nhận ra từng ngõ nhỏ trong xóm hay biết hàng cau, vườn ổi nhà ai đang trổ bông hoặc mít trên cây đã chín… Phải xa nơi đã thành một phần của đời mình như thế, những người như bà Huỳnh hay mẹ tôi nhớ thương cũng phải thôi.

Gặp Hưng về quê chạp mả, mẹ tôi rối rít hỏi thăm bà Huỳnh. Đáp lại sự nóng lòng của người đối thoại, cậu hồ hởi, vẻ như khoe. Hóa ra, từ ngày lên với con, bà Huỳnh mập mạnh và trắng trẻo hẳn ra; lại vui vầy bên con cháu, không còn nhớ quê đòi về như trước. Cứ theo lời con thì mẹ sớm quen với nơi mới thay vì ngần ngại như lúc cất bước ra đi. Hưng hài lòng thấy mẹ có những tháng ngày nhàn nhã cuối đời, lại lấy làm tiếc bởi không đưa cụ lên ở cùng sớm hơn để con khỏi phải về quê mỗi tháng… Nghe chuyện, mẹ tôi đột nhiên vui, từ ái ngại chuyển qua xuýt xoa, cười nói: “Quý quá, mừng cho bà ấy”.

Hưng ngầm tự sướng khi chê những người cùng cảnh hai quê nhưng hành xử khác với cậu. Rằng chẳng biết những người làm con nghĩ gì khi vênh vang nơi nhà cao cửa rộng, với đầy đủ tiện nghi trên thành phố nhưng lại để cha mẹ sống trong cảnh hiu quạnh nơi quê nhà lem luốc. Những người con ấy sao có thể bình tâm tận hưởng vui thú trong khi phụ mẫu dang nắng đội mưa nơi ruộng vườn. Rằng những kẻ làm con ích kỷ ấy sao chẳng tự vấn lương tâm…

Tôi nghe mẹ kể lại như thế; nếu nói chuyện với Hưng, chắc sẽ bảo: “Cậu sai rồi, mỗi người có hoàn cảnh và quan niệm khác nhau”. Như mẹ tôi đấy, con gái ở bên kia bờ rào, bao lần năn nỉ mẹ qua ngủ cho vui nhưng bà chỉ thích nằm trên chiếc chõng tre cha tôi đóng từ hồi hai người mới cưới, bởi “lạ chỗ không ngủ được”. Lần hiếm hoi mẹ thích lên thành phố là khi vợ tôi sinh nở; khi đó chẳng chờ con có lời, bà cũng lên ở cả tháng để lo cơm nước và hơ áp. Khi cháu cứng cáp, bà về quê liền. Bấy giờ, con đem xe về đón, mẹ cũng chẳng đi, bởi: “Lên đó ngồi không cả ngày, lại chẳng có người nói chuyện, buồn chết đi được!”. Đã thế, con thấy mẹ cứ lọ mọ ngoài vườn nên giấu chổi hay liềm cuốc, bà vẫn tìm ra để quét sân xới vườn như vun xới niềm vui vậy.

Lạ nữa là mẹ tôi chỉ thích ngọn lửa củi rác, trong khi lạnh nhạt với ánh sáng xanh lét của bếp ga. Vậy nên, dù con lắp bếp ga trong gian bếp ốp gạch men sáng choang nhưng cụ vẫn lui cui nơi chái bếp nhem nhuốc than tro. Lắm khi củi ướt, phải thổi phù phù hay quạt phành phạch, khói mù mịt cay xè nhưng cụ chẳng rời không gian quen thuộc. Cụ bảo, quen củi lửa ủ ấm gian bếp cả ngày thay vì bếp ga chợt sáng chợt tắt rồi nguội ngắt.

Hẹn mãi rồi mẹ tôi cũng lên thành phố chơi, bảo con đưa qua thăm bà Huỳnh, gặp lúc chỉ mỗi bà ở nhà. Thoáng thấy mẹ tôi, bà Huỳnh đã ôm chầm, miệng rên lên sung sướng rồi nắm chặt tay người bạn già suốt buổi. Bà hỏi chuyện, cười nói không ngớt, cứ như lâu lắm mới được nói nhiều như vậy, chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu không cuối.

Bà bảo, lắm đêm không ngủ được, cứ nhẩm đếm từng đám ruộng trên Đồng Lĩnh, lại nhớ mùa lộc vừng rụng bông đỏ cả dòng sông sau nhà hay những bông điên điển vàng rực trước ngõ; nhớ cả mùi nước phèn hay bùn đen trên đồng. Bà từng hít hà với những quả thị trong mơ, khi tỉnh lại, thao thức hàng giờ với hai “cụ” thị sum suê đầu xóm. Bà nhớ cả người chưa biết tên: “Chàng trai câm ở Nhơn Bồi dạo này có hay lên xóm mình đào gốc tre thuê và giúp người già bổ củi”; lại tặc lưỡi xót xa khi nghe những bà con trong làng vừa mất.

Bà cười tự vấn, sao bỗng dưng trở nết, không ham thịt cá nhưng thèm rau tập tàng nấu canh nêm mắm ruốc hay mít non trộn đậu phụng; lại nhớ củ sắn lùi đống trấu ngún cả ngày hay mấy muỗng khoai chà ngào đường từng lắm lần mắc nghẹn. Đến trái đu đủ hay mãng cầu bà cũng thấy chẳng đâu ngon bằng ở làng mình… Chắc không phải sự réo gọi của dạ dày hay tinh tế của vị giác mà là sự thổn thức của trái tim khiến bà hoài cảm món ăn, sản vật quê nhà.

Mong muốn của bà còn tít tắp đến tận cùng nơi dương thế, rằng muốn được về nằm trên bãi cát rừng nhãn quê mình, bên những người thân. Lại lo, nhà ở quê đã bán, ngày “về” chẳng có chỗ để bà con thắp hương. Bà bảo, nhiều người thân chê trách hạ sách bán nhà, bởi tự biến mình có quê mà chẳng có nhà; vẻ như bà mong được thấu hiểu: “Dâu con cần vốn làm ăn; chúng cứ khơi gợi, nhòm ngó chỗ đất tổ tiên để lại, tôi không cầm lòng được, bà ạ”.

Loanh quanh một hồi rồi bà lại quay về nỗi buồn xa xứ, lại ước về quê. Mẹ tôi thắc mắc: “Bữa trước, nghe Hưng nói bà đã quen trên này, tôi lại mừng”. Đáp lại là lời phân trần: “Thổ lộ buồn phiền với con cũng chẳng được gì nên đành im vậy”. Bà đã mấy lần bảo con đưa về thăm quê nhưng nó hẹn hoài rồi lảng đi nên không muốn nhắc nữa. Hóa ra, đến nỗi buồn mẹ cũng giấu riêng trong lòng bởi biết con chẳng sẻ chia, thấu hiểu.

Đã mấy lần mẹ tôi đứng lên từ biệt nhưng bà Huỳnh nắm tay năn nỉ: “Nán chút nữa!”. “Gia hạn” thêm ba bận rồi cũng chia tay, bà tựa cửa nhìn theo, mắt nhòa lệ. Ngó qua kính chiếu hậu, tôi thấy dáng bà lùi xa nhưng vẫn đăm đắm trông theo; ánh nhìn vời vợi ấy cứ như muốn thấu đến quê nhà xa ngái.

Tôi cay đắng nghĩ về Hưng, tiếng là đưa mẹ lên thành phố phụng dưỡng nhưng cậu chỉ muốn được phần mình, mặc nỗi lòng của mẹ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tua-cua-nhin-theo-a105674.html